Đồng phục học sinh, mỗi trường một giá

Ngày 21/08/2014 10:30 AM (GMT+7)

Một chủ cơ sở may mặc phân phối đồng phục cho nhiều trường trên địa bàn TP.HCM cho biết, khi đến chào hàng thường nêu rõ hoa hồng, chiết khấu... để đưa giá của sản phẩm.

Mỗi trường mỗi kiểu, mỗi giá

Đã từ lâu, các trường trên địa bàn TP.HCM đều có đồng phục riêng. Cứ vào đầu năm học, phụ huynh có hàng trăm thứ để sắm sửa cho con và đồng phục của trường cũng không thể thiếu. Điều đáng nói, theo khảo sát của chúng tôi, đồng phục các trường trên địa bàn có giá không giống nhau. Chẳng hạn, trường THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp) bán đồng phục với giá 260 nghìn đồng một bộ, trong đó, áo và quần đồng giá 130 nghìn đồng một cái. Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú) đồng phục nam giá 230 nghìn đồng một bộ và học sinh nữ giá 200 nghìn đồng một bộ. Trường THCS Bình Tân (quận Bình Tân) có giá mỗi bộ 220 nghìn đồng. Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú) giá mỗi bộ là 170 nghìn đồng.

Trao đổi với chúng tôi về điều này, một hiệu trưởng cho biết: “Đồng phục mỗi trường có một mức giá khác nhau là điều dễ hiểu, bởi kiểu dáng, chất liệu các trường không đồng nhất”. Trong khi đó, khi được hỏi, quản lý nhiều trường trên địa bàn cũng có cùng câu trả lời trên.

Một phụ huynh có con đang học tại trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú) cho biết: “Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ phải phàn nàn về việc đồng phục của học sinh. Theo tôi được biết, giá cả đồng phục của trường này rẻ hơn đối với các trường khác mà chất liệu, kiểu dáng cũng đẹp”.

Đồng phục học sinh, mỗi trường một giá - 1

Phụ huynh tại trường THCS Lê Anh Xuân cho rằng mức giá đống phục ở trường rẻ hơn so với các trường khác

Bên cạnh những phụ huynh cảm thấy hài lòng, không ít người khác lại tỏ ra khá mệt mỏi. Chị Trương Thị Hương có con đang học tại một trường cấp 2 trên địa bàn quận Bình Tân cho biết: “Giá đồng phục cao nhưng chất lượng thì quá tệ”. Để dẫn chứng cho lời nói của mình, chị chỉ ra: “Áo chỉ mới giặt lần đầu nhưng đã bị xơ, đường chỉ thì không đồng đều. Đặc biệt, gấu quần không được vắt sổ nên các đường chỉ của vải cứ bị sút chỉ”.

Trong khi đó, chị Trần Mai Ninh cũng có con đang theo học tại trường này cho biết: “Năm trước, đồng phục của trường không được tốt. Cuối năm, hội phụ huynh đã có ý kiến, nhà trường cần tìm nơi cung cấp áo quần đồng phục tốt. Thế nhưng, năm nay vẫn không khả quan hơn bao nhiêu. Các đường ráp của áo quần rất sơ sài, cẩu thả”. Im lặng một lúc, chị chia sẻ: “Mặc dù đồng phục không được đẹp nhưng không thể không mua. Bởi, màu của đồng phục lạ, lại có logo của trường”.

Đắt do hoa hồng?

Trong quá trình lấy thông tin để viết bài này, chúng tôi đã tìm đến khá nhiều nhà cung cấp đồng phục học sinh trên địa bàn. Chị T. chủ một cơ sở may tại quận Tân Bình cho biết: “Thật ra, giá cả may một bộ đồng phục không cao như các trường đã bán đâu”. Chị chia sẻ, mỗi chiếc áo hoặc một chiếc quần, chị may, phân phối cho các trường chỉ từ 60 đến 70 nghìn đồng. Tuy nhiên, khi các sản phẩm này đến tay các học sinh thì đã được đội giá cao hơn.

Trong khi đó, anh H., chủ một cơ sở may đồng phục học sinh trên địa bàn quận Bình Tân cho biết, mỗi sản phẩm bỏ chi phí ra chừng 60 nghìn đồng, nhưng khi giao cho nhà trường thì phải tùy thuộc “chiết khấu” cao hay thấp mà nâng giá. Anh cũng cho hay, mỗi khi đến chào hàng tại các trường đều phải đưa ra mức giá hoa hồng bao nhiêu.

Chị Ng. (vợ anh H.) cho biết thêm, bình thường, cơ sở này thường chi từ 2% đến 4% cho người đứng bán. Bên cạnh đó, cơ sở cũng phải chi một phần chiết khấu cho nhà trường. “Bên cạnh chất liệu, đó cũng là một phần để giá đồng phục học sinh mỗi trường mỗi khác”, chị Ng. chia sẻ.

Cô Phan Thị Mai Khanh (hiệu trưởng trường THCS Phú Định, quận 6) cho biết, khi đến chào hàng, các cơ sở may mặc thường đề nghị tiền hoa hồng cho nhà trường. Tuy nhiên, riêng trường THCS Phú Định, cơ sở may mặc là mối quen và nhà trường không nhận tiền hoa hồng. Nhà cung cấp chỉ trích 2.000 đồng một sản phẩm cho những người đứng bán.

Từ trước đến nay, phía nhà trường lẫn cơ sở may mặc này đều có một mặc định là nếu phía phụ huynh cảm thấy không đồng tình với sản phẩm thì phía cơ sở phải đổi. Thậm chí, khi học sinh đưa về nhà mà phát hiện ra lỗi thì vẫn có thể đổi. “Tiền hoa hồng là tiền của phụ huynh, nếu nhà trường lấy tiền hoa hồng thì chắc chắn giá đồng phục sẽ bị đẩy lên cao. Do đó, chúng tôi không lấy hoa hồng”, nữ hiệu trưởng chia sẻ.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Bích Hà (hiệu trưởng trường THCS Lê Anh Xuân) cho biết, từ trước đến nay, nhà trường luôn cố tìm những mối may đồng phục giá rẻ nhưng chất liệu vẫn tốt để đảm bảo. Bên cạnh đó, cứ vào mỗi đầu năm học, phía cơ sở may mặc sẽ đến tận trường, lấy số đo của từng học sinh. Cô Hà cũng khẳng định, trường này không nhận tiền hoa hồng của cơ sở cung cấp đồng phục. Tuy nhiên, phía nhà cung cấp có trích một số tiền nhỏ cho những người đứng bán gọi là tiền bồi dưỡng.

Nhật Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot