Cảnh báo chất tạo nạc gây ung thư mua dễ... như rau?

Ngày 30/10/2015 20:58 PM (GMT+7)

Hoạt chất Salbutamol được dùng trong ngành y để chữa hen phế quản cho người. Tuy nhiên, thời gian gần đây các cơ quan chức năng phát hiện Salbutamol được người chăn nuôi trộn vào thức ăn để tạo nạc...

Thời gian gần đây các cơ quan chức năng phát hiện Salbutamol được người chăn nuôi trộn vào thức ăn để tạo nạc, “vỗ mông”, “nở đùi”,... người tiêu dùng ăn phải thịt này nguy cơ bị ung thư, biến chứng khôn lường.

Điều đáng nói, chất Salbutamol mới được bộ Y tế cho phép nhập với lượng “khủng” 68 tấn, trong khi vấn đề quản lý chất này gần như bị buông lỏng, mua ở đâu cũng có, không giới hạn số lượng. PV đã tìm hiểu và phát hiện, mua Salbutamol dễ như mua rau ngoài chợ!

Cần là có

Thời gian gần đây, người tiêu dùng vô cùng lo lắng trước thông tin các cơ quan chức năng công bố, nhiều mẫu thịt trên cả nước phát hiện có chất tạo nạc do người chăn nuôi sử dụng hoạt chất kháng sinh Salbutamol.

Chất này đã bị bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bộ NN&PTNN) cấm từ năm 2002 sử dụng trong chăn nuôi bởi mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe người tiêu dùng. Theo đó, Salbutamol tác động vào hệ cơ, hệ mạch, gây run cơ, co cơ, suy tim, suy hóa hô hấp, phù phổi và có thể khiến phụ nữ bị sảy thai. Những người có tiền sử về bệnh tim mạch, nếu sử dụng nhiều thực phẩm có chứa chất tạo nạc, có khả năng tử vong.

Cảnh báo chất tạo nạc gây ung thư mua dễ... như rau? - 1

Người tiêu dùng rất khó phát hiện thịt có chứa chất tạo nạc.

Để tìm hiểu thực hư tin tức về chất Salbutamol được quản lý như thế nào, PV đã tìm mua tại nhiều hiệu thuốc, chợ thuốc lớn nhất miền Bắc Hapulico. Điều bất ngờ, việc mua hoạt chất kháng sinh Salbutamol dễ như mua rau ngoài chợ, không giới hạn về số lượng và không cần phải theo đơn của bác sỹ.

PV hỏi mua Salbutamol một quầy thuốc tại chợ thuốc Hapulico, chị Hậu nhân viên công ty dược phẩm A.P. đon đả cho biết, Salbutamol có hai loại (loại 2 và 4) và có hai dạng đóng gói là vỉ và lọ. Chất lượng Salbutamol phụ thuộc vào giá. Như dạng lọ 500 viên có giá 45 ngàn đồng/lọ và 39 ngàn đồng. Còn dạng vỉ một hộp có 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên có giá 14 và 18 ngàn đồng/hộp.

Nguy cơ ung thư cho con người

Trao đổi với PV sáng 22/10, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, bộ NN&PTNN cho biết: “Thông tin chúng tôi nhận được từ cục Cảnh sát môi trường, bộ Y tế cho nhập 68 tấn chất Salbutamol về để sản xuất dược phẩm chữa bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, chỉ sử dụng trong việc sản xuất thuốc chữa bệnh cho người, thì 68 tấn là nhiều. Với cách quản lý Salbutamol mua tại bất cứ hiệu thuốc nào, bất cứ số lượng nào cũng có thì việc chất này bị tuồn ra thị trường là hoàn toàn có thể”.

Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp cho biết thêm, riêng 9 tháng đầu năm, số liệu giám sát an toàn thực phẩm nông thủy sản cho thấy có tới 16% mẫu thịt phát hiện có chất tạo nạc. 10,3% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép. Nếu như trước đây, để nhận biết một con lợn bị tiêm chất tạo nạc, người tiêu dùng thường chú ý đến những đặc điểm như vai to, hông nở. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những người chăn nuôi đã dùng nhiều chiêu thức tinh vi hơn để qua mắt người tiêu dùng. Bởi vậy, người dân rất khó biết được thịt nào được tiêm chất tạo nạc và chỉ biết được thông qua thử nghiệm, phân tích trong phòng thí nghiệm.

Trước “cáo buộc” của bộ NN&PTNN, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Sabutamol là kháng sinh được sử dụng để chữa hen phế quản cho người, không thể thiếu trong ngành y tế. Bộ Y tế sẽ kiểm tra nếu trên thị trường có nguyên liệu “xách tay” hoặc hàng buôn lậu, sẽ xử lý nghiêm”.

Trong khi đó, ông Hà Hào Hiệp, nguyên Phó Chánh thanh tra bộ Y tế cho rằng: “Chưa thể kết luận 68 tấn chất Salbutamol là nhiều hay ít, nhưng ngành y tế cho nhập thì phải giải trình được dùng vào việc gì và phân phối ra sao. Dư luận nghi ngờ hoạt chất này được dùng trong chăn nuôi là có căn cứ. Thực tế, Salbutamol không chỉ được nhập khẩu chính ngạch, mà còn được nhập lậu từ Trung Quốc về. Nguy hiểm hơn, Salbutamol được người chăn nuôi trộn vào thức ăn để tạo nạc, người tiêu dùng ăn phải thịt lợn này có nguy cơ bị ung thư rất cao, cũng như biến chứng khôn lường”.

Theo Vũ Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot