Cảnh báo: Vô sinh vì kinh nguyệt không đều

Ngày 16/01/2013 16:25 PM (GMT+7)

Theo số liệu nghiên cứu điều tra tại Việt Nam, phụ nữ có vòng kinh không đều có tỷ lệ vô sinh cao gấp 1,2-1,3 lần.

Chị em vòng kinh không đều nguy cơ vô sinh cao gấp 1,3 lần

Ngày từ hồi dậy thì chu kỳ kinh nguyệt của Nhung (Hà Nội) đã không ổn định, thường phải 2-3 tháng có kinh một lần. Có đợt chu kỳ kinh của Nhung kéo dài tới hơn 5 tháng mới có lại. Ngày sinh viên, thấy chúng bạn khổ sở vì tới “tháng” với đủ các mệt mỏi, đau bụng Nhung thấy mình thật “may mắn” khi có ít. Lúc đó, Nhung nghĩ đơn giản chu kỳ kinh của mình kéo dài ngày, chứ không biết đây là dấu hiệu bất thường của cơ thể.

Đến khi lấy chồng chu kỳ kinh không thay đổi Nhung cũng chẳng thấy sốt ruột vì cho rằng điều đó hoàn toàn bình thường. Nhưng lấy chồng đã gần 2 năm vợ chồng Nhung vẫn chưa có em bé. Đi khám phụ khoa bác sĩ bảo Nhung hoàn toàn bình thường, không bị viêm nhiễm, siêu âm vòi trứng cũng bình thường. Mẹ chồng Nhung còn cắt cả thuốc bắc về tẩm bổ cho con dâu nhưng đợi mãi vẫn không có tin vui. Lần này, Nhung mới tìm đến bác sĩ tư vấn về hiếm muộn. Cô ngỡ ngàng khi bác sĩ bảo chu kỳ kinh thất thường là thủ phạm khiến khả năng sinh sản của cô bị hạn chế, dẫn tới khó có con.

Cùng hoàn cảnh hiếm muộn, Lê (Hải Phòng) lấy chồng được 3 năm cũng chưa có con. Không được nhà chồng cảm thông, nhiều lần Lê phải khóc thầm vì nghe những tiếng chì chiết là “cau điếc, cau đực” từ mẹ chồng. Mất bao nhiêu tiền cắt thuốc bắc về uống, Lê còn cất công lên mạng tra các món ăn dễ thụ thai về áp dụng mà tui vui mãi chẳng đến. Kết quả siêu âm vòi trứng và tinh dịch đồ của hai vợ chồng hoàn toàn bình thường.

Lần này, Lê cùng chồng đi lên Hà Nội khám hiếm muộn. Khi vị bác sĩ hỏi đến ngày kinh cuối cùng của kỳ kinh cuối, Lê không nhớ nổi vì chu kỳ của cô rất thất thường. Khi hỏi kỹ hơn, vị bác sĩ đã phải thốt lên: kinh nguyệt thất thường thế, không điều trị thì làm sao có con được thì Lê mới tá hỏa.

Đúng là, chu kỳ kinh của Lê lại nhảy múa tùm lum từ hồi con gái, chẳng theo một quy luật nào cả. Có đợt chỉ 20 ngày Lê đã “bị” lại nhưng có đợt lại kéo dài tới hơn 60 ngày. Những ngày đèn đỏ cũng thất thường, có tháng 2-3 ngày là sạch, có tháng lại kéo dài tới 10 ngày. Hỏi han bạn bè và đồng nghiệp ở cơ quan nghe mọi người phán “lấy chồng là đều ngay” nên Lê chẳng đi khám. Nhưng lấy chồng được 3 năm rồi mà chu kỳ kinh nguyệt của Lê vẫn như thời con gái. Cô đi mua một số loại thuốc điều hòa kinh nguyệt về uống mà tình hình không cải thiện hơn. 

Với mấy chục năm kinh nghiệm làm trong ngành sản phụ khoa, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà cho biết, rất nhiều chị em không biết chu kỳ kinh nguyệt có ảnh hưởng đến khả năng có con như trường hợp của Nhung và Lê. Chính vì lầm tưởng này, mà nhiều chị em không điều trị bệnh lý kinh nguyệt thất thường, hoặc nếu có thì chỉ dùng các thuốc điều hòa kinh nguyệt tự mua ở hiệu thuốc chứ không đi khám. Họ chỉ được điều trị khi đi khám hiếm muộn, bác sĩ hỏi đến chu kỳ kinh nguyệt.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây trên 1.000 phụ nữ châu Á có đến một nửa số người được hỏi lầm tưởng rằng một phụ nữ chưa bao giờ có kinh nguyệt vẫn có khả năng sinh sản. Tại Việt Nam, số chị em lầm tưởng chuyện này còn chiếm tỷ lệ cao hơn, tới 60%.

Nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện trên quy mô cộng đồng về tình trạng vô sinh của các cặp vợ chồng gần đây cũng cho thấy, phụ nữ có vòng kinh không đều có tỷ lệ vô sinh cao gấp 1,2-1,3 lần so với những người có vòng kinh đều.

Cảnh báo: Vô sinh vì kinh nguyệt không đều - 1

Nhiều chị em không biết kinh nguyệt không đều gây vô sinh (Ảnh minh họa)

Càng điều trị muộn càng khó có con 

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho biết, nhiều chị em chậm có con chỉ chăm chăm nghĩ đến việc siêu âm vòi trứng xem có tắc không hoặc khám phụ khoa xem có viêm nhiễm mà quên mất một dấu hiệu cũng khá quan trọng đến khả năng sinh sản là chu kỳ kinh nguyệt.
Ở phụ nữ bình thường, chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, chênh lệch 1-5 ngày vẫn được coi là bình thường. Mỗi kỳ kinh ra máu kéo dài 3-4 ngày, lượng máu hành kinh trong một chu kỳ thông thường là 50-80ml.

Khi chu kỳ trên bị phá vỡ, không theo một quy luật nhất định thì được coi là kinh nguyệt thất thường hay rối loạn kinh nguyệt. Rối loạn này tưởng đơn giản nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến khả năng có con ở phụ nữ.

Theo bác sĩ Dung, có rất nhiều nguyên nhân khiến chị em bị rối loạn kinh nguyệt như mắc các bệnh lý vùng tuyến yên, buồng trứng, tử cung, tuyến thượng thận, tuyến giáp, tim mạch, đái tháo đường, bệnh tâm thần… Ngoài ra, cơ thể mất cân đối về dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu nhóm vitamin có liên quan đến hoạt động nội tiết sinh dục như vitamin C, E, A … gặp stress trong cuộc sống cũng dễ khiến chị em bị rối loạn kinh nguyệt. “Tuy nhiên, cũng có trường hợp không xác định được nguyên nhân gây tình trạng rối loạn vòng kinh ở chị em. Với trường hợp này việc điều trị gặp nhiều khó khăn nên khả năng thụ thai cũng khó hơn”, BS Dung cho biết.

Bác sĩ khuyến cáo, chị em không nên chủ quan khi vòng kinh của mình không đều. Nên theo dõi chính xác chu kỳ kinh nguyệt của mình nếu thấy có bất thường thì nên khám sớm, nếu để lâu càng khó có khả năng thụ thai. Nguy hiểm hơn, nếu rối loạn kinh nguyệt do các bệnh lý có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Với chị em còn trẻ, mới có kinh, chu kỳ kinh nguyệt thường không ổn định, vòng kinh có thể dài, ngắn tùy từng tháng thì không cần lo lắng quá, vì đây không phải dấu hiệu bất thường của vòng kinh. Tuy nhiên, sau một năm chu kỳ kinh nguyệt nếu chưa đều và ổn định thì chị em cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm, không nên đợi lấy chồng xong mới đi khám.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh nguyệt không đều