Cây nguyệt quế: Cách trồng cho dáng đẹp, hoa thơm, rước tài lộc

Việt Quất - Ngày 15/10/2017 11:30 AM (GMT+7)

Vòng nguyệt quế tượng trưng cho sự chiến thắng, vinh quang. Người ta thường trồng cây nguyệt quế trong nhà với niềm hy vọng về sự thành công, vẻ vang.

Cây nguyệt quế được xem là loài cây tượng trưng cho sự chiến thắng và tài lộc.  Không chỉ vậy, nó còn có rất nhiều công dụng trong y học nên ngày nay cây nguyệt quế ngày càng được nhiều người ưa chuộng.

Đặc điểm của cây nguyệt quế

Cây nguyệt quế là giống cây bonsai được ưa chuộng vì vẻ đẹp mộc mạc, hoa thơm quyến rũ và là biểu tượng của sự chiến thắng, tài lộc. cây nguyệt quý có nguồn gốc từ các nước Châu Á nhiệt đới. Tại Việt Nam cây mọc nhiều ở các khu rừng và tập trung nhiều nhất ở các khu vực ven sông, ven suối….

Cây nguyệt quế: Cách trồng cho dáng đẹp, hoa thơm, rước tài lộc - 1

Cây nguyệt quế là loài thân gỗ, có tên khoa học là Murraya paniculata với chiều cao từ 2 - 6m ngoài tự nhiên và cao khoảng 50cm khi trồng làm cảnh. Thân cây khi non có màu xanh và chuyển dần sang màu nâu, thân chuyển sang xám nhẵn bóng khi già nên rất dễ nhầm lẫn với thân cây bưởi. Lá cây nguyệt quế mọc xen kẽ nhau theo thân, với hình bầu dục hẹp dài, phiến lá bóng và nhọn.

Hoa nguyệt quế có mùi thơm thoang thoảng, dịu nhẹ, khoảng 8 bông một cụm và mọc ra từ nách lá hoặc đầu cành. Mỗi hoa gồm có 5 đài màu xanh và 5 cánh màu trắng, đường kính hoa khoảng 12 - 18mm uốn cong về phía sau. Hoa cây nguyệt quế có 10 nhị và một bầu nhụy hình cầu ở trên đỉnh.

Cây nguyệt quế: Cách trồng cho dáng đẹp, hoa thơm, rước tài lộc - 2

Cây nguyệt quế thuộc họ Cam nên hoa nguyệt quế cũng có những nét tương đồng với hoa bưởi, hoa cam, hoa quýt. Hoa không nở quanh năm mà chủ yếu xuất hiện sau những trận mưa lớn, nhất là vào cuối đông đầu xuân. Khi kết quả, quả của cây nguyệt quế có hình bầu dục nhọn 1 đầu như quả trứng, vỏ có màu xanh. Khi chín, quả dần chuyển sang màu cam hoặc đỏ đậm, phần thịt quả nạc, mọng nước và có 1 - 2 hạt.

Phân loại cây nguyệt quế

Hiện nay phổ biến trên thị trường có 3 loại: cây nguyệt quế lá lớn, lá nhỏ và lá nhỏ thân xoăn. Trong đó, nguyệt quế lá nhỏ thân xoăn có giá trị kinh tế và thẩm mỹ nhất.

1. Cây nguyệt quế lá lớn

Cây nguyệt quế lá lớn là loại cây thân gỗ, phiến lá to, mọc thưa, thường được người chơi bonsai trồng làm cây bonsai lớn. Do đặc tính của loài cây này là không ưa nước, chịu hạn tốt, ưa đất phù sa hoặc đất cát. Nên khi đưa lên chậu làm bonsai cần phải lựa chọn loại chậu có khả năng thoát nước nhanh, nếu tích nước có thể khiến cây bị úng nước chết. Đặc biệt cây nguyệt quế lá lớn có thể bị úng nước vào mùa mưa nên khi chăm sóc bạn cần chú ý điểm này.

Cây nguyệt quế: Cách trồng cho dáng đẹp, hoa thơm, rước tài lộc - 3

2. Cây nguyệt quế lá nhỏ

Cây nguyệt quế lá nhỏ cũng là loài cây thân gỗ, thường được người chơi bonsai trồng trong chậu làm cảnh. Điểm khác biệt là cây nguyệt quế lá nhỏ có tán lá dày, phiến lá nhỏ và kích thước cây cũng nhỏ hơn.

Hoa của cây nguyệt quế lá nhỏ cũng tương tự như loại cây lá lớn, nhưng ra nhiều hoa hơn nên mùi hương tỏa ra thơm hơn, thanh khiết hơn. Vì vậy, nguyệt quế lá nhỏ mang đến giá trị kinh tế cao hơn so với cây là lớn và được săn đón nhiều hơn.

3. Cây nguyệt quế lá nhỏ thân xoăn

Loài cây này có đầy đủ những đặc điểm về giống như cây nguyệt quế lá lớn và lá nhỏ. Tuy nhiên, điểm thu hút người chơi bonsai ở loài cây này nằm ở thân cây và bộ rễ.

Cây nguyệt quế lá nhỏ thân xoăn có phần thân cây xoắn lại như sợi dây thừng khá độc đáo, bộ rễ nổi lên mặt đất rất đẹp và thân cây cao khoảng 40cm. Từ hình dáng, tán cây cho đến bộ rễ cây nguyệt quế lá nhỏ thân xoăn đều đẹp hơn nhiều so với 2 loại còn lại.

Công dụng của cây nguyệt quế

Ngoài là một loại cây bonsai có giá trị kinh tế cao, cây nguyệt quế còn có công dụng gì đối với đời sống và sức khoẻ con người. Sau đây là 4 công dụng chính của cây hoa quế mà có thể bạn chưa biết.

1. Làm cây bonsai trang trí 

Cả 3 loại cây nguyệt quế đều được người chơi bonsai tìm mua vì cây có hoa đẹp, tán cây dễ tạo thế. Tuy nhiên, mỗi loài lại được sử dụng để trồng trang trí ở những vị trí khác nhau. Ví dụ, cây nguyệt quế lá lớn thường làm cây bonsai lớn ngoài vườn hoặc được trồng ở lối đi của công viên. Trong khi đó, cây bonsai lá nhỏ và lá nhỏ thân xoăn được đưa lên chậu làm cây bonsai nhỏ trong vườn, tiểu cảnh hoặc đưa vào nhà để trang trí.

Giá trị của bonsai của cây nguyệt quế còn phụ thuộc vào thế cây và tuổi của cây. Thế cây đẹp, tuổi cao thì giá trị sẽ rất lớn.

2. Cây nguyệt quế làm gia vị

Không chỉ được sử dụng để trang trí, lá cây nguyệt quế còn được các bà nội trợ sử dụng như một gia vị không thể thiếu của 1 số món ăn. Lá nguyệt quế có vị cay và đắng nhẹ, có mùi thơm dịu rất đặc trưng nên thường được sử dụng để làm các món ăn như món xào, làm súp, làm nước sốt hoặc để ướp cho món ăn thơm hơn và khử mùi tanh của thịt.

3. Cây nguyệt quế giúp xua đuổi côn trùng

Không giống như một số loài cây khác, chỉ cần trồng trong nhà là đã có thể xua đuổi côn trùng như ruồi, muỗi. Lá cây nguyệt quế giúp xua đuổi côn trùng bằng cách vò nát lá nguyệt quế sau đó bỏ vào nước lau nhà thì mới có hiệu quả.

Lá cây có mùi hăng, vị cay nồng nên khi vo nát hoà cùng nước lau nhà sẽ giúp xua đuổi các loài côn trùng như ruồi, muỗi và đặc biệt là gián.

4. Cây nguyệt quế là một vị thuốc

- Cây nguyệt quế giúp tinh thần thoải mái và ngủ ngon: Áp lực công việc khiến bạn bị căng thẳng và mệt mỏi, bạn hãy để vài lá nguyệt quế khô hoặc máy xông tinh dầu nguyệt quế sẽ khiến bạn có tinh thần thoải mái và tỉnh táo hơn. Ngoài ra, mùi thơm dịu nhẹ từ tinh dầu nguyệt quế còn giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ, ngủ ngon và sâu giấc hơn.

- Cây nguyệt quế giúp đánh bay gàu và kích thích mọc tóc: Nếu da đầu bạn nhiều gàu, hãy sử dụng tinh dầu nguyệt quế kế trộn cùng dầu gội đầu hàng ngày sẽ giúp điều trị và ngăn ngừa gàu phát triển. Ngoài ra, khi kết hợp tinh dầu nguyệt quế và tinh dầu bưởi ủ lên tóc khoảng 20 phút sau mỗi lần gội và xả sạch lại với nước sẽ giúp kích thích mọc tóc và cho bạn mái tóc chắc khỏe.

- Cây nguyệt quế tốt cho hệ hô hấp: Khi xông hơi cùng với lá hoặc tinh dầu nguyệt quế sẽ giúp làm sạch dịch nhầy trong phổi nên đặc biệt hiệu quả với những người bị dị ứng hoặc hen suyễn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng tinh dầu nguyệt quế để thoa trực tiếp lên ngực và gan bàn chân khi bị cảm lạnh hoặc ho.

- Cây nguyệt quế hỗ trợ cho người bị tiểu đường: Một nghiên cứu của các chuyên gia đầu ngành cho thấy, các hoạt chất trong lá nguyệt quế sẽ làm giảm nồng độ glucose khi sử dụng 3gr lá nguyệt quế hàng ngày. Từ đó giúp hỗ trợ khả năng điều trị cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

- Cây nguyệt quế hỗ trợ hệ tiêu hoá: Không chỉ là một gia vị giúp món ăn ngon hơn, có mùi vị đặc trưng và đặc tính ấm, nóng, cay nhẹ từ lá nguyệt quế còn giúp hệ tiêu hoá tốt hơn và tăng dịch tiết trong cơ thể. Bạn cũng có thể sử dụng trực tiếp tinh dầu nguyệt quế thoa lên bụng. Ngoài ra, bạn có thể điều trị bệnh tiêu chảy bằng cách dùng quả nguyệt quế sắc lấy nước uống.

Ngoài ra, bột nguyệt quế, tinh dầu nguyệt quế và quả nguyệt quế còn có tác dụng giúp giảm lượng cholesterol xấu trong máu, giảm đau và kháng viêm xương khớp, ngăn chặn và hỗ trợ điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiết liệu, giảm cơn đau và kháng khuẩn trên các vết thương hở. Đặc biệt, sắc nước quả nguyệt quế mỗi ngày còn giúp chị em phụ nữ điều hoà kinh nguyệt.

Ý nghĩa của cây nguyệt quế

Theo quan niệm dân gian, cây nguyệt quế có thể trừ tà ma, xua đuổi cái xui cái xấu. Vì vậy, khi trồng cây này trong nhà có thể xua đuổi tà khí và sự xui xẻo, từ đó giúp gia chủ gặp nhiều may mắn hơn.

Theo quan niệm phong thuỷ, trồng cây nguyệt quế trong nhà giúp gia chủ gặp nhiều may mắn, công danh sự nghiệp thuận lợi, tài lộc dồi dào, gia đình khỏe mạnh và bình an.

Ngày xưa, trong các cuộc thi đấu Pthia và Olympic, người Hy Lạp cổ đại thường làm vòng nguyệt quế để tặng thưởng cho những người chiến thắng. Chính vì thế, trồng nguyệt quế trong nhà cũng mang ý nghĩa cầu mong cho con cháu sẽ may mắn, thành đạt, gặt hái được nhiều thành công.

Cây nguyệt quế: Cách trồng cho dáng đẹp, hoa thơm, rước tài lộc - 4

Đặc biệt, hiện nay chương trình Đường lên đỉnh Olympia đang sử dụng vòng nguyệt quế làm phần thưởng cho người chiến thắng. Từ đó, vòng nguyệt quế trở thành biểu tượng của sự chiến thắng, của trí tuệ uyên bác, của nỗ lực không ngừng nghỉ, của ước mơ mang Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Hướng dẫn cách trồng cây nguyệt quế

Cây nguyệt quế được trồng bằng phương pháp gieo hạt, chiết cành, ghép mắt, giâm cành. Phương pháp được sử dụng nhiều là ghép mắt: Chọn cây mẹ khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, chọn cành bánh tẻ không quá già, ra hoa được 1 – 2 lần. Gốc ghép phải mọc thẳng, không bị dị dạng, không sâu bệnh. Không để mắt ghép bị bẩn, bầm dập.

Ngoài ra, phương pháp trồng cây nguyệt quế bằng chiết cành cũng được sử dụng rất nhiều. Lưu ý, khi chọn cây nguyệt quế để chiết cành, bạn nên chọn những cây có gốc thẳng, không có sâu hại cũng như bị biến dạng thì cây con sau khi chiết mới sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh được.

Cây nguyệt quế: Cách trồng cho dáng đẹp, hoa thơm, rước tài lộc - 5

Hướng dẫn cách chăm sóc cây nguyệt quế

Cây nguyệt quế là loài cây khá dễ chăm sóc để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc cây bạn cũng cần phải nắm rõ những thông tin sau đây:

- Về đất trồng: Nên chọn loại đất pha thịt, thông thoáng và màu mỡ, độ pH trong khoảng từ 5 - 7. Vì là loài cây không ưa nước, bạn nên kết hợp trộn đất thịt với phân chuồng ủ mục, mùn cưa hoặc xơ dừa và trấu hun. Để đất có nhiều dinh dưỡng và thoát nước tốt, tránh tình trạng úng nước dẫn đến chết cây.

- Về ánh sáng: Cây nguyệt quế không ưa ánh sáng có cường độ mạnh. Vì vậy, khi trồng làm cảnh bạn nên trồng ở khu vực có mái che và mở mái che cho cây lấy ảnh sáng vào buổi sáng và buổi chiều tối.

- Tần suất tưới nước: Cây nguyệt quế là loài cây không ưa nước nên để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất, bạn nên tưới cây với tần suất 1 lần/ngày vào buổi sáng sớm. Với lượng nước vừa phải, đủ độ ẩm cho đất, tránh tưới quá nhiều sẽ làm úng nước và chết cây.

- Tần suất bón phân: Bón phân định kỳ cho cây với tần suất khoảng 1 - 2 tháng/lần, lượng phân bón tuỳ thuộc vào kích thước của cây. Khi bón phân cho cây, bạn nên sử dụng kết hợp khoảng 5g - 10g phân NPK và 10g - 20g phân Dynamic. Ngoài ra, khi cây đang phát triển, bạn nên bón thúc thêm Kali để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây.

- Thay chậu: Cứ khoảng 3 - 4 tháng bạn nên thay chậu cho cây bằng cách loại bỏ 1/3 lớp đất cũ trong chậu thay bằng hỗn hợp đất sạch. Nên thay chậu vào mùa xuân, hoặc trước mùa mưa để cây đâm chồi nảy lộc đúng vụ.

- Cắt tỉa: Tiến hành tỉa cành cho cây thường xuyên 1 tháng/lần vào mùa mưa và 2 tháng/lần vào mùa nắng.

Thông thường, khi cắt tỉa cây bonsai, nhiều người có thói quen cắt trụi hết lá để cây đâm chồi mới sẽ theo dáng hoặc thế cây mong muốn. Tuy nhiên, với cây nguyệt quế lá, người chơi bonsai không nên làm như vậy, vì khi cắt trụi sẽ có thể làm chết cây. Khi cắt tỉa lá, bạn nên giữ lại vài lá hoặc chồi non ở đầu cành. Để cây sinh trưởng tốt mà vẫn phát triển theo thế cây và dáng cây mong muốn.

Những lưu ý khi sử dụng cây nguyệt quế

Thông thường cây nguyệt quế thường được sử dụng để làm cây cảnh trang trí trong nhà. Vì vậy, khi sử dụng bạn nên chú ý đến những điểm phong thuỷ. Ngoài ra, khi sử dụng những sản phẩm từ cây nguyệt quế bạn cũng cần lưu ý những điểm sau:

- Đối với trẻ em, phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú thì không nên sử dụng các sản phẩm từ cây nguyệt quế.

- Sử dụng lá nguyệt quế và các sản phẩm nguyệt quế đúng cách sẽ giúp hệ hô hấp và hệ tiêu hoá tốt hơn. Tuy nhiên nếu lạm dụng quá nhiều sẽ dẫn đến những tác dụng không mong muốn, ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá và hệ hô hấp.

- Sản phẩm từ cây nguyệt quế có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, tuy nhiên, không nên sử dụng cùng với những loại thuốc điều trị tiểu đường hoặc insulin.

- Đối với những người bị dị ứng hoặc mẫn cảm với cây nguyệt quế thì không nên sử dụng bất kỳ sản phẩm nào liên quan.

- Khi sử dụng các sản phẩm từ cây nguyệt quế để hỗ trợ điều trị bệnh, bạn nên tham khảo kỹ ý kiến từ bác sĩ trước khi sử dụng. Tránh tác dụng không mong muốn xảy ra đối với cơ thể.

Mua cây nguyệt quế ở đâu?

Bạn có thể mua cây nguyệt quế tại hầu hết các nhà vườn trên cả nước với đầy đủ kích cỡ từ to đến nhỏ, hình dáng từ đơn giản đến cầu kì, từ cây giống đến cây trường thành. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu những trang web bán cây nguyệt quế online để tham khảo.

Hiện nay, giá bán cây nguyệt quế giống dao động trong khoảng từ 40.000 đồng - 100.000 đồng tuỳ loại cây và thời gian cây giống. 

Đối với những cây nguyệt quế trưởng thành có tuổi đời khoảng vài năm tuổi và thế đơn giản có giá từ 500.000 đồng - 5 triệu đồng. Cá biệt, một số cây cổ thụ hoặc có dáng, thế đẹp giá có thể từ 10 triệu đồng - 100 triệu đồng. Vì vậy, khi mua cây nguyệt quế trưởng thành, bạn nên tìm hiểu thật kỹ và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia cây cảnh.

>> XEM THÊM: Trồng ngay cây lan quân tử để tránh xui xẻo, đón quý nhân

Việt Quất
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cây cảnh độc đáo