Bi hài chuyện trai Tây giăng bẫy phụ nữ Việt

Ngày 28/03/2017 18:40 PM (GMT+7)

Thời gian gần đây, tình trạng một số phụ nữ Việt Nam bị các đối tượng nam giới người nước ngoài kết bạn thông qua mạng Internet rồi tiến hành lừa đảo diễn ra khá phổ biến. Số nạn nhân của các phi vụ lừa đảo này đã trải dài khắp cả nước, nhiều người ngậm đắng nuốt cay bị mất những khoản tiền lớn.

Có bạn mới, mất ngay tiền tỉ

Vào cuối năm 2016, chị Phạm Thị Mai H (SN 1978, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm quen, kết bạn với một người đàn ông nước ngoài tên Alan Charles Owen (quốc tịch Mỹ) qua một phần mềm online trên mạng có tên là skype. Sau một thời gian, đôi bên cảm thấy quý mến nhau và nảy sinh tình cảm. Alan kể rằng vợ đã mất, anh ta chỉ có một đứa con gái 6 tuổi và đang chiến đấu tại chiến trường Afganistan.

Một bữa, Alan chát với chị H rằng mình vừa bị thương ở bên chân trái và nhờ chị giữ hộ hành lý, tiền, huân chương. Nếu anh ta có mệnh hệ gì thì chị sẽ chuyển cho con gái của Alan. Chị H không nỡ từ chối lời đề nghị ấy. Chị cũng chỉ nghĩ đơn giản là giữ hộ một thời gian, nếu Alan có mệnh hệ gì thì sẽ chuyển lại cho con gái anh ta.

Khoảng một tuần sau, chị H nhận được email từ một công ty vận chuyển có trụ sở tại Afghanistan. Nhân viên của công ty này nói với chị rằng, có một kiện hàng do Alan Charles gửi, đồng thời có cả thẻ ID (tương tự thẻ CMND) nên chị tin tưởng. Vài hôm sau chị H nhận được thông báo kiện hàng đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất và chị phải trả phí hơn 100 triệu đồng. Tin bạn, chị gom đủ tiền để nộp. Một tuần sau, chị H lại nhận được một cuộc gọi từ nhân viên giao hàng cho biết phải nộp thêm phí Hải quan là hơn 200 triệu đồng nữa. Cứ thế, với nhiều lý do khác nhau, chị đã phải nộp cho người bạn “nơi xa” gần 1 tỷ đồng thì mới phát hiện ra mình là nạn nhân của một vụ lừa tinh vi.

Bi hài chuyện trai Tây giăng bẫy phụ nữ Việt - 1

Nhóm đối tượng nước ngoài lừa đảo bị cơ quan công an bắt giữ. Ảnh: TS

Tương tự như vậy, đầu năm 2016, bà Phạm Thị Thu T (SN 1968, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) kết bạn với người tên Matt. Sau một thời gian nói chuyện qua mạng, bà T và Matt đã nảy sinh tình cảm với nhau. Matt kể với bà T rằng anh ta là một quân nhân Mỹ, đang “chiến đấu” tại Iraq, thiếu thốn tình cảm nên quý mến và muốn “quan hệ lâu dài” với bà T. Để thể hiện tình cảm của mình, Matt thông báo gửi quà qua bưu điện. Ít ngày sau bà T nhận được điện thoại của một người Việt Nam, làm tại công ty vận chuyển thông báo rằng có một kiện hàng gửi cho bà đang ở sân bay Tân Sơn Nhất, đề nghị bà tới nhận.

Khi bà T nói mình đang ở Hà Nội, đề nghị chuyển về nhà riêng thì người này gợi ý phải gửi 17 triệu đồng mới chuyển. Tin tưởng rằng quà của Matt là người Mỹ nên bà T đã chuyển số tiền theo yêu cầu. Nhận được 17 triệu đồng, “nhân viên” công ty vận chuyển lại thông báo do trong thùng quà có 2,5 triệu USD, bị Hải quan “làm khó”. Muốn lấy được số tiền này, bà T phải chuyển tiền để “bôi trơn” cho Hải quan. Thấy số tiền quá lớn, cũng sắp về đến tay mình nên bà T tiếp tục gửi thêm 3 lần theo yêu cầu, lần sau nhiều hơn lần trước, cuối cùng tổng số tiền lên tới hơn 900 triệu đồng. Phát hiện có điều bất thường, bà T đã ra trình báo cơ quan công an.

Một vụ việc khác, chị L - một phụ nữ độc thân sống tại TP HCM làm quen với một người đàn ông qua facebook, tên là James Oscar Herera, tự xưng là người Mỹ, đang công tác tại Syrie. Qua thời gian làm quen, nói chuyện, hai người nói lời yêu thương thắm thiết và James hứa sẽ về Việt Nam cưới chị, đưa qua Mỹ định cư. Bằng những lời lẽ đường mật, hứa hẹn cho những khoản tiền khổng lồ, nhiều triệu USD, chị L đã chuyển cho người tình... ảo gần 11 tỷ đồng nhưng cuối cùng không thấy bóng dáng người đàn ông trong mộng ở đâu.

Bóc trần thủ đoạn của “trai Tây”

Theo Thượng tá Ngô Văn Đáp, Đội trưởng Đội Hướng dẫn và Điều tra án có yếu tố nước ngoài (Đội 10, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội), từ năm 2011 đến nay, Phòng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an TP Hà Nội); Công an nhiều tỉnh thành như TPHCM, Cần Thơ, Quảng Bình… đã thụ lý điều tra rất nhiều vụ lừa đảo do người nước ngoài “chủ trì”, có sự tiếp sức của nhiều đối tượng người Việt.

Cũng theo Thượng tá Ngô Văn Đáp: Để có thể nắm được phương thức thủ đoạn của các đối tượng, các trinh sát hình sự đã lập ra một số user facebook có ảnh đại diện cùng nhiều thông tin là một phụ nữ Việt, đang cô đơn. Chỉ trong vòng khoảng 3 tháng, đã có 15 người đàn ông ngoại quốc đề nghị kết bạn và buông những lời có cánh, bày tỏ tình cảm. Thậm chí có đối tượng còn đề nghị trao đổi ảnh… mát mẻ với họ. Tất cả số đàn ông này đều có avatar (ảnh đại diện) trông rất bảnh bao, lịch lãm. Họ cũng giới thiệu vợ chết, đã li dị hoặc đang còn độc thân. Đồng thời có một đứa con trai hoặc gái... hoặc ở các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức hoặc chiến trường như Iraq, Afghanistan… Họ cũng bày tỏ khao khát tìm một người vợ hoặc người yêu…

Sau khoảng vài tuần nói chuyện qua mạng thì đa phần những người đàn ông ngoại quốc, với những lý do khác nhau đều nói có một thùng quà muốn gửi cho người bạn ở Việt Nam. Họ xin địa chỉ, số điện thoại và chụp ảnh những kiện hàng đã ghi đầy đủ thông tin cho trinh sát hình sự. Thậm chí có đối tượng còn gửi cả link về vận đơn online (có thể tra cứu trên mạng Internet). Tiếp theo đó là nhân viên hải quan, nhân viên chuyển phát nhanh liên tiếp gọi điện đến đòi chuyển tiền phí, thuế cho thùng hàng…

Thủ đoạn cũ vẫn lừa được nhiều người

Tại Hội thảo tuyên truyền phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn dùng “bẫy tình” để lừa đảo phụ nữ chiếm đoạt tài sản do Bộ Công an phối hợp với Hội LHPN VN tổ chức cuối tháng 2/2017, các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều ý kiến cảnh báo.

Thống kê của Tổng cục Cảnh sát, thời gian vừa qua cho thấy: Trên cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ lừa đảo bằng thủ đoạn lừa tình, lừa tiền qua mạng xã hội, số tiền mà nạn nhân bị chiếm đoạt lên tới hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên số đối tượng bị bắt giữ, xử lý rất ít. Cũng theo Cục Cảnh sát Hình sự, các đối tượng thường xuyên di chuyển qua lại giữa Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia nên việc theo dõi, giám sát, bắt giữ, xử lý gặp nhiều khó khăn. Tiền của nạn nhân chuyển vào tài khoản của người Việt Nam, tại ngân hàng Việt Nam, nhưng ngay sau đó đã được rút ra, hoặc trực tiếp thao tác trên mạng nên dòng tiền di chuyển ra nước ngoài, gần như không thể thu hồi.

Theo Thanh Sơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự