Chuyện ly kỳ mùa cải táng: Kỳ lạ tục chôn chung của người J’rai

Ngày 08/01/2016 23:09 PM (GMT+7)

Nếu như người Pa Kô ở Thừa Thiên Huế luôn tự hào vì lưu giữ phong tục cải táng hết sức kỳ công từ chọn người bốc mộ đến việc vào sâu dãy núi Trường Sơn lấy gỗ về dựng nhà mồ, thì người J’rai ở Gia Lai có quan niệm hết sức đặc biệt: “Sống cùng nhà, cùng làng, chết sẽ được chôn cùng mồ”.

Sống chung nhà, chết chung… mồ

Người J’rai ở Gia Lai có nhiều quan niệm đặc biệt về thế giới người chết: Người chết có cuộc sống riêng tồn tại như lúc còn sống; sống chung nhà thì chết sẽ chung mồ… Vì vậy, họ có những phong tục mai táng người chết khá kỳ lạ. Đơn cử như khu nghĩa địa của làng Plei Trang (xã Iapiar, huyện Phú Thiện) đã an táng cho hơn 200 người nhưng tất cả được chôn chung trong 14 ngôi mộ.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà mồ, ông Rahlan Djel, trưởng thôn làng Plei Trang cho hay: Mỗi ngôi mộ được đào sâu khoảng 2 mét, rồi chôn những người chết trong làng cho đến khi ngôi mộ này đầy rồi lại đào ngôi mộ mới. Nếu xác của người chôn trước da thịt đã bị thối rửa chỉ còn xương, thì họ sẽ dồn tất cả xương cốt lại một chỗ (người lớn tuổi sẽ được để xương cốt lên đầu quan tài, người ít tuổi hơn sẽ được gạt xuống phần cuối cùng của quan tài), rồi đặt xác người mới chết vào trong quan tài ngay ngắn và đậy nắp lại.

Chuyện ly kỳ mùa cải táng: Kỳ lạ tục chôn chung của người J’rai - 1

Các già làng Plei Trang cho biết, đến nay người J’rai vẫn lưu giữ tập tục chôn chung mồ. Ảnh: Cao Tuân

“Cứ như vậy, dân làng sẽ chôn chung người chết cho đến khi chiếc quan tài đó đầy xương cốt thì sẽ làm lễ bỏ mả theo nghi lễ của người bản địa”, ông Rahlan Djel cho hay.

Giải thích về lễ bỏ mả, già làng Giơ Lan A cho biết: Lễ bỏ mả của người J’rai được tổ chức linh đình với đầy đủ rượu thịt và có sự chứng kiến của đông đủ dân làng. Tại đây, người chủ lễ sẽ đọc bài khấn tế để tiễn biệt lần cuối người quá cố: “Xin ma đừng gọi, đừng lại gần, đừng thương yêu con cháu nữa. Từ nay, chúng tôi sẽ không còn mang cơm, sẽ không còn mang nước cho ma nữa. Nếu muốn ăn thịt gì, xin ma hãy hỏi thần trăng; nếu muốn ăn cá, ăn thịt, xin ma hãy hỏi thần trên trời. Thôi, từ nay, thế là hết, như lá m'nang đã lìa cành, như lá m'tư đã tàn úa”.

Khi tế cúng vừa xong, thì lập tức tiếng cồng chiêng rộn rã nổi lên. Theo tiếng nhạc, mọi người hòa vào đoàn múa diễu quanh ngôi nhà mồ nhấp nhô huyền ảo trong đêm. Tiếng nhạc cồng chiêng của đêm bỏ mả, như một sức hút diệu kỳ, kéo tất cả dân làng, kéo bà con họ hàng ở buôn gần, buôn xa tới. Càng về khuya, tiếng cồng chiêng càng rộn rã, thôi thúc, các đống lửa càng bùng to hơn, nhịp chân múa nhảy càng rộn rã hơn. Hầu như suốt cả đêm cho đến sáng, cả làng quây quần bên ngôi nhà mồ: Ai múa nhảy cứ múa nhảy, ai đánh cồng chiêng cứ đánh; ai uống rượu cứ uống, ai mệt thì ngủ ngay bên những đống lửa ấm áp.

Thể hiện lòng thành người nhà phải đích thân bốc mộ

Chuyện ly kỳ mùa cải táng: Kỳ lạ tục chôn chung của người J’rai - 2

Lễ cải táng của người Pa Kô Thừa Thiên Huế diễn ra suốt 3 ngày 2 đêm. Ảnh: Nhật Minh

Cách tỉnh Gia Lai về phía Bắc khoảng 500km, người Pa Kô ở xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) còn lưu giữ tục cải táng treo vô cùng khác lạ. Theo đó, người chết được chôn xuống đất từ 5-10 năm sẽ được người thân làm thủ tục bốc mộ. Đích thân 3 người thân thích trong dòng họ phải trực tiếp làm công việc này để thể hiện lòng kính trọng đối với người đã khuất. Sau đó, hài cốt người quá cố được đưa vào trong cái Piêng (lăng mộ).

Điều đặc biệt, để lễ cải táng diễn ra một cách thuận lợi, gia chủ sẽ cử người con trai cả băng rừng vượt núi đi gọi họ hàng, anh chị em thân thích sống du canh du cư dọc dãy Trường Sơn về dự. Dù xa xôi đi mấy chăng nữa, người thân vẫn phải tề tựu đầy đủ, không thiếu sót một người.

Theo lời già làng Quỳnh Ngãi, đây là phong tục có từ lâu đời của cộng đồng các dân tộc sống dọc theo những dãy núi của huyện A Lưới như Tà Ôi, Pa Hy, Vân Kiều. Để làm lễ cải táng cho người đã khuất, người nhà và già làng phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật từ trước 3 tháng. Tất cả trâu bò, gà, dê, lợn, rượu, thịt thú rừng được bày trước sân nhà, sau vườn. Theo luật lệ, mỗi người dân trong bản ngoài đóng góp 100.000 đồng còn tùy vào lòng hảo tâm mà đem biếu thêm chai rượu, con gà và vài gùi bắp để phụ giúp gia đình làm lễ cải táng.

Những ngày này, già làng và các thanh niên trai tráng trong làng là vất vả hơn cả. Họ gói cơm nắm, cuốc bộ qua ngọn A Nông cao vời vợi vào rừng sâu tìm kiếm gỗ, tre nứa về làm nhà mồ. Tuy nhiên, không phải loại gỗ nào cũng làm nhà mồ được. Họ phải chọn loại gỗ quý có vỏ cây sần sùi, dáng thẳng, ngửi có hương thơm đặc trưng của núi rừng. Sau đó, các thanh niên mới làm lễ để đốn hạ. Còn tre nứa phải là những cây cao lớn, thẳng đứng và vỏ cây có màu xanh đậm. Việc xây dựng và chế tác nhà mồ phải làm liên tục bất kể nắng mưa, tuyệt đối không được dừng lại. Theo quan niệm, ngừng nghỉ thì công việc sẽ mang lại điềm xui xẻo cho gia chủ.

Trước lễ cải táng một ngày, đích thân già làng trèo đèo lội suối tìm đến các thôn bản khác mời tất cả mọi người cùng đến dự. Phía gia chủ sẽ đứng ra sắp xếp chu đáo mọi việc ăn uống, nghỉ ngơi và tiếp khách. Đêm đến, bên ánh lửa bập bùng trước nhà sàn, già trẻ, gái trai nắm tay nhau thành vòng tròn nhảy múa, hát hò, khua chiêng đánh trống suốt 3 ngày 2 đêm.

Được biết, theo tập tục của người Pa kô, chiều ngày 30 Tết, già làng cùng những gia đình có người đã khuất sẽ hẹn nhau lên khu nhà mồ của bản làm vệ sinh, quét dọn, phát quang cây cối và thắp nhang khấn cầu may mắn. Còn ngày thường, không ai dám bén mảng lại gần.

“Tắm bằng lửa linh hồn mới được lên Mường Trời”

Chuyện ly kỳ mùa cải táng: Kỳ lạ tục chôn chung của người J’rai - 3

Nghệ nhân Lò Văn Biến cho hay, tục hỏa táng là một nét văn hóa tâm linh đặc trưng của dân tộc Thái đen ở đại ngàn Tây Bắc. Ảnh: Cao Tuân

Xoay quanh câu chuyện phong tục cải táng đặc biệt ở các vùng miền, chúng tôi được Nghệ nhân Lò Văn Biến, người được ví như pho sử sống về văn hóa dân tộc Thái tiết lộ về tục lệ hỏa táng của người Thái đen.

Nghệ nhân Lò Văn Biến cho hay, từ xa xưa, người Thái đen đã có tục hỏa táng người chết với quan niệm được tắm bằng lửa, linh hồn sẽ được lên Mường Trời tiếp tục sống trong một thế giới khác tốt đẹp hơn. Sau khi hỏa táng, linh hồn người chết sẽ đi qua Đông Quai Ha (rừng hồn trâu) và Nặm Tốc Tát (thác nước đổ) theo về Mường Trời với tổ tiên. Đến nay chỉ còn người Thái đen ở vùng Thung lũng Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái) còn giữ được phong tục này.

Khi một người Thái đen chết, việc đầu tiên là người nhà sẽ đi mời một thầy mo đến để lo liệu việc cúng tế.

Sau đó con cháu, họ hàng bắt đầu việc mổ trâu làm cơm để dân bản đến đưa tiễn người quá cố. Người chết sẽ được con cháu vuốt mắt, tắm bằng nước lá thơm, mặc bộ quần áo đẹp nhất và tháo chỉ ở hai bên ve áo cho vào đó vài đồng bạc trắng. Sau nghi lễ cúng tế, thầy mo sẽ giúp gia chủ chọn giờ tốt và nơi đất tốt để hỏa táng.

Bắt đầu nghi lễ đốt xác thường là vào lúc đêm khuya, thầy mo bản cầm bó đuốc hua hua lên trời cúng bài “lam tang” dẫn nhập hồn ma về trời, sau đó châm bó đuốc đã tẩm dầu vào tầng củi trên cùng sát quan tài người chết. Khi tầng củi cuối cùng cháy hết cũng là lúc trên mặt đất chỉ còn lại đống tro tàn. Mọi người ra về chỉ còn người nhà ở lại trông coi. Sáng hôm sau, người nhà dùng rượu đổ vào đám tro đã cháy hết tìm nhặt xương cho vào vại sành rồi chôn tại chính chỗ đã đốt xác. Rượu sẽ làm cho xương hiện trắng giữa đống tro và không để sót một mẩu xương nào.

Với quan niệm “trần sao âm vậy” người Thái đen cũng dựng nhà cho người chết với một số vật dụng cần thiết tối thiểu như nệm, gối, bát, đũa, nồi niêu, cốc chén, đặc biệt là trồng cạnh mộ một cây nêu (cây cảo) làm bằng cây tre cao từ 5 - 7m. Có một sợi dây nối từ vại đựng xương lên nhà táng gọi là “sai khớ”, mục đích dẫn đường cho hồn lên trời. Trên đỉnh cây nêu đặt một con ngựa gỗ, máng đựng cỏ, thóc và có lọng che bằng vải màu. Ngựa dùng cho đàn ông có hai cánh, ngựa dùng cho đàn bà có bốn cánh. Ngựa này để cho hồn cưỡi về trời…

Người sống gặp gỡ người chết lần cuối

Theo quan niệm của đồng bào J’rai, lễ bỏ mả là ngày hội mừng để người sống được gặp gỡ, chung vui lần cuối cùng với người đã khuất trước khi tiễn biệt họ về sống ở một thế giới khác. Kể từ đây, người sống không còn phải chăm lo cơm nước, cúng bái ở nhà mồ nữa.

(Còn nữa)

Theo C.Tuân – N.Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot