Bí ẩn đồi 'Ông Thánh' ở xứ Thanh

Ngày 05/03/2014 17:17 PM (GMT+7)

Người dân Yên Phú truyền tai nhau rằng, những rặng cây trên đồi "Ông Thánh rất linh", không ai dám bén mảng, xâm phạm. Xung quanh ngọn đồi là những câu chuyện kỳ lạ đến khó tin.

Đàn thờ Tống Thiên Quốc sư (hay còn gọi là đồi Ông Thánh; đàn thờ Ông) thuộc địa phận làng Yên Phú, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (Thanh Hóa).

Đàn là nơi thờ Tống Thiên Quốc sư nổi tiếng linh thiêng nhất xứ Thanh. Trên đỉnh ngọn đồi là những khóm tre bao bọc đàn thờ tạo nên một thành lũy kiên cố đến huyền bí. 

Ngọn đồi linh thiêng

Từ thành phố Thanh Hóa, dọc theo Quốc lộ 1A về phía Bắc, qua thị trấn Hà Trung đến địa phận Cầu Cừ (khoảng 30 km); rẽ trái về trung tâm xã Hà Tiến, ngược lên 3 km nữa là đến di tích. Con đường đất dẫn lên đồi Ông Thánh khúc khuỷu, heo hút và ngổn ngang những hòn đá cuội. Từ dưới chân đồi trông lên, ngọn đồi cao 600m tính theo đường chim bay, người đi chưa quen phải mất 40 phút mới leo tới đỉnh đồi. 

Bí ẩn đồi Ông Thánh ở xứ Thanh - 1

Đàn thờ Tống Thiên Quốc sư ( hay còn gọi là đồi Ông Thánh; đàn thờ Ông) thuộc địa phận làng Yên Phú, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (Thanh Hóa).

Trên đỉnh đồi, người dân lập một đàn thờ Tống Thiên Quốc sư bên bàn đá và cây tre mọc ngược. Xung quanh đàn thờ là những rặng tre xanh tốt, um tùm tạo nên thành lũy kiên cố. Từ trên đỉnh đồi Ông Thánh, trông xa xa phong cảnh sơn thủy hữu tình. Nhìn về hướng Bắc có dòng Tống Giang tạo nên thế tụ thủy, ở phía Tây và phía Nam có hòn núi nhỏ ôm vòng lại. Quanh đỉnh đồi có rất nhiều loài như cây thông, cây si, cây đa và dày đặc nhất vẫn là tre, tương truyền từ gậy của Tống Thiên Quốc sư biến thành.

Ông Nguyễn Văn Cóm 70 tuổi, hiện là Phó chủ tịch hội người cao tuổi thôn Yên Phú (Hà Tiến) cho biết: "Theo sổ sách cũ ghi chép lại thì đàn thờ Tống Thiên Quốc sư có từ thời Lê Trịnh thế kỷ thứ XVI – XVII. Khi tôi lớn lên các cụ ngày xưa đã lập đàn thờ rồi, trước thì thờ trên một bàn đá nhỏ chỉ chứa đủ 6 người ngồi, nhưng rồi do tín ngưỡng thờ cúng ngày càng nhiều, nên dân làng đã xây dựng thành đàn thờ. Hai năm trở lại đây đàn thời Tống Thiên Quốc sư chính thức do hội người cao tuổi làng Yên Phú cai quản".

Bí ẩn đồi Ông Thánh ở xứ Thanh - 2

Ông Nguyễn Văn Cóm 70 tuổi, hiện là Phó Chủ tịch hội người cao tuổi thôn Yên Phú (Hà Tiến) lý giải sự xuất hiện của đàn thờ.

Ông Cóm kể lại rằng: "Theo tích xưa, Tống Thiên Quốc sư hay còn gọi là Tống Liêu Công là con của Tống Chân Quang - người từng phò giúp nhà Tống dời đô xuống Quảng Đông. Trong một lần đi chơi ở núi Thứu Lĩnh, Tống Liêu Công gặp một ông Tiên, ông Tiên đã truyền cho một đạo thần chú, một tập giấy trắng và dặn rằng: Sau này gặp ai đau ốm, đốt giấy thành tro hòa vào nước trong cho uống sẽ khỏi". 

"Ông Tiên còn trao lại một cây gậy trúc và bảo rằng: Địa đạo huyền vi, chớ nói với ai phải giữ cẩn thận. Phương Nam có nhiều đất quý, khi đến đất Cẩm Báu thì gậy này sẽ mất". Nhờ thuật của ông Tiên, cậu bé Tống Liêu Công dùng gậy trúc, thần chú trừng trị tên tham quan, ác độc là Ngô Công Khiết – người từng giết hại cậu ruột của ông là Trương Công Đạm. Sau cái chết của Ngô Công Khiết triều đình hạ chiếu cho người đi đuổi bắt Liêu Công, vì thế ông chạy sang nước ta trú ẩn".

Thời đó ông cư trú ở Trịnh Xá thuộc huyện Nam Trực phủ Lý Nhân, tới vùng đất này ông được đôi vợ chồng trẻ tên Trịnh Cầu cưu mang, che chở. Cảm kích với tấm lòng thành của đôi vợ chồng hiền, Tống Liêu Công bèn ban tặng một thế đất quý có voi chờ kiếm ấn thiên mã phía Nam, có thể di dời nối nghiệp vương hầu, quyền ngang chúa tể… đồng thời truyền dạy binh pháp võ nghệ cho Trịnh Kiểm (con trai Trịnh Cầu). 

Đúng như lời tiên đoán của Tống Liêu Công, dưới thời nhà Lê, họ Trịnh được phong làm chúa. Chúa Trịnh mời ông Tống Liêu Công vào triều, phò vua giúp nước và tôn làm quốc sư cho hưởng tô thuế huyện Tống Sơn. Tống Thiên Quốc sư đi tìm nơi thắng địa ở phủ Tống Sơn để lập cung cư, đến làng Cẩm Báu có cảnh đẹp đất thiêng, ông cắm gậy trúc ở đỉnh đồi rồi đi quan sát mạch đất, lúc quay lại gậy trúc đã biến thành tre đằng ngà. Ông dựng nhà ở tại đất Cẩm Báu, ban đêm ông thường mộng có người tự xưng là Tô Đại Liêu mời ông vào miếu chơi và đi du ngoạn hai huyện Tống Sơn, Nga Sơn. 

Thời đó, ở hai huyện Tống, Nga bị bệnh dịch hoành hành. Nhớ lời ông Tiên năm xưa, Tống Thiên Quốc sư bèn dùng giấy trắng của Tiên ban đem đốt thành tro hòa vào thanh thủy cho người bệnh uống đều khỏi cả, từ đó nhân dân gần xa gọi ông là Thiên sư chữa bệnh cứu dân. 

Sau khi ông mất, Tĩnh Đô vương làm lễ mai táng ông ở địa phận làng Bình Vọng và tặng phong là Tống Thiên Quốc sư. Nhân dân hai huyện Tống, Nga nơi nào thời Tô Đại Liêu thì rước sắc về cùng thờ ông Tống Thiên Quốc sư. Sau đổi thành làng Chánh Lộc, nay là đất làng Yên Phú, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung làm đệ nhất chính từ. Từ đó nhân dân trong vùng lập đàn thờ tự cho đến nay. Thế nhưng đó cũng chỉ là lý giải theo tích xưa.

Mãi đến sau này người ta mới hóa giải được đàn thờ có từ đâu, ông Cóm suy nghĩ một hồi lâu rồi kể tiếp: "Tôi không nhớ đích thị là vào năm nào, nhưng thời đó ở vùng này có bà Mai Thị Ly người đầu tiên đã kêu gọi nhân dân trong vùng lập đàn thờ tự ở bàn đá trên đỉnh ngọn đồi. Lập đàn thờ chưa được bao lâu thì có chính sách bài trừ mê tín dị đoan nên phải phá bỏ. Mãi đến năm 1973, trong một trận lũ quét lịch sử cả dân làng Yên Phú đã lên núi cư trú. Trong thời gian cư trú ở núi, dân làng mới biết đó là vùng đất thiêng nên chính thức lập đàn thờ cúng".

Năm 2007, ban quản lý đàn thờ mời nhà sư làm lễ khôi phục lại đàn. Năm 2013, sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã trao bằng công nhận đàn thờ Tống Thiên Quốc sư là di tích lịch sử. Hằng năm, đến ngày 20 tháng 6 âm lịch nhân dân trong vùng rước thần về đình làng Đồng Bộng tổ chức lễ tế. Ngày 11 tháng giêng âm lịch hằng năm là ngày hội đàn thờ Tống Thiên Quốc sư. 

Những câu chuyện kì bí

Ông Nguyễn Mạnh Than, (60 tuổi) người làng Yên Phú kể lại những câu chuyện kỳ lạ đầy bí ẩn xung quanh ngọn đồi ông Thánh mà ông đã từng được chứng kiến. Đó là câu chuyện đã làm dân làng Yên Phú rộ lên một thời. Cách đây không lâu, trong một lần đi rừng, ông Mai Văn Châu (Yên Phú) đã chặt tre trên đồi ông Thánh về dựng giàn bầu. 

Về đến nhà, ông Châu chưa kịp dựng giàn đã lăn ra ốm. Đêm nằm, có người báo mộng bên tai, đó là cây tre "thiêng", không được đụng vào. Mấy đêm liên tiếp ông Châu ốm đau, liên tục hôn mê bất tỉnh, trong những cơn mê sảng ông bắt gặp có người tới đòi tre, bắt ông phải trả lại đúng chỗ. 

Cũng kể từ lần vác tre lên đỉnh đồi trả lại, ông Châu sức khỏe ngày một yếu dần và đã qua đời. Cái chết của ông Châu khiến cho cả làng Yên Phú khiếp sợ và truyền nhau về những cây tre trên ngọn đồi "thiêng", không ai dám xâm phạm.

Bí ẩn đồi Ông Thánh ở xứ Thanh - 3

Ông Nguyễn Mạnh Than, (60 tuổi) người làng Yên Phú trầm ngâm kể lại những câu chuyện kỳ lạ đầy bí ẩn xung quanh ngọn đồi ông Thánh.

Cách đây hai năm, có trường hợp của ông Mai Văn Nin (thôn Yên Phú), trong lễ hội đàn thờ Tống Thiên Quốc sư đầu năm, trước sự chứng kiến đông đủ của dân làng và khách thập phương. Ông Nin tuyên bố "ta chẳng sợ ai trên mảnh đất này, thử đại tiện liều ở trên đỉnh đồi xem ai trừng phạt". Sau khi lễ hội kết thúc, trong lúc mọi người đang ra về thì ông Nin đau bụng dữ dội phải nhờ người cáng về trạm xá. 

Cơn đau bụng mỗi lúc một quằn quại, đêm về ông Nin "mộng" thấy có người trừng trị vì dám đắc tội với bề trên ở mảnh đất thánh. Sợ hãi, ông Nin mang giấc mộng tối qua kể cho dân làng nghe. Cho tới khi ông Nin làm lễ tạ tội trên đỉnh đồi ông Thánh, cơn đau bụng mới dứt. Từ đó, ông Nin luôn tin ngọn đồi ông Thánh linh thiêng, tới ngày rằm tháng lễ ông một mình lên đồi tế lễ, thắp hương. 

Chỉ tay vào hai cây đa ở đình làng, ông Than kể tiếp câu chuyện: Vào năm 2009, có 3 thanh niên ở Ngọc Trạo, Thạch Thành. Trong một lần đi lễ ở đồi ông Thánh, thấy hai cây đa đẹp nên 3 thanh niên này lên đào về làm cây cảnh. Mang về nhà chưa đầy một tuần thì cả 3 người bị hành cho dở dại, dở điên, suốt ngày mê man. Rồi họ cũng mộng thấy có người tới đòi cây đa, nếu không mang trả lại thì cả 3 đều chết. 

Khiếp sợ, cả ba thanh niên tự mang cây đa lên đỉnh đồi trả, nhưng ngọn đồi dốc quá nên họ bèn chở cây ra đình làng Yên Phú, rồi làm lễ tạ tội suốt một tháng ròng. Hiện tại trong số 3 người đào trộm đa, có một thanh niên đã mất mà không rõ nguyên nhân tại sao.

Trong một lần đi đồi, anh Lê Văn Hanh thấy bụi cây duối mọc sum suê, xanh tốt ở gần đàn thờ Tống Thiên Quốc sư. Nghĩ là cây mọc tự nhiên, anh Hanh mới lên chặt về cho đàn dê ăn. Chỉ trong một tuần, đàn dê hơn 50 con của gia đình anh Hanh bị ốm rồi chết sạch. Thấy hoảng hốt, anh Hanh vội đi tìm thấy cúng mới biết hóa ra đàn dê bị chết do đã "ăn phải cây thiêng" trên đồi Ông. Từ đó, mỗi mùa Xuân, anh Hanh và cả gia đình lên đồi Ông làm lễ tạ tội.

Những câu chuyện kỳ lạ đó vẫn được người làng Yên Phú truyền tai nhau cho tới ngày nay mà chưa có một lời lý giải xác đáng. Theo lời ông Than, cây tre mọc ngược trên đỉnh đồi ông Thánh vẫn còn nhưng đã bị che khuất trong những rặng tre đằng ngà xanh tốt vì thế rất khó để vào tận nơi chiêm ngưỡng. 

Theo Nguyễn Huệ (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan