Bác sỹ và những ngày Tết không trọn vẹn

Ngày 02/02/2014 05:24 AM (GMT+7)

Đã làm bác sỹ thì hiếm có ai không phải trực Tết một lần...

Trực Tết, bác sĩ quay cuồng vì bệnh nhân đông

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phó khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ, bác sĩ đã từng có 2 năm phải trực Tết đúng vào mùng 1 Tết âm lịch.

Ngày Tết nhưng số lượng bệnh nhân đến viện vẫn khá đông. Đặc biệt, những năm thời tiết thay đổi đột ngột, trẻ nhỏ trở bệnh nhiều, số trẻ đến khám và nhập viện tăng mạnh.

“Khoa Nhi luôn trong tình trạng quá tải, tôi nhớ năm ngoái khoa chuẩn bị 50 phong bao lì xì cho các cháu vào viện hôm mùng 1 mà vẫn không đủ. Mấy ngày nghỉ Tết âm lịch, khoa luôn trong tình trạng quá tải, số lượng bệnh nhân lên tới 100 cháu/60 giường bệnh”, BS Nam cho biết.

Thông thường khoa bố trí 2 bác sĩ trực nhưng với số lượng bệnh nhân đông như thế bác sĩ phải quay cuồng với bệnh nhân. Do số lượng bệnh nhân quá đông, nhiều bác sĩ trực đêm 30 không kịp có thời gian gọi điện về chúc Tết gia đình vào thời khắc giao thừa.

BS Nam chia sẻ, những ngày Tết âm lịch, bệnh nhi nào tiến triển tốt sẽ được bác sĩ cho xuất viện điều trị ngoại trú, bởi ai cũng mong một cái Tết ấm áp bên gia đình. Những bệnh nhi viêm phổi, viêm đường hô hấp nặng hoặc những cháu đang điều trị các bệnh mạn tính nặng như hội chứng thận hư, ung thư máu, bạch cầu cấp … bắt buộc phải nằm lại bệnh viện. Để tránh cho các bé tủi thân vì phải đón Tết trong viện, các bác sĩ trang hoàng phòng bệnh đẹp, mang kẹo bánh đến từng buồng bệnh chúc Tết và động viên các bé.

Ngại xông Tết bệnh viện, hậu quả nặng nề

Theo bác sĩ Nam, trẻ nhỏ mắc bệnh trong những ngày Tết phần lớn là do lỗi và sự chủ quan của cha mẹ. Những ngày Tết âm lịch, hai bệnh trẻ mắc nhiều nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn đường hô hấp.

“Nhiều cha mẹ thấy con sốt cao, ho nhiều, tiêu chảy đúng vào đêm giao thừa hay ngày mùng 1 Tết nhưng trần trừ không đưa con đến viện vì cho rằng nếu đi viện vào ngày đầu năm mới trẻ sẽ bị “rông”, đau ốm quanh năm. Chính vì quan điểm sai lầm này mà nhiều trẻ bệnh trở nặng, phải điều trị lâu dài, thậm chí không thể qua khỏi”, BS Nam nói.

Bác sỹ và những ngày Tết không trọn vẹn - 1

Cha mẹ không nên chủ quan với sức khỏe của trẻ trong ngày Tết

Vị bác sĩ này chia sẻ đã từng bị ám ảnh về một kỷ niệm buồn trong một lần trực Tết. Cách đây vài năm, sáng ngày mùng 2 Tết, ca trực của bác sĩ Nam đã tiếp nhận một bệnh nhi gần 2 tuổi trong tình trạng mất nước nặng, sức khỏe rất yếu.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, ngày 30 Tết bé theo bố mẹ về quê ăn Tết và có hiện tượng bị tiêu chảy nhẹ. Đến chiều mùng 1, cả gia đình bé trở lại Hà Nội, tình trạng tiêu chảy nặng hơn.  

Sợ xông bệnh viện vào ngày đầu năm mới con sẽ ốm đau quanh năm, bố mẹ cho bé uống dung dịch bù nước oresol ở nhà và để đến sáng mùng 2 mới đưa con đến viện.

Tuy nhiên, sáng mùng 2 vào viện, trẻ đã trở nặng, mất nước quá trầm trọng, bị rối loạn điện giải nặng. Dù các bác sĩ đã cố gắng hế sức cấp cứu và điều trị tích cực nhưng trẻ vẫn không qua khỏi.

Theo BS Nam: “Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi tình trạng trở nặng rất nhanh. Chỉ vì quan điểm sai lầm cha mẹ bé đã phải ân hận. Trường hợp đáng tiếc kể trên, nhà bé chỉ cách khoa Nhi, BV Bạch Mai vài cây số, giá như bé được đưa đến bệnh viện sớm hơn, bé đã được cứu sống”.

Theo bác sĩ, có 2 lý do khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp và tiêu chảy trong dịp là: do ăn uống không điều độ, cha mẹ phải đi chúc Tết nhiều, trẻ nhỏ cũng phải chạy theo guồng quay của người lớn nên rất dễ bị rối loạn tiêu hóa. Thứ 2 là do các bé được cha mẹ cho đi chơi nhiều, bị nhiễm lạnh nên mắc các bệnh viêm đường hô hấp.

Bác sĩ Nam cảnh báo, những năm thời tiết hay thay đổi như năm nay: sáng và đêm lạnh, trưa nắng nóng trẻ rất dễ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy. Do đó, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần phải chú ý đến chế độ ăn uống và mặc ấm cho trẻ. Ngày Tết trẻ lịch ăn của trẻ có thể xê dịch một chút nhưng không nên cho trẻ ăn các thức ăn nguội, để lại qua nhiều bữa. Cho trẻ đi chơi cần mặc ấm, đeo khẩu trang, tránh xa trẻ khỏi khói thuốc lá hoặc nơi đốt quá nhiều hương đặc biệt với trẻ có tiền sử bệnh hen. Khi trẻ ốm cần cho trẻ uống bù nước oresol, sốt phải dùng thuốc hạ sốt. Nếu trẻ có dấu hiệu trở nặng như kém ăn, kém bú, có dấu hiệu ngủ li bì, tiêu chảy nhiều lần trong ngày cần đưa trẻ đến viện ngay, bất kể giờ giấc nào.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan