Trục lợi từ hàng bình ổn giá

Ngày 18/02/2014 00:00 AM (GMT+7)

Có nhiều mặt hàng giá niêm yết một đằng, bán một nẻo nhưng người mua vẫn cứ phải chấp nhận và tạo điều kiện cho DN tham gia bình ổn trục lợi trên chính những mặt hàng này.

"Quản lý giá nói chung và giá sữa nói riêng đang có nhiều bất ổn... Giá các mặt hàng được bình ổn sẽ còn tiếp tục bất ổn hoặc đi kèm với những tổn thất lớn cho ngân sách". Đó là chia sẻ của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, Ủy viên Hiệp hội bán lẻ Việt Nam.

Giá bình ổn cao hơn thị trường

- Ông đánh giá thế nào về hiện tượng “ sốt”  giá trên một số mặt hàng cùng các giải pháp của cơ quan quản lý?

- Thị trường đã nhiều phen chứng kiến một số mặt hàng lên cơn “sốt” giá. Từ mặt hàng thiết yếu như: mớ rau, cân thịt, cái đinh, tấm tôn, sữa...cho đến những mặt hàng cao cấp, giá trị hơn nhiều như vàng, ngoại tệ...

Một trong những phản ứng chính sách thường thấy của cơ quan chủ quản là dùng mệnh lệnh hành chính, cấm người cung cấp những mặt hàng này trên thị trường tăng giá tạm thời một thời điểm nhất định; buộc người bán theo giá niêm yết, giá quy định; đưa một số mặt hàng này vào diện mặt hàng được bình ổn giá; thanh tra, điều tra phát hiện những ai vi phạm về giá cả đã đăng ký hoặc trong diện được bình ổn khi muốn tăng giá phải giải trình với cơ quan chủ quản và không được tăng liên tục trong một khoảng thời gian nào đó.

Vụ việc lùm xùm mới đây nhất là vụ việc giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi liên tục tăng trong thời gian ngắn mà không vì lý do gì. Nguyên nhân cuối cùng được cho là do các mặt hàng sữa trước đây đã thay tên đổi họ thành sản phẩm dinh dưỡng theo quy định của Bộ Y tế. Và do đó, thoát bị nằm trog danh mục hàng hóa phải bình ổn giá do Bộ Tài chính quản lý.

Trục lợi từ hàng bình ổn giá - 1

Ông Vũ Vinh Phú

Và như một giải pháp để xử lý giá sữa trẻ em không tăng nữa, người ta đã nhanh chóng đưa sữa trẻ em vào loại danh mục phải bình ổn giá theo quy định của Bộ Tài chính. Và dư luận thở phào, dạng như giá sữa trẻ em từ nay hết cửa tăng.

- Công tác bình ổn giá theo ông đã thực sự mang lại hiệu quả như thế nào?

- Có không ít mặt hàng thuộc diện bình ổn giá mà giá của chúng nhiều khi và ở nhiều nơi còn cao hơn ở ngoài thị trường. Có nhiều mặt hàng bình ổn giá mà lượng cung như muối bỏ bể và tiểu thương đổ xô “đóng giả” người tiêu dùng đến khuân rồi lại bán lại cho người tiêu dùng với giá cao hơn. Để rồi rốt cuộc giá tăng vẫn cứ tăng.

Rồi có nhiều mặt hàng giá niêm yết một đằng, bán một nẻo mà người mua vẫn cứ phải chấp nhận vì nhiều chiêu lách luật của người bán mà nếu có phát hiện cơ quan chủ quản chẳng thể làm gì và người mua chỗ nào cũng vậy.

Trong khi đó, có nhiều mặt hàng mà để giá của nó được bình ổn, hàng loạt ưu đãi tài chính phải được đưa ra để rồi phí tổn liên quan đến bình ổn trở nên phi lý và tạo động cơ cho những hành động trục lợi của DN tham gia bình ổn.

Trục lợi từ hàng bình ổn giá - 2

 Chị em lo lắng vì giá sữa lại tăng

Mấu chốt quản lý giá rất đơn giản!

-  Mấu chốt của vấn đề quản lý giá theo ông là gì?

- Mấu chốt của vấn đề rất tiếc lại rất đơn giản. Do cung và cầu chênh lệch nhau, chính xác hơn là cung nhỏ hơn cầu. Để khắc phục quy luật cơ bản này của thị trường, người ta phải tăng cung, hoặc giảm cầu hoặc bù giá.

Cụ thể, với mặt hàng sữa, việc tăng cung xem ra không phải là vấn đề khi theo một số báo cáo có tới hơn 200 nhà nhập khẩu sữa vào Việt Nam. Chưa kể nguồn cung từ “hàng xách tay”, sản xuất trong nước hầu như không bị một cơn sốc nào và vẫn không ngừng tăng trưởng, khó mà tạo cơn sốt giá đột ngột. Nhưng vẫn chưa thấy có phân tích nào, kể cả từ cơ quan chức năng chỉ ra giá sữa và chi phí nhập khẩu sữa và nguyên vật liệu vào Việt Nam để sản xuất sữa có tăng lên không.

Về phía cầu, cũng có một số bị bỏ qua, chẳng hạn người ta không chịu xem xét trong thời gian qua đã có sự chuyển dịch về lượng và cơ cấu của cầu về sữa làm thay đổi giá sữa hay không. Từ ngoài nhìn vào cho thấy, một yếu tố có thể đã ảnh hưởng tới cầu về sữa ở Việt Nam, đó là việc thu mua vét sữa của người tiêu dùng Trung Quốc đã diễn ra trong phạm vi toàn cầu từ Âu sang Mỹ, đến Úc và Newzealand. Việc mua vét sữa đã đẩy giá sữa và giá nguyên liệu làm sữa nhập khẩu lên làm giá sữa Việt Nam cũng phải tăng lên (xét về nguồn cung).

Về việc bù giá, một khi cung cầu đã có biến động theo hướng mất cân đối thì giá sẽ chịu áp lực tăng lên. Để người tiêu dùng tiếp cận được với mức giá không đổi thì nhà nước cần phải bù giá. Nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có việc ngân sách chi ra để hỗ trợ cho các DN nhập khẩu sữa hay hỗ trợ cho người tiêu dùng mua sữa.  

-  Ông có dự báo gì về giá các mặt hàng thiết yếu được liệt vào danh  mục hàng bình ổn giá trong thời gian tới?

Chuyện thiếu vắng sự hỗ trợ hoặc bù giá thế này xem ra vẫn diễn ra trong thời gian tới. Ở đây, ta chưa nói đến quy mô hỗ trợ cần thiết để đảm bảo mọi nhu cầu được thỏa mãn tại mức giá hiện tại (không tăng) và những tồn tại to lớn đi kèm với việc hỗ trợ. Vì thế mà nhiều nước đang có trợ giá cho mặt hàng nào đó như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm...đã và đang phải cân nhắc thu hẹp hoặc xóa bỏ tài trợ do ngân sách của họ không thể kham nổi.

Tóm lại, việc quản lý giá nói chung và sữa nói riêng có nhiều bất ổn. Từ việc phân tích và tìm ra nguyên nhân, cách tư duy và biện pháp xử lý, công cụ xử lý, năng lực và nguồn lực xử lý và kể cả việc giám sát công tác xử lý. Có thể thấy trước, và thực tế cũng cho thấy rằng, giá các loại mặt hàng được bình ổn sẽ tiếp tục bất ổn và (hoặc) đi kèm với những tổn thất lớn cho ngân sách.

Hải Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan