Bài học Đạo đức hay nhưng chưa kịp 'ngấm'

Ngày 04/10/2015 00:09 AM (GMT+7)

Môn Đạo đức giới thiệu nhiều câu chuyện ý nghĩa và những bài học thiết thực nhưng mỗi tuần chỉ có một tiết học khiến cho học sinh lẫn giáo viên đều cho rằng thời lượng tiếp cận môn học này quá ít.

Tình trạng bạo lực học đường, học sinh đánh chửi nhau, thậm chí hù dọa thầy cô giáo từ lâu đã gây bức xúc dư luận, trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Nhiều biện pháp răn đe được đưa ra như nhắc nhở, cảnh cáo thậm chí kỷ luật đuổi học nhưng đến giờ vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Thế nhưng, một trong những môn học tác động trực tiếp đến lời nói và hành vi của các em là Đạo đức, Giáo dục công dân thì hiện nay lại đang bị xem nhẹ, số tiết học ít, thầy cô giáo dạy qua loa...

Để tìm hiểu nguyên nhân, sức ảnh hưởng của nạn bạo lực học đường, vai trò của bộ môn Đạo đức trong việc góp phần giải quyết vấn nạn này, mời độc giả tham khảo loạt bài viết về tình trạng bạo lực học đường và bộ môn Đạo đức dưới góc nhìn từ phía học sinh, nhà trường, phụ huynh và các chuyên gia giáo dục.

Kỳ 1: Học sinh vô cảm trước nạn đánh nhau, chửi bậy

Kỳ 2: Bài học Đạo đức hay nhưng chưa kịp 'ngấm'

Kỳ 3: Nhà trường không hay, phụ huynh né tránh

Kỳ 4: Môn Đạo đức ở các nước được học như thế nào?    

Kỳ 5: Cần đưa Giáo dục công dân trở thành môn thi    

"Cháu thích học môn Đạo đức"

Học sinh liên tục đánh nhau, chửi bậy bên trong và ngoài trường khiến cho bạo lực học đường ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Câu hỏi được nhiều người nhắc đến là các em đến trường được học những gì? Những môn liên quan đến hành vi của các em là đạo đức, giáo dục công dân đã đủ cung cấp cho học sinh kỹ năng sống và các em đã thực sự nhập tâm chưa? 

Bài học Đạo đức hay nhưng chưa kịp ngấm - 1

Bài học Đạo đức hay nhưng chưa kịp ngấm - 2

Một bài học trong sách đạo đức.

Lướt những trang sách Đạo đức (lớp 3), hẳn không ít người lớn gật gù tâm đắc với những bài học giá trị được kể qua câu chuyện ý nghĩa như Trong giờ mĩ thuật (trung thực trong học tập), Cậu bé hạt tiêu (vượt khó), Nào, các chú bật điện lên cho Bác xem đi (tiết kiệm tiền của), Nuôi bà (hiếu thảo với ông bà), Ông giáo già (biết ơn thầy cô giáo), Điều bất ngờ dành cho mẹ (yêu lao động)...

Dù vậy, tiết học Đạo đức hay Giáo dục công dân trong thực tế lại cần phải được xem lại. Đây là những môn được đưa vào học bắt buộc nhưng thời gian dành cho môn học còn hạn chế (1 tiết trong tuần) khiến học sinh chưa chú tâm vào môn học. Nhiều giáo viên coi nhẹ môn học, dạy qua loa.

Bên cạnh đó, đa số giáo viên không có cách truyền đạt hấp dẫn đã khiến môn học trở nên giáo điều, lý thuyết suông, học sinh ỷ lại khiến tiết học trở thành thầy cô hỏi, học trò trả lời. 

Bé Minh Anh, lớp 5 trường tiểu học Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ về các môn học yêu thích của mình: "Cháu thích học nhất là môn Khoa học rồi đến môn Đạo đức. Trong sách Đạo đức có nhiều bài học hay. Tuy nhiên, mỗi tuần chỉ có một tiết và một bài lại chia ra học trong 2 tuần".

Cô Trần Thị Thanh, giáo viên lớp 1, trường tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Nam Định cho rằng, các bài học trong môn Đạo đức ở khối 1 khá thiết thực với đời sống, tuy nhiên lại chỉ có một tiết trong tuần. Ở trường tiểu học Lê Quý Đôn, các con được rèn luyện đạo đức thêm thông qua các hoạt động ngoại khóa.

Trong khi chưa có biện pháp hợp lý để khắc phục tình trạng đánh nhau trong giới học sinh thì vài năm nay, một trường cấp 3 tại Hà Nội đã thay khẩu hiệu truyền thống “Tiên học lễ, hậu học văn” (theo Khổng Tử) bằng các khẩu hiệu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” và "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình" (theo UNESCO). Theo lý giải của trường, câu "Tiên học lễ, hậu học văn" quá khó hiểu, quá lâu, quá cũ nên cần phải thay đổi. Tuy nhiên, điều này lại dấy lên mối lo ngại, phải chăng "Tiên học lễ" đã không còn phù hợp và không còn được chú trọng trong thời đại hiện nay?

Nên quy định là môn thi tốt nghiệp

Trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng nhiều, TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, giáo dục trẻ là trách nhiệm của gia đình trước tiên. Sau đó mới đến nhà trường và xã hội.

Mặc dù không thể đổ lỗi cho nhà trường, song môn học đạo đức và giáo dục công dân trong nhà trường hiện nay đang bị xem nhẹ và phân bổ chưa hợp lý. Vì thế, tình trạng xuống cấp đạo đức của học sinh rõ ràng một phần lỗi cũng do các nhà trường.

"Ngay từ khi chúng tôi còn đang học phổ thông, việc dạy học đạo đức và giáo dục công dân đã bị coi nhẹ. Sách giáo khoa, giáo trình khô khan và giáo điều. Cô giáo giảng bài cũng uể oải, thiếu hấp dẫn. Nhưng việc thực hiện cẩn thận và nghiêm túc hơn hiện nay.

Còn việc dạy đạo đức và giáo dục công dân hiện này thì rõ ràng là thời lượng không đảm bảo, chất lượng không ổn và thiếu hiệu quả. Chưa kể việc áp dụng các quy định cũng lỏng lẻo hơn", bà Hương nhấn mạnh. 

Bài học Đạo đức hay nhưng chưa kịp ngấm - 3

Tiến sĩ Vũ Thu Hương.

Theo tiến sĩ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quy định môn giáo dục công dân là môn thi tốt nghiệp và hạnh kiểm của học sinh là một trong những tiêu chí xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học, Cao đẳng và THCN. Như vậy, học sinh chắc chắn sẽ phải chú trọng học bộ môn này hơn. Các thầy cô giáo cũng sẽ cất công nghiên cứu tìm hiểu để dạy học tốt hơn và việc bồi dưỡng đạo đức tư cách học sinh cũng sẽ được gia đình và nhà trường chú trọng hơn.

"Vấn đề phân bổ thời gian trong chương trình tiểu học cũng là một việc cần bàn lại. Khi môn học Đạo đức chỉ có 1 tiết mà lại được coi là môn học tự chọn thì tôi e rằng tình trạng xuống cấp đạo đức trong họcc sinh sau này sẽ còn tệ hơn ngày nay rất nhiều lần", tiến sĩ Hương bày tỏ.

Về việc hiện nay có trường học thay biển "Tiên học lễ, hậu học văn", theo bà Hương, tuy khẩu hiệu thực tế không có nhiều giá trị về việc bồi dưỡng tư cách đạo đức học sinh nhưng việc đề cao quá mức chữ Tài như khẩu hiểu thay thế sẽ khiến trẻ em và gia đình dần dần coi thường chữ Đức. Trong khi thực tế, người có Đức sẽ đem lại nhiều lợi ích cho xã hội cho dù họ có Tài hay không. Còn người có Tài mà không có Đức thì có khả năng còn gây nguy hại cho xã hội.

Kỳ 3: Nhà trường không hay, phụ huynh né tránh

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự