Gian nan làm phim bối cảnh xưa

Ngày 14/05/2017 00:12 AM (GMT+7)

Phim bối cảnh xưa đang được ưa chuộng trên màn ảnh rộng nhưng đủ thứ khó để làm tốt dòng phim này.

"Dạ cổ hoài lang", "Lô tô", "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa" lần lượt là các phim mới nhất sử dụng bối cảnh thời cận đại. Gần đây, nhiều phim Việt chiếu rạp sử dụng bối cảnh cận đại hoặc đan xen hiện đại là những cảnh hoài niệm thời xưa cũ. Chúng góp phần giúp phim tăng độ sâu lắng, nâng cao giá trị cảm xúc. Nhưng các bối cảnh xưa này vẫn chưa được chăm chút tốt nhất, đủ thỏa mãn người xem vì những hạn hẹp phần nhiều về mặt kinh phí, thiếu trường quay chuyên nghiệp.

Chất xúc tác lấy nước mắt

Thời phim truyền hình bùng nổ, dòng phim xưa hay còn gọi là dòng phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được ưa chuộng. Hàng loạt phim chuyển thể dạng này như: "Con nhà nghèo", "Ngọn cỏ gió đùa", "Nợ đời"... phủ sóng màn ảnh nhỏ.

Đến lúc truyền hình bão hòa, dòng phim này vẫn được các nhà đài tin tưởng sản xuất. Gần đây, màn ảnh rộng cũng xuất hiện nhiều phim có bối cảnh cận đại hoặc hiện đại xen các đoạn hồi tưởng tương tự phim xưa trên truyền hình. Các nét văn hóa phổ biến ở Nam Bộ từ cải lương, đờn ca tài tử, hát bội, các gánh lô tô, lối sống miền sông nước, được sử dụng làm điểm nhấn phần cảm xúc cho phim.

Những đoạn hồi tưởng của hai nhân vật ông Tư và ông Năm trong phim "Dạ cổ hoài lang" đều đưa khán giả quay về khung cảnh Nam Bộ thời phong kiến... Phim "Lô tô" cũng lấy bối cảnh trải dài với những giai đoạn mô tả nét văn hóa Nam Bộ cận đại.

Phim "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa" kể về người mẹ chờ con đằng đẵng 30 năm, bối cảnh có hai cột mốc năm 1986 và 2016. Để tái hiện không gian cũ đúng chuẩn là thách thức không nhỏ của đoàn phim nhưng thách thức này không đủ để ngăn nhà sản xuất thử sức. Nhiều dự án phim mới khác như "Cô gái đến từ hôm qua", "Cô Ba Sài Gòn", "Mẹ chồng" cũng đan xen bối cảnh cận đại cho thấy sự phổ biến của xu hướng này.

Gian nan làm phim bối cảnh xưa - 1

Tái hiện bối cảnh xưa trong phim "Dạ cổ hoài lang". (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Theo nhiều người trong giới, để đáp ứng thị hiếu khán giả đã nhàm chán hài nhảm, điện ảnh Việt nở rộ phim chủ đề nhân văn, đào sâu về phận người. Những phim dạng này đòi hỏi phải lấy được nước mắt khán giả, tăng cảm xúc người xem nên đa phần chọn hoặc đan xen bối cảnh cận đại. Những ký ức gợi nhớ đến thuở ấu thơ của mọi người là chất xúc tác lấy nước mắt. Vì vậy, dù biết sẽ tốn công, chi phí cho những cảnh hồi tưởng hoặc bối cảnh xưa, nhà sản xuất vẫn quyết định đầu tư.

Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Lý Minh Thắng nhận định thời hiện đại, khán giả có tâm lý thích hoài niệm thời thơ ấu, một giai đoạn tuổi trẻ đã qua. Anh muốn khơi gợi cho khán giả nhớ về những nét văn hóa phi vật thể, giá trị truyền thống mà con người có thể quên dần theo năm tháng. Việc lồng ghép vào đó những thông điệp nhân văn sẽ mang đến hiệu quả tốt hơn.

Theo đạo diễn Nguyễn Phương Điền, khi đã có quá nhiều phim xã hội bối cảnh hiện đại thì nhà sản xuất muốn tạo sự khác biệt bằng phim bối cảnh xưa. Đó cũng là cách đa dạng hóa "món ăn" để phục vụ khán giả.

Bài toán kinh phí

Các bối cảnh hiện đại chỉ cần đến điểm quay thì có thể bắt tay vào công việc nhưng bối cảnh xưa đều phải bài trí lại, đôi khi phải dựng ngoại cảnh phù hợp với một khu chợ, khu sinh hoạt theo đúng thời đại được nói đến. Tất cả đều phải có kinh phí và nhân lực lành nghề, không để bị "bắt giò", soi "sạn".

Nhưng đến nay, cả truyền hình lẫn điện ảnh, bối cảnh phim xưa hiếm khi thỏa mãn khán giả. Nhiều phim qua loa, chỉ phản ánh một góc nhỏ, chưa thuyết phục về một thị trấn, một vùng quê giai đoạn trước.

Phim "Dạ cổ hoài lang" bối cảnh trong phần hồi tưởng chỉ vòng quanh bụi tre, cầu ao, vài chiếc xuồng ba lá... Những cảnh khác lướt qua như "ảnh minh họa", cảnh tiễn nhân vật ông Tư đi lính trên bến sông cũng sơ sài. Phim "Lô tô" thì thiếu các đại cảnh kêu lô tô, các hình ảnh người dân nhộn nhịp đến tham quan, chơi trò chơi và ngồi lại chờ các "cô đào" hát gọi lô tô, ảo thuật, múa...

Ở truyền hình, khi quay phim bối cảnh cận đại, các đoàn có xu hướng đến những khu nhà cổ ở miền Tây thuê rồi thay đổi chút nội cảnh. Khán giả xem nhiều dễ nhận thấy đôi lúc một ngôi nhà với đồ nội thất y chang lên phim gần chục lần. Những "hạt sạn" này khiến không ít phim bị chỉ trích không chuyên nghiệp, thiếu tâm với nghề.

"Những ngôi nhà cổ như thế thời nay không còn nhiều, các đoàn tranh thủ đến thuê để quay. Nếu phải dựng bối cảnh thì rất khó tạo được ngôi nhà như thế vì kinh phí đầu tư sẽ rất lớn. Tuy nhiên, về phần nội cảnh, tôi nghĩ cả thiết kế lẫn đạo diễn đều phải bàn bạc sao cho khác lạ, không thể trùng lắp những phim trước" - họa sĩ thiết kế Anh Thao nói.

Họa sĩ thiết kế Mã Phi Hải từng cho rằng chỉ cần nhà sản xuất có khả năng tài chính thì việc xây dựng nhà, thậm chí cả ngôi làng xưa để phục vụ phim cũng làm được. Cái khó vẫn là phim Việt kinh phí thấp, chúng ta không có phim trường chuyên nghiệp, thuê đất xây nhà để quay phim xong lại tháo dỡ, cất kho. Các đoàn đều với tinh thần tiết kiệm, đôi lúc thiết kế còn tự làm ghế, bàn chất liệu nhẹ để bài trí, khỏi thuê.

Theo đạo diễn Phương Điền, các đoàn phim thường tìm đến khu du lịch thuê mặt bằng rồi dựng thêm bối cảnh tạo ra các khu chợ, khu làng xưa một cách sơ sài để quay. Khi xong, đoàn phim thường dọn sạch để trả lại không gian cho khu du lịch.

Đạo diễn Mai Thế Hiệp thừa nhận với những khu chợ xưa, chỉ có thể ra ngoại thành tìm khung cảnh giống nhất để quay. Những bối cảnh lớn ít khi được thực hiện, đa phần vì không có kinh phí tái hiện.

Kinh phí là bài toán khó cho các nhà sản xuất khi muốn tái hiện đại cảnh thỏa mãn khán giả. Nhưng theo nhiều người trong giới, một phim trường đủ tiêu chuẩn sẽ giúp nhiều đoàn phim trong giai đoạn điện ảnh phát triển hiện nay. Để khi muốn có một chợ Bến Thành những năm 1940, cả nội và ngoại cảnh cũng có thể tái hiện nếu có phim trường.

Cần có phim trường

Nhà sản xuất Jenni Trang Lê cho biết trong phim "Fan cuồng", thời điểm nhân vật Thái Rocker quay về Sài Gòn những năm 1996, cảnh tái hiện lại một Sài Gòn cận đại tốn kém nhiều. Đoàn phải xin phép từ phường đến quận, huyện để chặn một đoạn đường, thuê đủ loại xe xích lô, xe máy, xe đạp kiểu cổ rồi thiết kế bảng hiệu cửa hàng, trang trí ngoại cảnh, tạo dựng một góc phố buôn bán, sinh hoạt đúng như Sài Gòn xưa. Nhưng khi lên màn ảnh rộng, khán giả vẫn chưa thỏa mãn.

Làm phim bối cảnh xưa cần có phim trường. Hàn Quốc, Trung Quốc đều có phim trường cho dòng phim này. Không có phim trường, đoàn phim loay hoay với việc tự dựng, tự dọn bối cảnh nên khó có thể tạo sự chuyên nghiệp, nhất là trong giai đoạn điện ảnh đang phát triển hiện nay.

Theo Minh Khuê
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phim Việt Nam