Bạo hành trẻ nhiễm HIV: Mới là phần nổi của tảng băng chìm

Ngày 07/04/2015 11:55 AM (GMT+7)

Trẻ em bị bạo hành thường để lại di chứng về tâm lý sâu sắc. Trẻ em bị nhiễm HIV tổn thương càng rõ hơn, khi xung quanh em, sự kỳ thị vốn đã rất cay nghiệt.

Sau khi thông tin trẻ nhiễm HIV bị bạo hành tại Trung tâm bảo trợ Linh Xuân, Thủ Đức, TP.HCM vỡ lở, Thạc sĩ Nguyễn Trọng An - Chuyên gia Cao cấp Chăm sóc và bảo vệ trẻ em - Bộ LĐTBXH, nguyên Cục phó Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em cho hay, đây thực ra chỉ là “mỏm nổi của tảng băng chìm” của vấn nạn bạo lực và lạm dụng trẻ em hiện nay. 

Xã hội đang giật mình thon thót và phẫn uất khi xem những hình ảnh, đoạn phim ghi lại thương tật của trẻ nhỏ dưới đôi bàn tay bạc ác của người lớn, thì đối với trẻ nhỏ bị nhiễm HIV, việc bạo hành càng khiến cho người ta xót xa. 

Bạo hành trẻ nhiễm HIV: Mới là phần nổi của tảng băng chìm - 1

Trẻ bị bảo mẫu bạo hành. (Ảnh nguồn TTO)

Theo bác sĩ An, những em bé này có quyền được đi học. Nhưng lúc chúng ta đã đưa các em bé đến trường lại xảy ra câu chuyện, nhiều ông bố bà mẹ không cho các em bé bị nhiễm HIV học chung. Họ phản ứng bằng cách đòi làm đơn xin chuyển trường cho con.

Điều này đã khiến cho trẻ bị nhiễm HIV phải vào các trung tâm bảo trợ trẻ em mới được đi học, được chăm sóc. Cách làm như thế của người lớn càng khiến cho những trẻ nhiễm HIV bị kỳ thị và mất nhiều cơ hội được hòa nhập cuộc sống.

Bạo hành trẻ nhiễm HIV: Mới là phần nổi của tảng băng chìm - 2

Thạc sĩ Nguyễn Trọng An chia sẻ sự xót xa của mình về việc cháu bé nhiễm HIV bị bạo hành.

Sau này, nhà nước ký Quyết định 570 đưa ra hành động quốc gia về trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, theo đó toàn bộ trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS hoặc bị ảnh hưởng bởi bệnh này sẽ được chăm sóc và điều trị, được học tập, vui chơi giải trí. Trong đó cũng nêu rõ đảm bảo các em bé được đi học và chữa trị đầy đủ, chất lượng cao.

Trong số những trẻ em này, bác sĩ An cho biết, không phải hoàn toàn các em bị lây nhiễm HIV mà có thể bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh như ba mẹ chết vì HIV, người thân trong gia đình bị nhiễm HIV. Các em thuộc đối tượng có nguy cơ cao và dễ bị lây nhiễm. Theo chính sách của nhà nước đề ra đến năm 2020, các em bé này được chăm sóc hoàn toàn, được đi học.

Các bảo mẫu khi bạo hành các em đã rất sai lầm vì họ vi phạm quyền được bảo vệ, không được xâm hại về tinh thần và trí tuệ của trẻ nhỏ. Các em bé trong trung tâm đều được đảm bảo bằng các quy định của pháp luật. 

Nói về vấn đề tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng như thế nào sau khi bị bạo hành, bác sĩ An cho rằng trẻ em bị bạo hành đều bị tổn thương về thể xác và tinh thần. Những tổn thương về tinh thần của các em thường rất trầm trọng. Đối với trẻ ở các trung tâm bảo trợ, thiếu thốn tình cảm người thân, càng ảnh hưởng nhiều hơn. 

"Con người ta ai cũng biết rằng những vết sẹo trên da thịt có thể lành lại nhưng những hành động dạy dỗ bằng cách bóp miệng, tát, đánh như thế này có thể ám ảnh và gây tổn thương về tinh thần cho các em suốt cuộc đời..." - Thạc sĩ An ngậm ngùi.

Bác sĩ An cho biết nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là do các trung tâm bảo trợ trẻ em, bảo trợ xã hội quản lý chưa tốt, chưa thực hiện đúng quyết định 570.

“Tôi đã từng gặp những câu chuyện chính người trong các trung tâm bảo trợ đó đánh, hiếp dâm các em. Hành vi này của những người trong trung tâm bảo trợ xã hội đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự suy đồi về đạo đức” – Thạc sĩ An cho hay.

Tuy nhiên, sau khi chứng kiến những hành động của bảo mẫu qua bài báo, thạc sĩ An cho rằng cũng có thể một phần nguyên nhân của bạo lực là các em ốm đau, quấy khóc nhiều, còn các bảo mẫu làm việc trong môi trường thiếu thốn, stress dẫn đến các hành động sai lầm. 

Để giải quyết nguyên nhân sâu xa của các vấn đề này, bác sĩ An cho rằng cần có sự vào cuộc của cả xã hội. Các cơ quan quản lý trực thuộc các trung tâm này phải có sự quản lý chặt chẽ, thực hiện theo đúng quy định và giám sát để trẻ nhỏ có được quyền chăm sóc chất lượng cao.

Theo Khánh Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ bị bạo hành