Thảm họa động đất Nepal: Bác sĩ dùng nắm đấm cứu người

Ngày 02/05/2015 16:30 PM (GMT+7)

Trong tình huống khẩn cấp, một bác sĩ đã sử dụng đến nắm đấm của mình để cứu sống một bà mẹ trẻ.

Ngay sau thảm họa động đất kinh hoàng, bác sĩ Sanjay Gupta và các nhân viên cứu trợ đã lên trực thăng, mang mì ăn liền và các nhu yếu phẩm cứu trợ đến đến khu vực Sindhupalchok, một trong những khu vực gần thủ đô Kathmandu bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Khi chuẩn bị quay trở về căn cứ để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo thì một sự việc bất ngờ xảy ra. Một số người tiến lại gần họ và khẩn cầu: “Xin hãy mang cô ấy theo”. Tiếp sau đó là một chiếc cáng bằng rơm trên đó là một phụ nữ, được đẩy lên. Tên cô ấy là Sabina Lama.

Thảm họa động đất Nepal: Bác sĩ dùng nắm đấm cứu người - 1

Sabina được đưa tới vị trí của trực thăng Ấn Độ tại huyện Sindhupalchok hôm 30/4. Ảnh: CNN

Sabina Lama năm nay 18 tuổi, vừa sinh con cách đây 6 tuần. Bác sĩ Gupta phát hiện ra rằng cô đã hoàn toàn mất cảm giác ở cả hai chân. Ông đồng ý đưa Sabina lên trực thăng nhưng chỉ vài phút sau khi cất cánh, Sabina đột nhiên ngừng thở.

“Chúng tôi không thấy mạch của cổ và cánh tay của Sabina. Tôi kiểm tra đồng tử rồi cố gắng làm cho cô ấy tỉnh”, bác sĩ Gupta kể lại.

Lúc đó trên trực thăng không hề có thiết bị khử rung tim để giúp tim của Sabina đập trở lại. Bác sĩ Gupta cũng không hề có dịch truyền cũng như các thiết bị sơ cứu cần thiết khác để xử lý tình huống khẩn cấp này.

Sabina có thể đã chết nếu như vị bác sĩ không nhanh trí xử lý bằng kinh nghiệm của mình. Ông đã sử dụng nắm đấm, đánh mạnh vào ngực Sabina.

“Cú đánh rất mạnh. Một xung lực nhanh, mạnh vào vùng ngực là cách để đưa trái tim của Sabina về trạng thái hoạt động”, Gupta giải thích. Thật kỳ diệu là ít giây sau, Sabina đã tỉnh lại.

Sau đó trực thăng bay tới một bệnh viện dã chiến trên núi – nơi phi hành đoàn lấy một túi dịch để truyền cho cô. Bác sĩ Gupta đã dùng chiếc khẩu trang của mình để cố định bịch nước truyền trên nóc trực thăng, trong khi chiếc máy bay tiếp tục cất cánh tới bệnh viện lớn hơn.

Sau vài ngày điều trị, Sabina đã được đoàn tụ cùng cậu con trai 6 tuần tuổi của mình khi cậu bé được đưa đến bệnh viện để tiêm phòng.

Hôm 25/4, cô đưa đứa con mới chào đời 6 tuần trước đó tới trạm xá trong làng để tiêm vaccine định kỳ. Động đất xảy ra đột ngột khiến một phần trần của trạm xá sập.

Sabina chỉ là một trong số hơn 13.000 người đã bị thương trong trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử Nepal trong gần một thế kỷ qua.

Thảm họa động đất Nepal: Bác sĩ dùng nắm đấm cứu người - 2

Mưa lớn sau động đất có thể gây thảm họa kép ở Nepal.

Hôm 2/5, ông Laxmi Prasad Dhaka, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Nepal, nói rằng tổng số người chết vì động đất đã lên tới 6.621, còn số người bị thương là 14.023.

Lực lượng cứu hộ từ 20 quốc gia sử dụng chó nghiệp vụ và thiết bị tầm nhiệt để tìm người mất tích, họ chưa phát hiện bất kỳ nạn nhân nào sống sót ở thủ đô Kathmandu.

"Một tuần đã trôi qua từ khi động đất xảy ra. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức trong hoạt động cứu hộ, song không còn hy vọng tìm thấy người còn sống bên dưới các đống đổ nát", BBC dẫn lời ông Laxmi Prasad Dhaka cho biết.

Trong khi đó, số người chết được tìm thấy trong các đống đổ nát liên tục tăng, và công tác cứu hộ cứu nạn vẫn chưa thể tiếp cận được với những khu vực vùng sâu, vùng xa.

Một quan chức cấp cao của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, chỉ còn rất ít thời gian cho các đội cứu hộ ở Nepal đưa ra các biện pháp bảo vệ người dân trước dịch bệnh bùng phát có thể gây chết người trên diện rộng.

Ông Rownak Khan, phó trưởng ban đại diện UNICEF tại Nepal nhấn mạnh, mối nguy hiểm sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi điều kiện ướt và bùn lầy trong mùa mưa sắp tới, bắt đầu từ tháng 6 tới tháng 9.

Theo Linh An (ĐSPL)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Động đất