2 ca mang thai hộ thành công: “Xóm chờ con” tràn hy vọng

Ngày 24/09/2015 10:09 AM (GMT+7)

Thông tin Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Từ Dũ - TP HCM) vừa thực hiện thành công hai ca mang thai hộ đã thực sự thổi bùng ngọn lửa hi vọng của những cặp vợ chồng hiếm muộn đang khát khao tiếng cười trẻ thơ, đặc biệt tại “Xóm chờ con” quanh Bệnh viện Từ Dũ…

Hạnh phúc bất ngờ

BS Lê Thị Minh Châu (Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ) cho biết, đến thời điểm này, bệnh viện đã thực hiện 4 ca mang thai hộ, trong đó có 2 ca đã đậu thai.

“Ca thành công đầu tiên chúng tôi thực hiện là một cặp vợ chồng hiếm muộn quê ở Khánh Hòa. Anh chị này kết hôn đã 4 năm. Người vợ (SN1987) không may bị dị tật không có cổ tử cung, tử cung phát triển không bình thường. Sau khi thực hiện chuyển phôi (được tạo ra từ trứng và tinh trùng của vợ chồng hiếm muộn) đến người nhận mang thai hộ(là chị em họ với người vợ, SN 1982), kết quả cho thấy, người mang thai hộ đã đậu thai hơn 7 tuần. Kết quả siêu âm xác định, đã có tim thai và đây là ca thụ thai song sinh…”, BS Châu cho biết.

Tương tự ca đậu thai đầu tiên, ca thứ hai được thực hiện thành công là cặp vợ chồng hiếm muộn trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Người vợ trong ca hiếm muộn này (SN1984) cũng bị dị tật tử cung. Trước khi thực hiện mang thai hộ, vợ chồng chị đã đi điều trị hiếm muộn trong thời gian dài, ở khá nhiều nơi. Hồ sơ điều trị cho thấy, người vợ đã được kích tử cung đến 6 lần nhưng đều thất bại.

2 ca mang thai hộ thành công: “Xóm chờ con” tràn hy vọng - 1

Thành công của hai ca mang thai hộ đầu tiên tại Bệnh viện Từ Dũ thắp lên niềm hi vọng cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Ảnh minh họa

Khi đến Bệnh viện Từ Dũ, sau khi chuyển phôi (được tạo thành từ trứng và tinh trùng của đôi vợ chồng này), người mang thai hộ (là họ hàng gần của người vợ) cũng đã đậu thai được 5 tuần. “Người mang thai hộ này (SN 1988) sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng quát thêm trong tuần tới. Hai trường hợp thành công này không chỉ mang đến niềm vui vô bờ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, trao cho họ cơ hội được thực hiện thiên chức làm cha, làm mẹ thiêng liêng mà còn khiến bản thân người mang thai hộ cũng vui mừng quá đỗi. Bởi họ biết đã góp công sức giúp người thân của mình có được hạnh phúc làm cha, làm mẹ”, BS Châu chia sẻ.

Thắp lên niềm hy vọng

Số liệu thống kê từ Khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Từ Dũ) cho thấy, mỗi năm đơn vị này tiếp nhận khoảng 60.000 lượt khám và điều trị liên quan đến bệnh hiếm muộn. Không ít chị em phụ nữ trong số này, để thực hiện ước mơ làm mẹ, đã phải theo đuổi quá trình điều trị lâu dài, tốn kém thời gian, tiền bạc. Khu vực xung quanh Bệnh viện Từ Dũ, thậm chí đã hình thành cả “xóm chờ con”.

Không giấu nổi niềm vui khi nghe tin Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thành công 2 ca mang thai hộ, chị N.N.A (quê ở Tây Ninh) phấn khởi chia sẻ: “Vợ chồng tôi đã theo đuổi điều trị hiếm muộn trong hơn hai năm nay, có khi tưởng chừng vô vọng. Nhưng giờ đây, chúng tôi lại được trao thêm niềm tin, cơ hội tiếp theo”.

Một thành viên khác của “Xóm chờ con” là chị L.T.A (quê ở TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Chị đã trải qua 3 lần thực hiện 

thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thành công. Nghe tin Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thành công 2 ca mang thai hộ, vợ chồng chị “mừng đến phát khóc” cho hai cặp vợ chồng đồng cảnh ngộ đã có cơ hội làm bố, làm mẹ. “Cùng cảnh với nhau nên chúng tôi thấu rõ ước mơ lớn lao này. Vợ chồng tôi mừng cho họ nhưng cũng là mừng cho mình vì vẫn còn “cánh cửa” để chúng tôi thắp lên niềm hi vọng mới”, chị T.A xúc động chia sẻ.

Tại một hội thảo liên quan đến vấn đề vô sinh - hiếm muộn gần đây, BS Hồ Mạnh Tường - Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM cho hay, ước tính, cả nước hiện có trên một triệu cặp vợ chồng cần khám và điều trị hiếm muộn. BS Tường cũng báo động về tình trạng độ tuổi của các cặp vợ chồng vô sinh - hiếm muộn đang giảm nhanh, với khoảng 500.000 cặp vợ chồng dưới 30 tuổi đang mắc bệnh này. Không ít cặp vợ chồng bị hiếm muộn nhưng không rõ nguyên nhân.

“Không ít cặp vợ chồng bị vô sinh - hiếm muộn khi kiểm tra, xét nghiệm cho kết quả, cơ quan sinh sản không có gì bất thường! Vấn đề nằm ở chỗ, tới thời điểm này các xét nghiệm, chẩn đoán chưa thể tìm ra nguyên nhân thực sự mà thôi…”, BS Hồ Mạnh Tường chia sẻ.

Cũng theo BS Hồ Mạnh Tường, đối với những cặp vợ chồng vô sinh - hiếm muộn do “niềm đau không tên” ấy, từ trước đến nay chỉ có giải pháp duy nhất là thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên, khi thực hiện đến lần thứ 2, thứ 3 mà vẫn thất bại thì những cặp vợ chồng không may này thường nhận được lời khuyên là từ bỏ bởi việc theo đuổi rất tốn kém mà kết quả không cao…

“Kỹ thuật tạo phôi (thụ tinh ống nghiệm) ở Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, thậm chí chỉ cần một tinh trùng của người chồng cũng đã có thể tạo phôi thành công với trứng của người vợ. Tuy nhiên, khả năng thụ thai khi chuyển phôi vào cơ quan sinh sản người vợ còn phụ thuộc hàng loạt yếu tố khác. Vì vậy, khi cơ quan sinh sản của người vợ được xác định không có gì bất thường mà đưa phôi vào lại không thụ thai thì phương pháp thụ tinh ống nghiệm cũng đành “bó tay”. Phương pháp mang thai hộ sẽ hóa giải được vấn đề khó khăn này”, BS Hồ Mạnh Tường phân tích.

Nói về chế độ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), hưởng thai sản với nhóm lao động nữ mang thai hộ, bà Trần Thị Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: Người lao động vẫn được nhận tiền trợ cấp thai sản như bình thường, thời gian nghỉ thai sản vẫn phải đảm bảo mức tối thiểu là 4 tháng, tối đa là 6 tháng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động nữ mang thai hộ.

Trong trường hợp lao động nữ nhờ mang thai hộ muốn tiếp nhận con sớm hơn (dưới 6 tháng) thì đơn vị BHXH sẽ căn cứ vào đó để tính thời gian hưởng chế độ thai sản và thời gian nghỉ thai sản với lao động nữ mang thai hộ và cả lao động nữ (mẹ) nhờ mang thai hộ. Lúc này, nếu tiếp nhận con từ lao động nữ mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ sẽ được hưởng chế độ thai sản, thời gian nghỉ thai sản như với trường hợp lao động nữ nhận con nuôi.

Theo Thanh Giang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot