Nhiều mặt hàng sẽ giảm nhiệt nhờ… xăng

Ngày 20/02/2016 08:28 AM (GMT+7)

Mức bán lẻ được áp dụng phổ biến với xăng RON 92 sau 15h ngày 18/2 là 13.750 đồng/lít, giảm 960 đồng so với trước. Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế thì việc giảm giá này sẽ “kìm chân” được nhiều mặt hàng có thói quen tăng giá sau Tết Nguyên đán.

Vui với giá xăng

Căn cứ vào việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, từ 15h ngày hôm qua 18/2, giá xăng dầu các loại tiếp tục giảm, cụ thể như sau: Xăng RON 92 giảm 960 đồng/lít, về mức giá bán tối đa 13.750 đồng/lít. Xăng RON 95 giảm tương tự như RON 92, về mức giá bán tối đa 14.452 đồng/lít. Xăng sinh học (E5) giảm 942 đồng/lít, về mức tối đa 13.321 đồng/lít.

Việc giảm giá lần này, giá xăng dầu tại Việt Nam được xem là đang thấp hơn 27% so với mức bình quân của thế giới, đồng thời gần xấp xỉ với giá xăng RON 92 là 13.500 đồng/lít vào khoảng tháng 7/2009. Đây là lần giảm giá xăng lần thứ 4 trong năm 2016. Lần thứ nhất vào ngày 4/1 giá xăng RON 92 đã giảm xuống 370 đồng/lít. Lần thứ 2 vào ngày 19/1, giá xăng giảm 590 đồng/lít. Lần thứ 3, ngày 3/2, giá xăng này giảm 730 đồng/lít. Tổng cộng của 4 lần giảm giá này là 2.650 đồng/lít.

Nhiều mặt hàng sẽ giảm nhiệt nhờ… xăng - 1

Nhiều mặt hàng thiết yếu giảm giá tại một số siêu thị. Ảnh: Đ. An

Từ lâu việc tăng, giảm giá xăng dầu không còn là mối bận tâm quá lớn của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc giảm giá xăng vào thời điểm sau Tết Nguyên đán lại khiến nhiều người vui mừng.

Bà Đặng Thị Hân, ở phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng: “Xăng giảm xuống gần 1.000 đồng/lít vào thời điểm sau Tết sẽ giúp cho giá cả của nhiều loại hàng hóa có thói quen tăng giá sau Tết phải kìm xuống. Tôi nhớ cách đây, 3 năm ngay sau thời điểm Tết Nguyên đán giá xăng, giá điện, giá nước rục rịch tăng khiến giá nhiều loại hàng hóa sau Tết cao vút, không chịu xuống. Năm nay thì giá xăng giảm đúng thời điểm “nóng” nên rất vui”.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cũng cho rằng: “Việc điều chỉnh giảm giá xăng tại thời điểm này có hiệu ứng khá tốt với thị trường. Nhiều mặt hàng sẽ bớt đi một lý do để vin cớ tăng giá”.

Thịt bò, hải sản đã “giảm nhiệt”

Theo tìm hiểu thông tin từ các nhà kinh doanh thì hầu hết các mặt hàng đã giảm nhiệt khá nhanh sau Tết Nguyên đán. Tính đến thời điểm hiện tại chỉ có các mặt hàng thủy sản vẫn chưa về mức giá bình thường. Tuy nhiên, sau thông tin giảm giá xăng, các mặt hàng thủy sản cũng bắt đầu “xuống nước”.

Theo khảo sát của PV vào lúc 18h ngày 18/2, giá tôm sú đã giảm từ 400.000 đồng/kg (loại vừa) xuống còn 360.000 đồng/kg so với ngày 17/2; Mực ống loại 3 con/kg đã giảm từ 300.000 đồng/kg xuống còn 280.000 đồng/kg; cá trắm đen đã giảm từ 250.000 đồng/kg xuống còn 220.000 đồng/kg… Giá các loại rau củ, thịt gia súc (trừ thịt bò) đã về mức giá ổn định của thời điểm khi chưa có đợt rét đậm, rét hại trước dịp Tết Nguyên đán Bính Thân.

Theo lý giải của tiểu thương ở các chợ trên địa bàn Hà Nội, nguyên nhân khiến thủy hải sản tăng giá là do lượng cung khan hiếm, một số tàu bè ở các vùng ven biển chưa đi đánh bắt lại trong khi đó nhu cầu sau Tết lại tăng cao nên khiến lượng hàng thiếu hụt.

"Thông thường ngư dân phải sau Rằm tháng Giêng mới đi biển vì họ thường khá sùng tín đi lễ bái, chùa chiền đầu năm chu đáo mới ra khơi. Vì vậy, sau Tết lượng thủy hải sản nhập về rất ít, lượng cung ra thị trường không đủ. Hơn nữa, Tết mọi người đều ngán với thịt gia súc, gia cầm nên chuyển sang ăn thủy sản, nhu cầu tăng cao khiến giá đội lên so với trong Tết”, ông Vũ Vinh Phú phân tích.

Thậm chí, tại một số siêu thị, trung tâm thương mại đã tiến hàng khuyến mại giảm giá thực phẩm tươi sống tại thời điểm này. Chẳng hạn, Hệ thống siêu thị Big C đang triển khai chương trình khuyến mãi đầu năm Quà tặng chào Xuân với hơn 500 mặt hàng đa dạng từ thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng cho đến quần áo thời trang, đồ chơi trẻ em có mức giảm giá đến 49% đến hết 29/2. Các sản phẩm tiêu dùng thiết yết như hạt nêm, nước mắm, nước tương, dầu ăn, gạo, phở ăn liền, bún tươi, bột giặt, nước rửa chén… cũng giảm đến 20%. Tại các siêu thị Fivimart, Intimex… cũng có nhiều mặt hàng thiết yếu được đề biển giảm giá.

Người tiêu dùng không còn dễ bị “móc túi”

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguồn hàng đầu năm khá ổn định. Giá cả hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống khá “dễ thở”, song nhu cầu mua sắm rất cầm chừng, dè dặt. Hiện tượng này không chỉ sau Tết mà trước Tết nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cũng không lớn nên giá của những loại thực phẩm thường vống giá mạnh nhất sau Tết là thịt bò và hải sản cũng không trụ ở mức giá cao lâu như những năm trước. Nhiều người tiêu dùng nói không với những mặt hàng xa sỉ, đắt tiền, những mặt hàng tăng giá quá cao cũng bị họ “quay lưng” lại vì vậy người tiêu dùng không còn dễ bị móc túi.

Theo Đông An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giá cả thực phẩm