Cảnh báo trẻ bị vi rút sởi tấn công thẳng vào phổi

Ngày 03/03/2014 14:35 PM (GMT+7)

Các bác sĩ khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết đã tiếp nhận 2 ca sởi trẻ em có biến chứng đặc biệt, vi rút sởi tấn công thẳng vào phổi, trong đó có 1 trẻ tử vong, 1 trẻ may mắn thoát chết.

Trẻ may mắn thoát chết sau khi vi rút sởi tấn công thẳng vào phổi

Bệnh nhi may mắn được cứu sống là bé B.K.Ch, mới 10 tháng tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo lời kể của người nhà, ban đầu bé có dấu hiệu ho, sốt, sau đó có nổi ban. Tuy nhiên, tại thời điểm đó bé đang mọc răng nên người nhà nghĩ rằng bé bị sốt phát ban do mọc răng. Sau 2 hôm thấy bệnh tình của bé nặng hơn gia đình đưa vào khám tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai hôm 16/2.

Sau khi thăm khám các bác sĩ chẩn đoán bé bị mắc sởi nên đã chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tuy nhiên, ngay chiều hôm đó tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhiệt đới, kết quả chụp phổi cho thấy phổi trẻ bị tổn thương trắng xóa, bệnh nhi tức tốc được chuyển ngược lại điều trị tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai trong tình trạng suy hô hấp rất nặng.

Cảnh báo trẻ bị vi rút sởi tấn công thẳng vào phổi - 1

Bé 10 tháng tuổi may mắn thoát chết sau khi bị vi rút sởi tấn công thẳng vào phổi

Dù đã được điều trị tích cực, cho thở máy oxy nhưng tình trạng suy hô  hấp của bệnh nhi vẫn tiến triển ngày càng nặng.

“Đây là trường hợp vi rút gây viêm sởi đã tấn công thẳng vào phổi sau khi phát bệnh chỉ có 2 ngày nên các bộ phận khác của não, tim cũng có thể bị vi rút tấn công ngay mà không cần đợi đến biến chứng do vi khuẩn sau mắc sởi như các ca thông thường khác. Do đó, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân chúng tôi đã hết sức lưu ý, theo dõi chặt chẽ để có phác đồ điều trị tích cực. Hàng ngày, cháu bé đều được siêu âm, đo chức năng tim, chỉ định sử dụng thuốc trợ tim cũng phải linh động, hài hòa liên tục bởi nhiều hoặc ít đều không được”, PGS.TS Dũng chia sẻ.

Sau 5 ngày thở máy liên tục, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi được cải thiện rõ rệt. 7 ngày bệnh nhân cai được máy thở. Rất may kết quả kiểm tra chức năng gan, tim của bệnh nhi không bị vi rút sởi tấn công.

Trước đó, vào ngày 15.2, khoa Nhi, BV Bạch Mai đã ghi nhận một bệnh nhi 12 tháng tuổi tử vong vì sởi. Đây cũng là ca bệnh vi rút sởi tấn công trực tiếp vào phổi.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt, có phát ban, viêm long đường hô hấp và có dấu hiệu bị viêm phổi. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ nhập viện, biến chứng viêm phổi trở nặng nhanh, phổi trắng xóa, tim to, gan to.. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhi không đáp ứng với thở máy và tử vong ngày 15/2. 

Sau hơn 2 tuần điều trị, đến nay, bệnh nhân đã khỏi sởi, các ban bay hết, cháu bé tỉnh táo, khóc to, ăn uống tốt và phổi hoạt động tốt trở lại.

70% bệnh nhân sởi nặng là trẻ dưới 1 tuổi

PGS.TS Dũng cảnh báo, đây là mùa dịch đầu tiên ghi nhận trường hợp trẻ bị vi rút sởi tấn công trực tiếp vào phổi. Khác với các ca mắc sởi gây bội nhiễm viêm phổi thông thường, các trường hợp bị vi rút sởi tấn công trực tiếp vào phổi diễn biến bệnh rất nhanh, bệnh nhi có thể trở nặng, nguy kịch đến tính mạng ngay khi bắt đầu xuất hiện các ban trên người. Mặt khác, vi rút tấn công vào phổi cũng gây suy hô hấp nặng hơn.

“Trước đây, với những trường hợp mắc sởi thông thường có biến chứng nhiễm khuẩn bác sĩ sẽ dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, với các ca bệnh vi rút tấn công thẳng vào phổi, không thể dùng thuốc, vì không có thuốc kháng sinh nào tiêu diệt được vi rút, chỉ có thể điều trị triệu chứng. Do đó, với trường hợp này bệnh nhi phải được hỗ trợ điều trị thật tốt, theo dõi chặt chẽ, chỉ định phác đồ cần linh hoạt nếu không bệnh nhi rất dễ suy hô hấp nặng dẫn tới tử vong nhanh”, PGS.TS Dũng nói.

Bác sĩ Vũ Hữu Thời, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết thêm điểm bất thường của mùa dịch sởi năm nay là ghi nhận quá nhiều trẻ dưới 1 tuổi, thậm chí trẻ 3-7 tháng tuổi. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, khoa Nhi đã phải cho nhập viện 30 trường hợp trẻ mắc sởi nặng có biến chứng viêm phổi, trong đó chiếm 70% là trẻ dưới 1 tuổi. Điều đáng buồn là đa số các trẻ mắc sởi dưới 1 tuổi là những trẻ không được cha mẹ cho đi tiêm vắc xin phòng sởi.

Cảnh báo trẻ bị vi rút sởi tấn công thẳng vào phổi - 2

Các chuyên gia dự đoán dịch sởi vẫn tiếp diễn phức tạp

“Trước diễn biến bất thường của dịch sởi năm nay chúng tôi đặt ra câu hỏi tại sao lại có nhiều trường hợp mắc sởi có biến chứng nặng như thế, khác hẳn những năm trước. Chúng tôi đã quyết định những trẻ phải nhập viện ngoài xét nghiệm sởi sẽ cho các cháu làm thêm các xét nghiệm đánh giá tất cả hệ thống miễn dịch, tế bào để tìm có mối liên quan giữa giảm miễn dịch ngay trực tiếp với diễn biến nặng của sởi hay không? Hiện đã làm được gần 10 trường hợp, chúng tôi sẽ làm thêm và sẽ có đánh giá trong thời gian sớm nhất”, PGS.TS Dũng chia sẻ.

Theo các bác sĩ cảnh báo, với tình trạng thời tiết mưa và độ ẩm cao như hiện nay dịch sởi sẽ còn diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ca mắc. Đặc biệt, trong tháng 3-4 là thời điểm các bệnh viện phải quá tải bệnh nhi mắc các bệnh về viêm đường hô hấp. Nếu phòng bệnh không tốt, thời gian tới, trẻ vừa có nguy cơ mắc sởi vừa có nguy cơ nhiễm các bệnh về hô hấp dẫn nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Do đó, bác sĩ khuyến các các bậc cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm phòng vắc xin sởi đầy đủ, có thể tiêm cho trẻ mũi phòng sởi hoặc vắc xin 3 trong 1 phòng 3 bệnh sởi, quai bị, rubella.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, với trường hợp trẻ bị vi rút sởi tấn công trực tiếp vào phổi diễn biến bệnh vô cùng nhanh, cha mẹ cần phải theo dõi trẻ chặt chẽ. Do đó, với trẻ dù mới xuất hiện vài ban sởi nhưng có các dấu hiệu như khó thở, sốt cao, nhịp thở nhanh hơn bình thường, trẻ mệt, li bì hơn … cha mẹ cần cho trẻ quay trở lại viện ngay, dù có thể vừa mới khám ở viện về nhà mấy tiếng.

Các bác sĩ tại khoa Nhi cho biết hiện tại dịch sởi vẫn tiếp tục lây lan mạnh, đã ghi nhận trường hợp 1 gia đình có 3 mẹ con đều phải nhập viện vì mắc sởi. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo mạnh mẽ, để phòng sởi tốt nhất cha mẹ hãy cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, hạn chế đến chỗ đông người.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch sởi bùng phát