Về Bắc Ninh thăm lăng mộ vua thủy tổ Kinh Dương Vương

Ngày 25/10/2015 12:00 PM (GMT+7)

Về mảnh đất Thuận Thành, Bắc Ninh, chúng tôi không quên về làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành thăm khu đền thờ và lăng mộ vua thủy tổ Kinh Dương Vương.

Nếu về vào mùa xuân ở đây sẽ diễn ra lễ Phục Ruộc để giúp con cháu các thế hệ tưởng nhớ Kinh Dương Vương, nhớ về cội nguồn với niềm tự hào dân tộc. Trước mặt khu lăng mộ vua thủy tổ là con sông có cái tên Thiên Đức (sông Đuống) uy nghi đã sinh ra làng tranh Đông Hồ nổi tiếng. Dưới rặng tre yên ả, trên bãi phù sa màu mỡ ven sông, khu lăng mộ vừa gợi ký ức xưa của một thời định cư quần tụ, gợi những cuộc chiến tử thủ với giặc phương Bắc để giữ vững biên cương bờ Nam sông Đuống khi đó…

Bước vào khu lăng mộ bắt gặp dòng chữ trang trọng trên tấm biển đỏ “Lăng Kinh Dương Vương vị vua thủy tổ Việt Nam”. Qua câu chuyện kể của cụ thủ từ trông coi ở đây, chúng tôi được biết, hơn bốn ngàn năm qua, đất nước trải bao cuộc chiến tranh, phần mộ của vị vua đầu tiên vẫn nguyên vẹn trên nền đất cao, đúng như hai chữ “bất vong” được ghi ở phía trước của phần mộ.

Về Bắc Ninh thăm lăng mộ vua thủy tổ Kinh Dương Vương - 1

Cụ thủ từ đang giới thiệu với du khách về khu lăng mộ vua thủy tổ Kinh Dương Vương (ảnh: BVP)

Cách lăng mộ chừng 300 mét là đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trước khi tới đây chúng tôi đã được tham khảo từ các bài báo, các bức ảnh về lễ Phục Ruộc với những nghi thức và vật phẩm độc đáo. Vật phẩm bao gồm lợn đực và gà trống (gọi là Khiết Sinh), hương, hoa, gạo, nước, lửa… đặc biệt là 3 mâm cá gỏi. Cá tươi được rửa sạch bằng rượu, trộn với nước lá thơm, tượng trưng cho món quà của những người con trai xuống biển mang cá về dâng lên cha, mẹ.

Những vật phẩm ấy lại gắn với một câu chuyện truyền thuyết thật cảm động: Khi xưa, Lạc Long Quân đưa năm mươi người con xuôi về phương Nam, dạy các con đóng bè chuối thành thuyền và chài lưới đánh cá đã có những người con vĩnh viễn không trở về. Trước khi xuống biển tìm con, Lạc Long Quân có dặn lại: “"Nếu thấy cha đi lâu không về mà trên trần gian có điều gì khó khăn nguy hiểm thì ra bờ sông mà đọc thần chú rằng: "Ô hô! Ô hô! Ô hô" (nghĩa là cha về cứu chúng con)”.

Ngày nay, mỗi khi múc nước dưới sông về cúng lễ trong ngày giỗ vua Kinh Dương Vương, người ta vẫn thường hô: “ô hô!” là như vậy. Thắp một nén nhang, lòng thành tâm trước vong linh của vị vua thủy tổ, tất cả chúng tôi đều cầu mong đất nước thanh bình, no ấm.

Phải chăng, chỉ có tấm lòng kính hiếu với tổ tiên, niềm tự hào với truyền thống dân tộc cùng những giá trị văn hóa của quê hương đã góp phần giữ gìn được một di tích lịch sử quý giá của tâm hồn Việt.

Theo Bùi Việt Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Blog Nhà đẹp