"Tiền rau hai bữa hết gần trăm ngàn"

Ngày 18/01/2013 10:28 AM (GMT+7)

Giá rau tăng suốt hơn 1 tuần qua khiến chị em sáng nào đi chợ cũng buông tiếng thở dài. Tính ra một ngày riêng tiền rau đã cả trăm nghìn đồng.

Nhà chị Loan ở phố Tuệ Tĩnh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chỉ có hai người, không thích ăn cơm bụi nên ngày nào chị Loan cũng tranh thủ trưa về nấu cơm để hai vợ chồng cùng ăn. Từ ngày rau sốt giá, chị Loan nhẩm tính tiền mua rau mà thấy xót ruột.

“Bữa trưa hôm nay, tôi mua một cái súp lơ xanh 20.000 đồng, hai mớ rau cải cúc bé xíu 10.000 đồng, 10.000 đồng nấm hương khô để xào lẫn súp lơ. Tiền gừng, tỏi, hành, hết 4.000 đồng nữa. Tổng cộng tiền rau hết 44.000 đồng”, chị Loan nói.

Nếu tính cơ cấu bữa ăn gồm hai vợ chồng như nhà chị Loan, ngày hai bữa, riêng tiền rau hết 88.000 đồng, chưa kể tiền thức ăn khác như thịt, cá, hoa quả. “Đấy là mình chưa tính, bữa sáng hai vợ chồng tự ăn ở ngoài, đến thứ bảy, chủ nhật mới nấu gói mì, bát canh. Nếu tính cả tiền rau cho bữa sáng thì cả ngày hết hơn trăm ngàn là chắc chắn”, chị Loan tính.

quot;Tiền rau hai bữa hết gần trăm ngànquot; - 1

Rau xanh bỗng trở thành thứ xa xỉ trong bữa cơm gia đình (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, chị Loan là nhân viên văn phòng cho một công ty tư nhân ở Hà Nội, lần tăng lương gần đây nhất của chị Loan vào tháng 10/2010. Từ đó đến nay, công ty làm ăn khó khăn nên hết lần này đến lần khác công ty khất tăng lương. Sang năm nay, tiền thưởng Tết Dương, Tết âm của chị còn bị giảm 1/3 so với năm trước.

Không khá khẩm gì hơn nhà chị Loan, gia đình Chị Nguyệt (Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy) tá hỏa khi tuần vừa rồi tiền ăn uống của gia đình anh chị đội lên gấp đôi so với bình thường. Nhà có hai con, một anh lớn học lớp 10, một em gái nhỏ học lớp 4, đang tuổi ăn tuổi lớn nên anh chị luôn phải đảm bảo bữa cơm trong gia đình vừa có đầy đủ chất dinh dưỡng, vừa nhiều chất xơ trong rau xanh cho các con.

"Tiền ăn uống tuần vừa rồi leo thang dữ quá. Đơn giản như bữa trưa hôm qua nhà có mua ba quả cà chua để sốt trứng hết 11.000 đồng, một cây bắp cải nấu canh hết 23.000 đồng, 15.000 tiền hành tây, cà rốt để xào thịt bò, 5000 đồng tiền hành cây, gừng, thì là, tỏi... Vậy là đã hơn 50.000 tiền rau một bữa, chưa kể bữa tối còn ăn nhiều hơn, một ngày hơn trăm nghìn là ít" - Chị Nguyệt ngẩn ngơ tính.

Chất lượng bữa ăn giảm mạnh

Thường xuyên đi chợ nấu ăn, thu chi lại eo hẹp nên chị Loan nhớ rất rõ giá cả thực phẩm. Ở thời điểm tháng 10, tháng 11/2010, cải cúc chỉ 1.000 đồng/mớ, su hào chỉ 2.500-3.000 đồng/củ, các loại cải ngọt, cải chíp chỉ ở mức 4-4.500 đồng/kg. Súp lơ cũng chỉ 6.000 đồng/kg, tính ra một chiếc nhỏ như bây giờ khoảng 6 lạng, thành tiền chỉ hết 3.500 – 4.000 đồng.

Một kg bắp cải ta ở chợ Nguyễn Công Trứ, gần nhà chị Loan, hiện có giá 20.000 đồng, là loại cải bình thường chứ không phải loại cả lá giòn Đà Lạt giá đắt. Một chiếc bắp cải khoảng 1,5kg thành ra 30.000 đồng. Súp lơ cũng đã tăng gấp 5 lần. Không chỉ rau tăng mà một số loại thực phẩm thiết yếu cũng tăng tương ứng.

quot;Tiền rau hai bữa hết gần trăm ngànquot; - 2

Thực phẩm đắt đỏ khiến chất lượng bữa cơm bị giảm sút (Ảnh: Thu Ninh)

“Tiền lương không tăng, giá cả, chi phí ăn uống, sinh hoạt tăng quá cao, lương của mình giờ không còn đủ chi tiêu như trước đây”, chị Loan lo lắng.

Các chị em cũng đều chung lo lắng này. Giá cả đắt đỏ trong khi thu nhập không tăng kịp, chất lượng bữa ăn gia đình ngày càng giảm sút.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay, thực tế, chất lượng bữa ăn của người dân Việt Nam đã giảm sút nhanh từ 3 – 4 năm trở lại đây. Lạm phát cao liên tục trong mấy năm liền, lương không theo kịp, người nghèo và người làm công ăn lương phải gồng mình thích ứng.

Đợt sốt giá của rau xanh lần này do thời tiết rét tới gần 20 ngày liền, rau xanh có loại tăng giá gần gấp rưỡi. Một phần do nguyên nhân thời tiết, một phần do các tiểu thương đội giá.

Theo ông Phú, để bình ổn giá ngay cũng khó, hàng bình ổn cũng chỉ chiếm 10% nên nhiều khi các cơ quan chức năng trông thấy giá lên cũng chịu. Điều hành bằng mệnh lệnh hành chính thì không thể. Giải pháp hạ giá bằng cung – cầu thị trường cũng không đủ lực vì Hà Nội 7 – 8 triệu dân, một hàng tiêu dùng biết bao nhiêu tấn rau xanh, thịt cá, bây giờ không thể một lúc tung ra hàng vạn tấn rau, hàng triệu quả trứng để hạ giá. Trong khi đó, hệ thống lưu thông, phân phối lại cực kỳ kém, nên thị trường biến động, giá rất dễ “sốt”, ông Phú cho hay.

Ông Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT (cơ quan chịu trách nhiệm về nguồn cung rau xanh cả nước) lưu ý, với giá rau như hiện nay người nông dân đang có lãi và người tiêu dùng vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu giá tiếp tục tăng nữa thì đời sống công nhân lao động, những người có mức thu nhập thấp và trung bình sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Việc tăng giá cũng sẽ tạo hiệu ứng theo dây chuyền, tăng giá các mặt hàng tiêu dùng khác, từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội không tốt.

Thu Ninh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan