Cẩn thận trẻ bị chấn thương sọ não khi chơi trong nhà

Ngày 10/05/2016 09:01 AM (GMT+7)

Nhiều trẻ nhập viện điều trị do bị chấn thương đầu, nặng đến chấn thương sọ não do té ngã khi chơi trong nhà do bố mẹ không chú ý.

Tại bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, TP. HCM, hầu hết các trường hợp nhập viện điều trị chấn thương đầu là ở lứa trẻ đang chập chững biết đi. Chỉ trong 1 phút không chú ý là trẻ té ngã dẫn đến chấn thương.

Trường hợp gần đây nhất tại bệnh viện Nhi đồng 1, bé T.T.L, (4 tuổi, ngụ tại TP. HCM) nhập viện do bé chạy chơi té cầu thang đập đầu xuống sàn nhà. Sau đó bé L. có biểu hiện méo miệng, co giật toàn thân thì gia đình cho nhập viện cấp cứu. Kết quả chụp CT Scanner thì bé bị nứt sọ, máu tụ.

Trường hợp thứ hai là bé N.T.T.N (2 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu cũng do té từ trên ghế xuống sàn nhà. Theo gia đình kể, bé N. dùng gậy gỗ vui chơi khi đứng trên ghế lúc không có ai trông nên đã té xuống sàn nhà khiến một bên đầu sưng vù, tai bầm tím. Gia đình sau đó đã xoa dầu, thấy vết sưng và bầm có dấu hiệu tan, bé lại ăn uống được bình thường nên nghĩ không sao.

Đến sáng ngày hôm sau, bé ngủ lay người không dậy, mê man, nóng sốt, thở yếu ớt, mắt lờ đờ nên chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu. Qua khám và chụp CT Scanner xác định bé bị chấn thương sọ não, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy máu tụ.

Đó là hai trong nhiều trường hợp bé nhập viện cấp cứu khi cho vui chơi, chỉ trong 1 phút không chú ý của cha mẹ và người thân là bé té ngã dẫn đến chấn thương.

Cẩn thận trẻ bị chấn thương sọ não khi chơi trong nhà - 1

Trường hợp trẻ chơi tại nhà hay dùng các thiết bị điện tử mà phụ huynh không chú ý cũng dễ té ngã chấn thương đầu - Ảnh: V.Luận

Ngoài ra, khi cha mẹ không trông bé đúng cách khiến bé té ngã từ xe đẩy, trên võng, trên giường. Bé chạy nhảy ở những nơi trơn trượt như nhà tắm, sàn nhà mới lau... cũng khiến bị chấn thương nặng.

Để phòng ngừa cho các bé, điều dưỡng Ngọc Lan – bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, phụ huynh hãy trông coi các bé cẩn thận, nhất là các bé nhỏ vì bé rất hiếu động, dễ té ngã. Đối với trẻ lớn, chúng ta phải hướng dẫn trẻ đi đứng cẩn thận.

Nếu chẳng may bé bị té ngã, chúng ta không nên la mắng vì sẽ làm bé cảm thấy sợ hãi hơn. Nên đưa bé đến các cơ sở y tế để kịp thời khám và chữa trị nếu té ngã.

Nếu bé được điều trị tại nhà thì cần theo dõi các dấu hiệu sau, đối với bé dưới 1 tuổi: Bé ngủ li bì khó đánh thức; Bé khóc dỗ không nín; Ói liên tục dù không ăn uống gì; Co giật; Ăn ít hơn phân nửa thường ngày; Bỏ ăn hoặc bỏ bú.

Đối với bé lớn hơn 1 tuổi:  Lơ mơ, ngủ khó đánh thức; Co giật; Đau đầu nhiều, dùng thuốc giảm đau không giảm; Ói nhiều; Thay đổi trong dáng đi, đứng; Mắt mờ; Nói lắp.

Nếu bé ngủ hơn 2 giờ thì nên đánh thức để kiểm tra các dấu hiệu trên, đồng thời đưa đến bệnh viện để khám và điều trị trở lại.

Văn Luận
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tai nạn trẻ em