Cha nạn nhân xóa bỏ hận thù khi biết Nghĩa đã đền tội

Ngày 11/08/2014 00:06 AM (GMT+7)

Ông Nguyễn Văn Ba (cha nạn nhân) không bình luận nhiều. Ông cho biết đã chấp nhận tha thứ, xóa hết hận thù và mong Nghĩa an nghỉ.

Thời gian trôi qua không làm phai dấu tội ác kinh hoàng mà Nguyễn Đức Nghĩa, hung thủ sát hại rồi chặt xác phi tang người yêu một thời chấn động, gây ra. Những ngày qua, dư luận lại xôn xao khi Nghĩa chính thức đền tội bằng tiêm thuốc độc. Ít người biết trong khoảng thời gian cuối cùng trước khi bị tiêm thuốc độc, Nghĩa đã có hàng loạt biểu hiện tâm lý bất thường.

Cha nạn nhân xóa bỏ hận thù khi biết Nghĩa đã đền tội - 1

Nguyễn Đức Nghĩa đã phải đền tội.

Nhiều luồng dư luận bày tỏ nghi ngờ Nghĩa đã biết trước ngày đền tội nhờ gia đình “mật báo”. Nhưng cũng có nhiều giả thiết khác cho rằng, khi cận kề cái chết, hung thủ đã dự cảm được thời khắc mình vĩnh viễn ra đi. Đáp lại những giả thiết này, ông Nguyễn Văn Ba (cha nạn nhân) không bình luận nhiều. Ông cho biết đã chấp nhận tha thứ, xóa hết hận thù và mong Nghĩa an nghỉ.

Diễn biến tâm lý lạ thường

Cha nạn nhân xóa bỏ hận thù khi biết Nghĩa đã đền tội - 2

Ngôi nhà của Nghĩa tại Hải Phòng từ lâu cửa đóng then cài

Cái tên Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, Hải Phòng) lâu nay không còn xa lạ đối với dư luận. 4 năm về trước, Nghĩa từng gây ra vụ án kinh hoàng, do mâu thuẫn yêu đương đã nhẫn tâm ra tay giết người yêu cũ, sau đó chặt xác phi tang đáng lạc hướng cơ quan điều tra. Chính những thủ đoạn gây án tinh vi, đã có lúc cơ quan điều tra bế tắc trong việc tìm hung thủ. Nhưng “lưới trời lồng lộng”, Nghĩa vẫn phải quy án để chịu sự phán xét của pháp luật. Dư luận bàng hoàng khi cơ quan công an dựng lại hành trình gây tội ác của Nghĩa. Người ta không thể tin nó được thực hiện bởi một kẻ sinh ra trong gia đình có căn bản, được tạo điều kiện ăn học đàng hoàng.

Thời gian Nghĩa phải thụ án, cả gia đình hắn và gia đình nạn nhân đã phải chịu biết bao biến cố. Trong khi cha bị tai nạn giao thông qua đời thì mẹ Nghĩa cũng phải bỏ nhà (ở Hải Phòng) lên Hà Nội sống cùng con gái. Một phần, bà muốn có điều kiện thăm nuôi đứa con trai tội lỗi. Phần khác, bà không chịu nổi tiếng đời dị nghị. Những người hàng xóm sống cạnh gia đình Nghĩa từng kể: Sau khi dự phiên tòa xử con trai và sụp xuống xin gia đình nạn nhân tha thứ, bà Chuân đã ốm liệt giường hơn một tuần. Đến khi biết Nghĩa lĩnh án tử và bị Chủ tịch nước bác đơn ân xá, bà lại quỵ xuống lần thứ hai. Khi gượng dậy được, bà cố giữ chút sức tàn, thứ sáu hàng tuần vào thăm nuôi Nghĩa.

Có lẽ, chính sự quan tâm của mẹ đã giúp Nghĩa ăn năn. Thời gian chờ thi hành án tử, Nghĩa đã dằn vặt rất nhiều. Một cán bộ quản giáo cho biết: “Mỗi lần mẹ vào thăm, Nghĩa lại khóc”. Sợ Nghĩa làm điều dại dột, đồng chí cán bộ trại giam đã phải động viên, giúp hắn bình tĩnh trở lại. Chuyện Nghĩa bị Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá, các đồng chí giám thị cũng không cho hắn biết. Nhưng khoảng thời gian ngắn trước khi chấp hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc (ngày 22/7), Nghĩa lại có những biểu hiện tâm lý khá lạ. Từ đó, hai giả thiết khác nhau đã được đặt ra. Một cho rằng hắn được người nhà “mật báo” thời điểm thi hành án trong lần cuối cùng vào thăm trước đó vài ngày.

Sau những ngày sám hối thì Nghĩa quay lại thái độ trịnh thượng, đó là lời kể của cán bộ quản giáo Lê Trung Hà, người trông coi phòng giam của Nguyễn Đức Nghĩa. Cán bộ này cho biết, ngay từ những ngày đầu Nghĩa bị bắt giam, anh là người được cấp trên giao trông coi tên tội phạm nguy hiểm này cho đến thời điểm thi hành án. Anh bảo, ngày nào cũng vào trò chuyện với Nghĩa nên rất hiểu về tính tình và con người Nghĩa. Cán bộ này kể, khi vào phòng giam, anh không nhắc gì đến chuyện Nghĩa gây án mà chỉ động viên, nói chuyện để Nghĩa nhận ra ý nghĩa cuộc sống. Có lần anh nói rằng: “Sự việc xảy ra như thế rồi, em cố gắng nghỉ ngơi và hợp tác với cán bộ điều tra, nếu may mắn sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”. Vừa nghe câu nói của vị cán bộ quản giáo, Nghĩa khóc òa như một đứa trẻ. Vừa khóc, Nghĩa vừa mếu máo nói rằng, thương bố mẹ đã cho mình ăn học, giờ gây ra tội lỗi thế này thật không biết phải làm sao.

Cũng theo cán bộ quản giáo này, nhiều lần trong buồng giam, Nghĩa tỏ rõ ý định không muốn sống. Mỗi lần như vậy, anh đều vào nói chuyện, động viên đồng thời tăng cường kiểm tra để phòng trường hợp Nghĩa tự tử. Để tránh những trường hợp Nghĩa tìm đến cái chết trước ngày thi hành án, cán bộ trại buộc phải cùm chân. Đến giờ quy định, Nghĩa được cán bộ trại đưa đi lao động, vệ sinh cá nhân. Đến bữa, cán bộ trại lại hối thúc để tử tù này không bỏ bữa gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Trong những lần người thân Nghĩa vào thăm, cán bộ trại đều tạo điều kiện để Nghĩa được gặp mặt chuyện trò. Nhưng quy trình áp giải tử tù này khá nghiêm ngặt. Hắn luôn có 4 cảnh sát bảo vệ theo sát. Hai người kẹp tay, một người đi trước, người còn lại chặn sau đề phòng Nghĩa làm liều. Thời gian trò chuyện bằng điện thoại cố định với người thân qua phòng kính luôn được cảnh sát kiểm soát. Hỏi về đồ ăn ưa thích của Nguyễn Đức Nghĩa trong những tháng ngày cuối đời, cán bộ quản giáo bảo anh ta thích thú mỗi khi ăn chân gà luộc. Quản giáo trại tạm giam kể, mẹ và chị gái Nguyễn Đức Nghĩa vào thăm, ký gửi quà, tiền để mua thêm đồ ăn cho tử tù này khá đều đặn.

Các buổi chiều, Nghĩa được quản giáo phát giấy bút để tự lên thực đơn bữa ăn ngày hôm sau, từ chính số tiền gia đình phạm nhân này gửi lại. Danh sách đồ ăn tử tù chọn sẽ được quản giáo tập hợp chuyển tới bộ phận bếp để phục vụ, kèm với đồ ăn của trại. Những lần ấy, tinh thần tử tù này khá hơn nhiều, nhưng chỉ được thời gian ngắn thì lại suy sụp. Không giống như các tử tù “có gan làm gan chịu”, đối với Nghĩa, cái chết dường như là nỗi ám ảnh cùng cực. Hắn có nỗi sợ của một kẻ không quen làm điều ác. Thực tế cho thấy, trước khi gây án, Nghĩa có một xuất thân tốt. Rồi khi rơi vào khủng hoảng, có lúc Nghĩa cáu bẳn, đánh các phạm nhân khác. Tử tù này có thái độ trịch thượng của một kẻ tự cho mình là người được ăn học. Theo vị cán bộ này, chỉ trong thời gian cuối cùng trước khi bị thi hành án tử, Nghĩa mới thể hiện tâm lý bất thường.

Ẩn tình sau di bút cuối cùng

Cha nạn nhân xóa bỏ hận thù khi biết Nghĩa đã đền tội - 3

Mẹ Nguyễn Đức Nghĩa khóc ngất khi con ra đi.

Những tiết lộ của cán bộ thi hành án cho thấy, những phút giây cuối cùng của cuộc đời, tử tù Nguyễn Đức Nghĩa lúc khóc, lúc cười. Tuy nhiên hắn không giống như những tử tù khác, vốn thường nói rất nhiều về quá khứ tội lỗi, sự sám hối, nhắn nhủ người ở lại. Mỗi tử tù được phát 8 trang giấy như quy định, nhưng Nghĩa chỉ gói gọn những suy nghĩ trong 3 dòng di bút ngắn ngủi. Nghĩa viết những dòng chữ khá vụng về: “Mẹ, anh chị và các con thân yêu. Vậy là sau hơn 4 năm dài chờ đợi, cuối cùng cũng đến ngày con được trở về bên gia đình. Mọi người hãy mừng cho con nhé. Yêu mẹ, anh, các chị và các con vô cùng”. Chốt thư: “Con của mẹ - Nguyễn Đức Nghĩa”. Người ta bảo rằng, sự nói ít luôn là biểu hiện của một người có nhu cầu nói, thậm chí nói nhiều là đằng khác. Nghĩa rất cô đơn?

Trở lại những lời kể của cán bộ quản giáo, những ngày cuối cuộc đời, mặc dù không được thông báo thời gian thi hành án, nhưng dường như Nghĩa đã dự cảm được sự kết thúc của cuộc đời. Một lần nữa, diễn biến tâm lý Nghĩa phức tạp, tử tù này hoảng loạn. Buồng giam tử tù thường có 2 giường (2 bệ gạch xây cao làm chỗ ngủ), cách nhau 80 cm. Bị cùm một chân nhưng Nghĩa vẫn xoay người để đánh bạn tù nằm giường bên cạnh, bóp cổ khiến anh này la hét mặc dù không có xích mích gì. Hoặc Nghĩa trở chứng bỏ ăn hay liên tục đập đầu vào tường, song sắt nhà giam. Sợ Nghĩa tự gây sát thương, cán bộ quản giáo buộc phải chuyển tử tù này tới một buồng giam đặc biệt. Phòng giam tứ bề được che kín bằng xốp và chăn bông để ngăn phạm nhân không làm liều.

Chiều 22/7, quyết định thi hành án bằng tiêm thuốc độc đối với Nghĩa được tiến hành, công tác tư tưởng được các cán bộ làm trước đó. Trước khi vào phòng tiêm thuốc độc, các cán bộ kiểm tra các chỉ số sức khỏe, nhịp tim anh ta tăng lên hơn 100 lần/phút nên các cán bộ thi hành án phải làm công tác tư tưởng. Sau đó, đón nhận cái chết tất yếu cận kề, trên khuôn mặt tử tù người ta thấy khẽ nở nụ cười. Nghĩa hợp tác với cán bộ công an làm thủ tục lấy vân tay để có căn cứ xác định, phạm nhân thi hành án đúng là bị cáo trong bản án đã được tòa tuyên. Sau khi lấy vân tay, Nghĩa dùng khăn lau vết mực rồi được áp tải vào khu vực thi hành án. Xem ra hắn sẵn sàng đón nhận cái chết như một sự tất yếu.

Lời tự bạch của người cha đau khổ

Cha nạn nhân xóa bỏ hận thù khi biết Nghĩa đã đền tội - 4

Ông Nguyễn Văn Ba thắp nén nhang mong con gái yên nghỉ

Sáng 23/7, xe chở thi thể của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa rời Trại tạm giam số 1 đến Nhà tang lễ Bệnh viện 19/8 (bộ Công an). Tại đây, mẹ tử tù Nguyễn Đức Nghĩa cùng một số người thân đã làm các thủ tục, tiếp nhận thi thể con và đưa đi hỏa táng, sau đó mới lên đường về quê. Cuộc đời của một kẻ được ăn học đầy đủ, lỡ gây tội ác tày trời cuối cùng đã đền tội. Một người thân trong gia đình Nghĩa chia sẻ: “Đau đớn nhất không phải là cái chết mà là nỗi thống khổ của người đang sống khi chị Chuân vẫn cố dặn dò linh hồn con trai: “Cha mẹ đặt tên con là Đức Nghĩa với mong muốn con sống nhân từ, nhưng con gây ra tội ác và đã trả giá, mẹ đã tha thứ và con hãy yên nghỉ, mẹ yêu con”.

Cách đây hai năm, ông Nguyễn Văn Ba (cha nạn nhân Linh) từng nhất quyết từ chối ký đơn xin ân xá cho Nghĩa theo lời khẩn cầu của bà Chuân. Từng ngày, từng giờ, ông ngóng chờ kẻ đã sát hại con gái ông phải trả giá. Vì Nghĩa, gia đình ông tan nát. Bà Thu (vợ ông – PV) sau khi con gái mất đi bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Nhiều lúc, bà ra vào như cái bóng trong ngôi nhà của chính mình.

Ngoài công việc nội trợ, bà không ra ngoài cũng chẳng mấy khi tiếp xúc hàng xóm như trước. Hơn 4 năm qua, gia đình ông rất ngại nói về cái chết thương tâm của Linh. Mỗi lần nhắc đến, vết thương lòng trỗi dậy lại khiến bà Thu không kiềm chế nổi. Người mẹ đáng thương ấy không muốn tin vào sự thật rằng Linh đã không còn nữa, và đó là cách để bà lấy niềm tin vào cuộc sống, sống tiếp những chuỗi ngày cuối cùng của cuộc đời. Và đó, cũng là lý do ông Ba phải đưa vợ đi xa trong những ngày Nghĩa thi hành án tử. Ông không muốn vợ sốc thêm lần nữa.

Dẫu vậy, trước thông tin Nguyễn Đức Nghĩa chính thức bị thi hành án, ông cũng tỏ lòng khoan dung, quyết định xóa mọi hận thù, giữa hai gia đình từ nay không còn oán hận. Trao đổi với người viết, ông Ba bảo: “Bố mẹ nào cũng thương con, cũng đau xót nhưng Nghĩa phải đền lại những tội lỗi gây ra cho không chỉ gia đình tôi mà cho toàn xã hội. Chủ tịch nước cũng đã bác đơn xin ân xá tội tử hình và Nghĩa phải trả giá cho những tội ác mà mình đã gây ra cho không chỉ gia đình tôi mà cho toàn xã hội. Nghĩa đã làm những việc sai trái và cơ quan chức năng thi hành án tử hình là điều hoàn toàn đúng pháp luật nhằm giữ nghiêm kỷ cương luật pháp”.

Ông Ba còn chia sẻ thêm, không còn oán hận hay căm phẫn như những ngày đầu nữa. Con ông dù sao cũng không thể sống lại, Nghĩa đã bị pháp luật trừng trị. Nợ vay đã trả, giờ có giận cũng chỉ thêm đau. Nghĩa tử là nghĩa tận, tốt nhất hãy buông tay. Ông bảo đã xóa hết mọi oán hận và coi như hai gia đình từ nay không biết nhau. Ông cũng động viên mẹ Nguyễn Đức Nghĩa rằng: “Dù từ đó đến nay, gia đình Nghĩa chưa đến nhà tôi để thắp hương cho cháu, nhưng tôi vẫn mong bà cũng như chúng tôi hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe”.

Bà Thủy (tổ trưởng tổ dân phố chung cư G4 Trung Yên), nơi Nghĩa gây án mạng 4 năm về trước cho biết, khu chung cư giờ đã hoàn toàn trở lại bình thường. Mọi người đã gần như quên đi câu chuyện buồn xảy ra ở đây. Căn phòng nơi xảy ra vụ trọng án giờ đã được người ta thuê lại sinh sống và làm ăn yên ổn. Không ai còn muốn nhắc lại câu chuyện buồn năm xưa, bởi cuộc sống đang từng ngày tốt lên ở chốn này.          

Nguyễn Đức Nghĩa được chôn cất cạnh mộ bố đẻ

Chiều tối 22/7, một người trong thân trong gia đình bà Chuân đã đến dọn dẹp ngôi nhà nơi Nghĩa từng ở tại quận Kiến An (Hải Phòng). Người này cho biết, gia đình bà Chuân đã lên Hà Nội đón thi thể của Nguyễn Đức Nghĩa đưa về tỉnh Thái Bình để chôn cất cạnh ngôi mộ bố đẻ. Đến sáng ngày 24/7, gia đình Nghĩa đã làm lễ đưa tang tại nhà riêng ơ Hải Phòng.

Theo Kỳ Phong
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot