Đủ mẹo sử dụng điều hòa tiết kiệm điện

Ngày 06/05/2016 08:13 AM (GMT+7)

Nhiều người lầm tưởng đặt nhiệt độ xuống càng thấp khi mới khởi động điều hòa thì phòng càng lạnh nhanh hơn, nhưng thực tế không phải như vậy.

Ngày nay, điều hòa đã trở thành vật dụng quen thuộc trong hầu hết các gia đình và được coi là một trong số những món đồ tiêu thụ điện nhiều nhất. Vậy làm thế nào có thể dùng điều hòa thả ga trong những ngày hè sắp tới mà không phải lắc đầu ngán ngẩm với hóa đơn tiền điện?

Giảng viên Phạm Thế Dự - khoa Nhiệt lạnh trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội sẽ gợi ý cho người dùng những mẹo sử dụng điều hòa an toàn và tiết kiệm điện nhất.

Đủ mẹo sử dụng điều hòa tiết kiệm điện - 1

Điều hòa là một trong những thiết bị điện rất hữu ích trong ngày hè nhưng cũng tiêu tốn khá nhiều tiền điện trong các hộ gia đình

Sai lầm hầu như ai cũng mắc phải khi đặt nhiệt độ

Một trong những quan niệm sai lầm của rất nhiều người là thường đặt nhiệt độ điều hòa thật thấp khi mới khởi động để cho phòng nhanh lạnh hơn, sau đó mới tăng nhiệt độ đến mức cần thiết. Nếu muốn duy trì nhiệt độ phòng ở mức 25 độ, người dùng thường để thấp xuống tới 20, 21 độ lúc mới bật điều hòa "cho nhanh lạnh", rồi 10 - 15 phút sau mới tăng trở lại 25 độ.

Theo giảng viên Phạm Thế Dự: "Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi việc đặt nhiệt độ xuống thật thấp không hề rút ngắn được thời gian làm lạnh phòng.

Bộ máy bên trong điều hòa lúc nào cũng chạy hết công suất. Với cùng một căn phòng và cùng một chiếc điều hòa, khi bắt đầu bật, dù có đặt nhiệt độ là 16 hay 26 thì tốc độ làm lạnh phòng cũng vẫn như nhau, tức là mất cùng một khoảng thời gian để phòng giảm từ nhiệt độ ban đầu đến mức 26 độ".

Điểm khác nhau là nếu đặt ngay từ đầu mức nhiệt 26 độ, điều hòa sẽ tự dừng ở mức đó và duy trì ổn định. Còn nếu đặt 16 độ, điều hòa sẽ mất thêm một khoảng thời gian nữa để giảm tiếp đến 16 độ rồi mới ngắt nếu người dùng chưa kịp chỉnh nhiệt độ tăng lên. Như vậy, việc để nhiệt độ thấp hơn mức cần thiết sẽ vừa tiêu tốn điện năng, vừa mất công người dùng phải điều chỉnh 2 lần.

Bởi vậy, cách tốt nhất là nên đặt luôn mức nhiệt độ phòng mà mình mong muốn ngay từ đầu.

Đủ mẹo sử dụng điều hòa tiết kiệm điện - 2

Nhiệt độ trong phòng điều hòa và ngoài trời chênh lệch càng lớn, điện năng tiêu thụ càng nhiều

Nói về mức nhiệt mặc định trong phòng, giảng viên Phạm Thế Dự cho biết, theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia thì mức nhiệt trong phòng không nên chênh lệch quá 10 độ C so với nhiệt độ ngoài trời, và không nên thấp dưới 20 độ C.

Việc này không chỉ gây tốn điện hơn mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Sự thay đổi nhiệt độ quá nhanh chóng dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, gây nguy hiểm cho người sử dụng, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, người bị cao huyết áp hay mắc các bệnh tim mạch...

Chuyên gia cũng cho hay, mỗi loại điều hòa có một công suất khác nhau, việc chọn điều hòa phù hợp với diện tích phòng cũng là một cách giúp tiết kiệm điện và tăng tuổi thọ của chúng. Khi đã sử dụng điều hòa, cần đảm bảo phòng phải kín, ra vào đóng cửa nhưng cũng không nên đóng kín quá lâu đến mức gây bí, không tốt cho sức khỏe người dùng.

Cách bảo dưỡng điều hòa an toàn mà không tốn kém

Đối với điều hòa một chiều, nhiều gia đình thường để không suốt những tháng mùa lạnh, và đến hè năm kế tiếp mới khởi động trở lại. Chuyên gia cho biết, việc để điều hòa không hoạt động quá lâu rất dễ dẫn đến han gỉ các chi tiết bên trong, dẫn đến thủng bộ giàn, rò rỉ gas... Việc tháo lắp để sửa chữa hay thay mới vừa rất mất công, vừa tốn kém chi phí.

Đủ mẹo sử dụng điều hòa tiết kiệm điện - 3

Bật điều hòa mỗi tháng ít nhất 3, 4 lần trong mùa đông cũng là một cách bảo dưỡng đơn giản, không tốn kém

Theo lời khuyên của giảng viên Phạm Thế Dự: "Nếu không thường xuyên dùng đến điều hòa trong mùa đông, chúng ta cũng nên bật mỗi tháng 3, 4 lần để các bộ phận được hoạt động đều đặn, hạn chế hỏng hóc hay han gỉ. Đây chính là một cách bảo dưỡng đơn giản mà không tốn kém.

Ngoài ra, nếu muốn cẩn thận vệ sinh điều hòa trước khi vào mùa, người dùng có thể tự lau qua cục nóng và bề mặt cục lạnh. Còn riêng vỉ tản nhiệt và các bộ phận bên trong, nên nhờ đến thợ sửa chữa điều hòa trợ giúp, bởi nếu tháo lắp không đúng cách sẽ rất dễ gây hỏng hóc nhiều bộ phận (thủng giàn nóng/lạnh, rò rỉ gas)... dẫn đến nhiều tình huống nguy hiểm".

Hoài Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹo vặt gia đình