Đi lễ chùa: "Cái tâm thể hiện ở cách ăn mặc"

Ngày 18/02/2014 05:17 AM (GMT+7)

Theo PGS - TS Lê Quý Đức (Nguyên Viện phó Viện Văn hóa - Phát Triển), cái tâm khi đi lễ chùa biểu hiện cả ở cách ăn mặc, trang phục lịch sự và lời ăn tiếng nói.

Một số bạn trẻ cũng đi lễ chùa đầu năm nhưng lại có cách ăn mặc hở hang, không hợp với thuần phong mỹ tục, điều đó khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Bởi, chốn linh thiêng cần sự nghiêm túc, chỉnh tề, trang trọng, điều đó không chỉ biểu hiện cách nhìn nhận về thẩm mỹ mà còn thể hiện sự tôn trọng mọi người. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS - TS Lê Quý Đức (Nguyên Viện phó Viện Văn hóa - Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) xung quanh vấn đề này.

Mỗi dịp đầu năm, ngoài chuyện nhét tiền tay Phật, đốt vàng mã ở các đền, chùa thì vấn đề ăn mặc không đúng thuần phong mỹ tục của một số người khi đi chùa cũng được nói đến nhiều, dưới góc độ chuyên gia văn hóa, ông có suy nghĩ gì?

Thời xưa, ông cha ta ăn mặc tử tế, trang nghiêm, tinh tế nhưng hiện nay mỗi mùa lễ hội lại chứng kiến một số người ăn mặc phản cảm, hở hang, lố lăng. Bản thân các từ đó đã chỉ sự không nghiêm túc, mang nghĩa xấu. Đó là những hành vi không đẹp khi đi lễ chùa, thể hiện sự không tôn trọng. Cách ăn mặc khi đi lễ chùa thể hiện văn hóa thẩm mỹ, văn hóa tâm linh và cả giá trị đạo đức.

Đi lễ chùa: quot;Cái tâm thể hiện ở cách ăn mặcquot; - 1

Những bộ váy đầm ngắn là hình ảnh khá quen thuộc tại chốn chùa chiền ngày nay

Trong dòng chảy của lịch sử, cách ăn mặc của ông cha ta khi đi lễ chùa như thế nào, thưa ông?

Trước đây, ông cha ta thường ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề, nghiêm túc khi đi lễ chùa. Đàn ông mặc áo the, khăn xếp, chân đi guốc mộc. Mấy chục năm trở lại đây thì mặc comple, đeo cà vạt, chân đi giày. Còn với phụ nữ, chúng ta từng đọc bài thơ "Hôm qua em đi chùa Hương", mặc áo mớ ba mớ bảy, áo tứ thân hoặc áo dài, đầu đội khăn mỏ quạ, tay cầm nón quai thao. Hình ảnh đó đến nay vẫn còn trong lễ hội Lim ở Bắc Ninh. Nhìn chung, cách ăn mặc khi đi lễ chùa của ông cha ta từ xưa đều chỉnh tề hơn thường ngày. Ngày nay, cuộc sống phát triển hơn, cách ăn mặc cũng có nhiều thay đổi, không còn áo tứ thân, áo mớ ba mớ bảy hay áo the, khăn xếp nhưng hầu hết vẫn ăn mặc tươm tất, lịch sự, thậm chí có chút sang trọng để thể hiện sự tôn trọng.

Nói đến cách ăn mặc, người ta vẫn nói là phải làm sao mặc đẹp nhưng không lố lăng, vậy quan điểm thế nào là đẹp?

Cái đẹp đó chính là sự hài hòa giữa môi trường xung quanh, không gian linh thiêng và cả mọi người xung quanh. Rõ ràng ăn mặc không đúng với thuần phong mỹ tục, hở hang, váy quá ngắn... là vẻ đẹp không hài hòa khi tới đến chùa.

Đi lễ chùa: quot;Cái tâm thể hiện ở cách ăn mặcquot; - 2

PGS - TS Lê Quý Đức cho rằng, đi chùa cần ăn mặc chỉnh tề, nghiêm túc và trang trọng

Ông cũng vừa nói đến cách ăn mặc không chỉ thể hiện văn hóa thẩm mỹ mà còn chứa đựng văn hóa tâm linh và cả giá trị đạo đức, vậy điều này được thể hiện như thế nào?

Đến nơi thờ tự rõ ràng phải có tâm thế.  Ăn mặc trịnh trọng thể hiện sự tôn kính, có như thế mới được thần thánh phù hộ - theo quan niệm của dân gian. Thậm chí, ngày xưa còn tắm rửa sạch sẽ. Mỗi khi đi chùa, đi lễ ăn mặc chỉnh tề, kín đáo đó là thể hiện sự kính trọng.

Về mặt đạo đức, rõ ràng ăn mặc hở hang, phản cảm là không tôn trọng những người xung quanh. Cái đẹp đâu chỉ là hài hòa giữa con người với môi trường mà còn là giữa con người với con người.

Vậy nguyên nhân của việc ăn mặc lố lăng, phản cảm khi đi chùa đầu năm do đâu?

Nói về nguyên nhân có nhiều, bởi một số người thiếu tâm thế khi đi chùa. Mặt khác, việc giáo dục thẩm mỹ còn chưa đến nơi đến chốn. Ngoài ra, một số người còn thiếu ý thức ở nơi công cộng nên ăn mặc tùy tiện nghĩ sao cũng được.

Một số người nói rằng, "đi chùa chỉ cần cái tâm" mà không cần chú ý đến chuyện ăn mặc... vậy quan điểm của PGS  về vấn đề này như thế nào?

Nếu như nói lên chùa chỉ cần cái tâm mà không cần chú ý ăn mặc thế nào chỉ là ngụy biện. Vì nếu như chỉ cần cái tâm thì có thể không cần lên chùa mà người ta vẫn nói "tu tại gia" mà. Còn khi đã tới đình, chùa tức là đã đặt trong mối quan hệ với cộng đồng xã hội nên càng phải có ý thức. Tâm đâu chỉ là lòng thành mà còn biểu hiện ở tiếng nói, ăn mặc, cách đi đứng...

Đi lễ chùa: quot;Cái tâm thể hiện ở cách ăn mặcquot; - 3

Ăn mặc phản cảm khi đi lễ chùa (Ảnh: Internet)

Một số người nói cần biện pháp xử phạt với người ăn mặc lố lăng khi vào đền chùa, liệu điều này có thể làm được?

Từ xa xưa, chúng ta chưa thấy ai bị nhắc nhở hay xử phạt. Rõ ràng, biện pháp đó cũng không phải là giải pháp. Giáo dục cho mỗi người thấy được việc cần ứng xử như thế nào khi đi lễ chùa mới là cần thiết. Mặc kín đáo, phù hợp thời tiết, tươm tất và chỉnh tề, phong thái nghiêm túc là việc nên làm.

Xin PGS gợi ý một chút về cách ăn mặc khi đi lễ chùa đầu năm để đảm bảo đẹp mà vẫn giữ được sự tôn kính?

Tiêu chí với trang phục khi đi lễ chùa là trang trọng, lịch sự. Quần áo hợp thời tiết, màu sắc không lòe loẹt, nên có màu trang nhã.

- Nam: Có thể mặc comple, quần âu, hoặc mặc áo nghiêm túc, không lố lăng.

- Nữ: Có thể mặc áo dài, hoặc mặc áo quần bình thường, gọn gàng, đảm bảo sự kín đáo, không lố lăng.

Vậy để sớm chấm dứt được việc ăn mặc phản cảm khi đi chùa, PGS có thể chia sẻ một vài ý kiến của bản thân?

Chúng ta cần một quá trình để giáo dục đến nơi đến chốn, mặt khác vẫn cần những quy định. Xác định đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và toàn xã hội nhắc nhở để tạo ra dư luận xã hội nhằm từng bước chấm dứt tình trạng này.

Xin cảm ơn PGS - TS đã chia sẻ!

Để có thể lựa chọn được bộ trang phục hợp mắt, hợp lễ nghĩa mà vẫn đẹp mắt nhất khi đi lễ chùa mời bạn đón đọc bài viết: "Đi lễ chùa: Ngắn thế nào mới đẹp" vào lúc 10h ngày 19/2

Xem thêm bài kỳ 1: Nhức mắt: Váy ngắn, áo hở đi lễ chùa

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan