Bị hoại tử mũi sau khi tiêm chất làm đầy

Ngày 24/09/2014 21:10 PM (GMT+7)

Cô Jenny – 58 tuổi, sống tại Singapore - đã vô cùng hối hận khi quyết định nâng mũi bằng chất làm đầy (filler) vào tháng 9 năm ngoái. Cho đến tận bây giờ, cô Jenny vẫn đang phải trải qua rất nhiều đợt điều trị để tạo hình lại chiếc mũi đã hoại tử của mình.

Jenny cho biết cô thường tới gặp bác sĩ thẩm mỹ để chăm sóc sắc đẹp của mình. Tuy nhiên, do thua lỗ trong kinh doanh nên cô không đủ điều kiện để tới các cơ sở thẩm mỹ có uy tín thường xuyên như trước. Một người bạn đã giới thiệu Jenny tới gặp một người được quảng cáo là “biết cách tiêm filler để nâng mũi” và thậm chí cô còn có thể trả góp. Vì vậy, Jenny đã để cho một người chưa qua đào tạo về y tế tiêm chất lạ vào mặt của cô.

Bị hoại tử mũi sau khi tiêm chất làm đầy - 1

Chiếc mũi bị hoại tử và sau khi ghép nối của cô Jenny

Lần tiêm đầu tiên, người ta sử dụng chất làm đầy có tên Natural Face nhưng chất này nhanh chóng biến mất chỉ sau một tuần mà không hề đem đến hiệu quả “nâng mũi” như Jenny mong muốn. Lần tiêm thứ 2, “chuyên viên chăm sóc sắc đẹp” đã dùng một chiếc kim rất dài và bơm vào mũi cô Jenny chất làm đầy giống như lần trước mà không hề gây mê. Sau 3 tiếng kể từ lúc tiêm, Jenny cảm thấy đau rát và mũi của cô bị phồng rộp lên. Sau đó, Jenny tới gặp một bác sĩ đa khoa và được kê một số loại kháng sinh và nước sát khuẩn để làm vệ sinh chiếc mũi.

Vết phồng rộp trên mũi của Jenny ngày một thâm lại và có dấu hiệu bị hoại tử. Ngay ngày hôm sau, cô Jenny đã tới tìm gặp Leslie Kuek – một bác sĩ thẩm mỹ uy tín - để nhờ giúp đỡ. Jenny còn mang cả vỏ hộp của chất làm đầy mà cô sử dụng tới cho bác sĩ xem. Tuy nhiên, trên vỏ hộp không hề có thông tin về nhà sản xuất, hạn sử dụng hay thành phần của thuốc. Cô Jenny đã rất ngỡ ngàng khi phát hiện ra chất làm đầy được tiêm vào mũi cô chỉ là hàng nhái và không hề đảm bảo chất lượng.

Bị hoại tử mũi sau khi tiêm chất làm đầy - 2

Một doanh nhân Singapore khác cũng bị hoại tử mũi do tiêm chất làm đầy

Bác sĩ Leslie cho biết sản phẩm kém chất lượng cùng với sự thiếu kỹ năng của người làm phẫu thuật đã khiến cho các mạch máu bên trong mũi bệnh nhân bị tắc. Điều này khiến da và mô mềm bị hoại tử, chỉ còn lại chiếc sụn mũi. Bác sĩ sau đó đã cắt bỏ phần bị hoại tử và nó để lại một lỗ hổng lớn trên chiếc mũi của Jenny.

Cô Jenny đã trải qua các đợt điều trị để tái tạo chiếc mũi. Bác sĩ Leslie đã dùng da, sụn ghép và mỡ từ các bộ phận khác của Jenny để phục hồi lại chiếc mũi cho cô. Mặc dù hiện tại phần mũi của cô Jenny đã được khôi phục nhưng nhìn chung vẫn còn biến dạng.

Cô đã phải bỏ ra hơn 40.000 USD cho các đợt trị liệu này. Tuy nhiên, kể từ sau khi phẫu thuật, Jenny thường xuyên bị chảy nước mũi và nhức đầu, thậm chí còn bị trầm cảm vì sự cố này.

Thông qua vụ việc này, bác sĩ Leslie nhắn nhủ rằng các chị em nên cân nhắc trước khi làm phẫu thuật thẩm mỹ, bởi vì khi sự cố xảy ra sẽ rất khó để khắc phục hậu quả.

Theo Ngọc Trâm (Người lao động/Your Health, Asia One)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot