'Túp lều tình yêu' giữa trung tâm HN của 2 cụ già U90

Ngày 18/11/2014 09:09 AM (GMT+7)

Cạnh đường tàu khu vực đi qua Cửa Nam (Hà Nội), có một túp lều nhỏ, xiêu vẹo. Đây là nơi được bà con gọi vui là “túp lều tình yêu” bởi đó là nơi sinh sống của 2 cụ già tuổi gần đất xa trời.

Cụ Phạm Ngọc Sơn năm nay 83 tuổi và cụ Nguyễn Thị Mậu 75 tuổi, là chủ nhân túp lều này. Cụ Sơn quê gốc ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Khoảng năm 2008 cụ dạt về Hà Nội và trở thành “công dân” của khu vực đường tàu này. “Bạn gái” của cụ quê ở xã Vĩnh Hồng, huyện Cẩm Bình (Hải Dương). Hai cụ gặp nhau và nương tựa vào nhau trên mảnh đất hoang ven đường tàu này.

Túp lều tình yêu giữa trung tâm HN của 2 cụ già U90 - 1

Cụ bà Nguyễn Thị Mậu nằm ngủ trong “tổ ấm”vẻn vẹn có 2-3m2.  Thiên Việt

Gọi là “lều” thì cũng chưa đúng vì một bên là bức tường của nhà dân, hai cụ căng một tấm bạt với hai cái cọc tạo thành mái như mái hiên vừa đủ kê “giường”. Buổi chiều khi nắng chiếu vào thì cụ ông sang bên đường tàu tránh nắng, cụ bà ra gốc bàng đầu phố. Khi hết nắng, họ lại quay về “tổ ấm” của mình.

Cụ ông cho biết, hai cụ sống bằng tiền bán đồng nát và phế thải. Hàng ngày có những người tốt bụng đi qua cho các cụ quần áo cũ, giấy, hộp… rồi cuối ngày có đồng nát đi qua thu mua lại.

Trung bình mỗi ngày họ kiếm được khoảng hơn chục nghìn. Nước dùng và vệ sinh thì nhờ các nhà xung quanh. Thông thường khoảng 4 giờ sáng 2 cụ dậy ăn mì tôm, trưa nhịn, bữa tối có cơm và rau. Gia tài lớn nhất của hai cụ là chiếc radio cổ lỗ sĩ. Đêm đêm, tiếng đài giúp hai cụ bớt đi nỗi niềm cô độc. Hai cụ đều có con cái riêng ở quê nhưng các con không quan tâm bố, mẹ.

Hai cụ nói không muốn về quê tuy ở đây cũng rất khó khăn. Cụ Sơn nói: “Thỉnh thoảng có những đội sinh viên từ thiện hoặc nhà chùa đến thăm thì chúng tôi cũng được chút chút, như tết vừa rồi được biếu những 2 chiếc bánh chưng nên ăn tết cũng vui”.

Tiếng là “lều tình yêu” nhưng thực sự, theo quan sát của chúng tôi, cuộc sống của hai cụ quá nguy hiểm. Các cụ gần như sống “ngoài vòng pháp luật”. Rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện để những người dân ở thôn quê vì hoàn cảnh khó khăn nào đó phải lang thang cơ nhỡ ở Thủ đô có thể hồi hương hoặc được bảo trợ tại một trung tâm từ thiện xã hội nhằm có cuộc sống ổn định và yên ấm.

Theo Thiên Việt
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot