Mẹ Việt "choáng" với bồn tắm nước nóng biết nói của Nhật

Ngày 17/09/2015 08:10 AM (GMT+7)

Người Nhật sau khi ngâm nước nóng xong thì đậy nấp bồn lại để giữ nhiệt độ cho người sau vào sử dụng tiếp.

Mira Chan là một mẹ Việt sinh sống và làm việc ở đất nước Nhật Bản. Chị được nhiều được nhiều người yêu mến với những bài chia sẻ rất đời thường về văn hóa, ẩm thực và con người Nhật Bản. Những chia sẻ của Mira luôn nhận được sự theo dõi đông đảo của nhiều người mong muốn hiểu thêm về xứ sở hoa anh đào.

Mẹ Việt quot;choángquot; với bồn tắm nước nóng biết nói của Nhật - 1

Mira kể chuyện bồn tắm ở Nhật

Hồi xưa, khi đọc Doraemon thì mình luôn thắc mắc không hiểu vì sao Xuka lại thích tắm bồn suốt ngày đến thế?…Còn giờ thì mình đã hiểu lý do vì sao, bởi vì mình cũng mê tắm bồn kiểu Nhật không thua gì Xuka đâu nhé.

Người Nhật rất thích ngâm mình trong nước nóng ở các phòng tắm nước nóng công cộng và cả ở nhà nữa. Cách tắm bồn của người Nhật khác với người phương Tây bởi vì họ không cho xà phòng hay bọt vào bồn tắm, mà chỉ sử dụng nước nóng (trung bình từ 38 - 42oC), và thỉnh thoảng thì cho chút mùi hương như trà xanh hay trái quýt tươi vào mùa đông để phòng chống cảm cúm.

Thật ra, bồn tắm nước nóng của người Nhật không phải dùng để tắm và cọ rửa, mà dùng để ngâm mình giữ ấm cơ thể và thư giãn, giải stress. Lúc đầu, khi mới tắm bồn thì mình thấy nước hơi nóng, nhưng ráng chịu đựng và quen dần thì cảm thấy vừa bước chân vào bồn là cơ thể nhẹ hẳn, mọi bực dọc, mệt mỏi trong ngày tan biến đâu hết!

Ngoài ra, cách tắm bồn của người Nhật rất đặc biệt. Với quan niệm, bồn tắm chỉ để ngâm mình giữ ấm cơ thể, chứ không phải để cọ rửa nên trước khi vào bồn ngâm bạn phải tắm và chà mình thật sạch sẽ. Bên cạnh đó, một cái bồn này thường là để cả nhà ngâm chung, nên sau khi bạn ngâm nước xong thì đậy nấp bồn lại để giữ nhiệt độ của nước, chứ không xả nước đi và phải giữ nước thật sạch sẽ để người sau còn vào ngâm nữa!

Hồi trước, mình có nghe chuyện kể của một nhóm bạn người Việt qua Nhật ở homestay (PV: thay vì ở khách sạn hoặc các nhà nghỉ, các bạn sẽ ở ngay tại nhà của dân địa phương). Tuy nhiên, các bạn không biết phong tục tắm bồn của gia đình người Nhật nên mỗi lần tắm xong lại xả hết nước, và mở vòi cho nước chảy đầy bồn như cũ rồi mới dám chui ra khỏi phòng tắm.

Cuối cùng, một điều làm mình rất thích cái bồn tắm của Nhật là ở tính hiện đại của chúng. Ngày xưa, để có được nước nóng, người dân xứ hoa anh đào phải đốt củi đun nước, rồi dùng nắp gỗ đậy chặt bồn tắm để giữ nhiệt độ. Còn ngày nay thì chỉ cần một nút bấm là bao điều thú vị tự động… hoạt động.

Ví dụ, như cái bồn tắm trong hình ở nhà mình, có một bảng điều khiển nằm phía trên bồn tắm. Chúng ta có thể set up (PV: điều chỉnh) tất cả các chế độ như bao nhiêu lượng nước nóng, nhiệt độ bao nhiêu, nhiệt độ cần giữ trong bao lâu,...và sau đó bấm nút Start (PV: Khởi động) là nước nóng sẽ tự động chảy ra từ cái núm sắt ở trong bồn (chứ không có vòi nước).

Ngoài ra, ở ngoài nhà bếp cũng sẽ có một bảng điều khiển y chang vậy. Hai cái bảng điều khiển trong phòng tắm và ngoài bếp có chức năng như điện thoại vì ta có thể bấm nút để nói chuyện với nhau khi có chuyện cần. Đặc biệt hơn nữa, khi lượng nước ta cần đã chảy ra đủ thì bảng điều khiển gắn ở nhà bếp sẽ phát ra tiếng nói: "Nước đã chuẩn bị xong, mời bạn đi tắm!".

Mẹ Việt quot;choángquot; với bồn tắm nước nóng biết nói của Nhật - 2

Khiếp không? Lúc mình mới qua Nhật, bước vào nhà thấy tự nhiên thấy cái máy này phát ra tiếng, cái máy kia tự động nói là hết cả hồn, cứ như nhà quê mới lên tỉnh vậy.

Từ cái bồn tắm gỗ sơ sài như cái thùng phuy này mà người Nhật đã cải tiến chúng thành cái bồn tắm xinh đẹp, hiện đại và…biết nói như ngày nay thì quả là đáng nể phục.

Mẹ Việt quot;choángquot; với bồn tắm nước nóng biết nói của Nhật - 3

Bồn tắm gỗ ngày xưa của Nhật

Thanh Thanh (Mira Chan's Kitchen)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phòng tắm - Nhà vệ sinh