Bi kịch của mẹ con người đàn bà mang tiếng “sát chồng”

Ngày 28/08/2014 05:11 AM (GMT+7)

Chưa kịp lên xe hoa thì người chồng sắp cưới bỗng dưng đột tử, chị vượt qua nỗi đau để làm lại từ đầu với một người đàn ông tốt bụng khác.

Nhưng chưa được bao lâu, chị lại trở thành góa phụ. Mang tướng “sát phu”, chị tủi nhục ôm những đứa con ra góc chợ để xin ăn, sống tạm qua ngày.

Trở thành gái ế vì bỗng dưng chồng chưa cưới đột tử

Đã nhiều năm nay, hình ảnh ba mẹ con chị Lại Thị Long (SN 1970) ở xóm 4, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An lủi thủi sống ở góc chợ Nghĩa Bình đã quá quen thuộc với người dân nơi đây.

Chị Long kể, nhà đông con nên chị phải sớm lao động phụ giúp cha mẹ nuôi các em thơ đang tuổi ăn tuổi lớn. Năm 17, 18 tuổi, chị Long được bố mẹ hứa gả cho một thanh niên xã bên. Nhưng định mệnh đắng cay, khi giờ phút cập bến bờ hạnh phúc tưởng đã thấp thoáng thì người chồng sắp cưới của chị chẳng may đột tử. Nỗi đau mất người chồng tương lai chưa nguôi, chị lại phải đối mặt với sự dị nghị của hàng xóm, láng giềng.

Bi kịch của mẹ con người đàn bà mang tiếng “sát chồng” - 1

Ba mẹ con chị Long hơn 1 năm nay đã lấy khu chợ này làm nhà. Ảnh: P.B

Miệng lưỡi thế gian quả lắm chua cay. Từ cái chết bạc mệnh của người chồng chưa cưới, chẳng mấy ai để ý đến nỗi đau của chị mà ngược lại, lắm người tỏ ra dị nghị, cho rằng chị là một người có tướng “sát chồng”! Cuộc sống của chị trôi đi cùng những lời đàm tiếu, thậm chí còn bị xa lánh. “Ở quê tôi, lời đồn kinh khủng lắm nên tôi không thanh minh được. Nhiều lúc nghĩ, thôi thì số phận mình như vậy, người ta nói gì mặc kệ, mình cứ sống, cứ tìm niềm vui với công việc đồng áng rồi hy vọng một ai đó thương mình”, chị Long tâm sự.

Chị bảo, lúc còn trẻ, chị cũng không phải là người xấu xí nên cũng nhiều người đàn ông muốn đến tìm hiểu. Nhưng sau cái chết của người chồng chưa cưới, không một thanh niên, trai làng nào dám hỏi chị về làm vợ. Dần dà, chị trở thành gái ế trong làng.

Năm 2006, chị Long được người quen mai mối cho một người đàn ông lớn hơn chị 20 tuổi, gia đình khá giả ở huyện bên. Sau buổi gặp mặt, người đàn ông gật đầu đồng ý, quyết định hỏi cưới chị. Người đàn ông này có vợ mất sau một cơn bạo bệnh, chịu cảnh đơn côi nuôi 4 đứa con. “Ngày đó, khi được ông ấy hỏi cưới, cả nhà tôi ai cũng vui và mừng cho tôi. Họ lo nếu bỏ lỡ “cơ hội”, tôi sẽ phải ở vậy suốt đời. Thôi thì lấy người ta để rồi còn có một gia đình. Vậy là tôi đồng ý về làm vợ của người đàn ông lớn tuổi mà đáng lẽ ra mình gọi bằng bố”, chị Long nhớ lại.

Hai người con lần lượt chào đời, tưởng với chị Long như thế là cũng đã ấm êm nhưng sự đời lắm chua cay khi đùng một cái, chồng chị lăn ra ốm. Bệnh tình của chồng chị Long ngày một nặng, tiền của trong nhà đội nón ra đi. Đầu năm 2011, chồng chị qua đời sau một thời gian chống chọi bệnh tật.

Ngày tiễn đưa người chồng xấu số về với đất cũng chính là ngày chị Long sắp xếp đồ đạc dắt hai đứa con thơ quay về nhà bố mẹ trong nỗi đau tủi nhục của người đàn bà mang tiếng “sát chồng”.

Ra chợ ăn xin

 Gạt những giọt nước mắt mà “đã lâu rồi tôi không khóc nổi nữa” chị bảo, cứ sống như thế này chứ chưa dám nghĩ đến tương lai phía trước.

Chị Long kể: “Sau khi chồng chết, chị dắt con trở lại quê nhà, nơi anh em trong gia đình chị đang sinh sống những mong sẽ được cưu mang. Thế nhưng, mẹ con chị không được chào đón vì chị là thân gái đã “xuất giá thì phải tòng phu”.

Để kiếm kế mưu sinh, chị Long cùng hai con dạt về sống tại chợ xã Nghĩa Bình. Hàng ngày, ba mẹ con dắt díu nhau đi xin ăn. Ngoài ra, chị còn nhận quét khu chợ với giá mỗi phiên 10.000 đồng. Hơn một năm nay, ba mẹ con chị vẫn sống lay lắt trong khu chợ đó, toàn bộ đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đều do những tiểu thương buôn bán ở chợ thương tình giúp.

Chị Đinh Thị Huế, trú tại xóm 3, xã Nghĩa Bình chia sẻ: “Nhìn cảnh sống của mẹ con chị Long thật thương hai đứa nhỏ. Đứa nào cũng gầy quắt, đứa đầu thì mù chữ, còn đứa em thì bị suy dinh dưỡng nặng. Những hôm trời nắng thì chỗ ở nóng bức đến cái quạt còn chẳng có, mưa thì nước tạt ướt”. Còn chị N.T.L, trú xóm 4 thì cho biết: “Tôi không nghĩ là còn có ai khổ hơn mẹ con chị ấy...”. Giờ đây, chị Long chỉ mong sao có một mái nhà để mẹ con chị có chỗ che nắng che mưa, để rồi chị có thể tự đi làm để kiếm tiền nuôi hai đứa con nhỏ.

Ông Nguyễn Thanh Bích, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho biết: “Việc mẹ con chị Long đưa nhau về sống tạm trong chợ thời gian qua là có thật, nhưng việc giúp đỡ thì chúng tôi cũng chưa thể làm được bởi anh em người nhà chị Long sinh sống trên địa bàn xã rất đông. Nhưng trong thời gian tới nếu chị Long có kiến nghị thì chúng tôi sẽ nhờ đến cộng đồng để cùng chung tay giúp mẹ con chị ấy”.

Rời khu chợ nơi mẹ con chị Long sống tạm khi mặt trời đã đỏ sau lũy tre, cái mùi oi nồng của rác khiến cho không khí càng thêm ngột ngạt. Hai đứa con của chị Long gầy gò, đen đúa đang đùa nhau nơi bóng cây đổ. Có lẽ chúng còn quá nhỏ để hiểu được những gì mà mẹ con chúng đang trải qua. Và không biết đến bao giờ bi kịch của cuộc đời của chị mới chấm dứt?

Theo Quang Khánh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot