Chuyện buồn của những đứa trẻ thiệt thòi ở Huế

Ngày 18/08/2014 13:48 PM (GMT+7)

Bác sĩ Thân Thị Mỹ Dung ở Trung tâm Phòng chống HIV-AIDS Thừa Thiên Huế cho biết, chị vừa phải làm việc với Hiệu trưởng một trường tiểu học để xin cho một trẻ nhiễm HIV được tiếp tục đi học. Thật buồn khi vẫn còn những chuyện kỳ thị trẻ OVC (trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV).

“Con nghỉ, các bạn sẽ yên tâm hơn”

Là một trong những người tham gia ngay từ buổi đầu thành lập Trung tâm Phòng chống HIV- AIDS ở Huế năm 2007, BS Thân Thị Mỹ Dung cho biết những trường hợp nhà trường “có ý” không muốn để các em trong diện OVC tiếp tục học tại trường không phải là chuyện hiếm. Việc Trung tâm phải gây áp lực đối với nhà trường thường có kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trong số đó, vẫn có những trường hợp bất khả kháng. BS Dung kể rằng vừa mới đây thôi, cháu H.A đã phải nghỉ học. H.A bị nhiễm HIV từ mẹ. Năm nay 8 tuổi, sau đợt ốm, H.A đã nghỉ học hẳn. BS Dung cho biết nguyên nhân không phải do nhà trường gây khó dễ, cũng không phải phụ huynh gây áp lực lên nhà trường, mà chính các bạn cùng lớp xa lánh, không ai dám chơi cùng với H.A. “Con đi học không ai chơi với con cô à. Con là người bị bệnh, căn bệnh dễ lây nhiễm, lại là căn bệnh chưa có thuốc chữa. Con sẽ nghỉ học, nghỉ thì các bạn sẽ yên tâm học hành hơn”, BS Dung kể lại những tâm tư của H.A.

Vấn đề kỳ thị đối với bệnh nhân HIV, đặc biệt đối với trẻ em luôn được Trung tâm Phòng chống HIV-AIDS chú ý tháo gỡ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp như H.A, BS Dung thú thật cũng khó giải quyết: “H.A bị căn bệnh lao hạch hành hạ. Sau gáy của cháu nổi nhiều cục u. Nếu là bạn trẻ với nhau, nhìn thấy hình ảnh như thế cũng không thể trách các cháu xa lánh H.A được. Nhìn ánh mắt H.A buồn thiu, thương cháu mà không biết phải làm gì nữa”.

Chuyện buồn của những đứa trẻ thiệt thòi ở Huế - 1

Hoạt động của TT Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức giúp trẻ em khó khăn ở Huế. Ảnh: H.P

BS Dung cho biết có lần chị đã bị một bệnh nhân đe dọa. Đó là trường hợp của em N.T.T. T, trốn gia đình để sống với bạn trai ở Thanh Hóa đã mấy tháng trời chưa thấy về. BS Dung bảo rằng T nghiện ma túy, và mỗi lần vào Trung tâm kiểm tra sức khỏe, mặc dù hoạt động này miễn phí nhưng lần nào T. cũng xin mẹ vài trăm nghìn, nói dối là chi phí kiểm tra. Sau khi BS Dung báo với gia đình thì T đã dọa “sẽ đâm bác sỹ nếu còn “mách” với mẹ”!

Chỉ mong các em bớt mặc cảm

Ở Trung tâm Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức, không như các bạn cùng trang lứa được đưa đi đón về, con đường đến trường của cháu N.T.Y hoàn toàn phải tự thân. Mỗi buổi sáng, Y dậy từ sớm. Sau khi chuẩn bị xong cặp sách, quần áo, cô bé nhẹ nhàng mở cửa nhìn một lượt chung quanh. Lựa lúc vắng người, Y bước ra đường và bắt đầu đi bộ đến trường. Y mồ côi cả bố lẫn mẹ do cả hai đều chết bởi căn bệnh thế kỷ. Hiện cháu Y đang sống với ông bà ngoại. Năm nay lên lớp 4, nhiễm HIV, nhưng Y được đi học, hòa nhập với các trẻ bình thường. Có lần, mấy bạn trong lớp đòi tới nhà Y chơi nhưng cô bé cương quyết từ chối với câu trả lời đã được lập trình sẵn: “Nhà mình xa lắm, ba mẹ mình dữ lắm, không cho kết giao bạn bè”. Trong chiếc cặp mà hàng ngày Y vẫn mang đến trường, ngoài sách vở còn có thêm vài thứ đặc biệt: Đó là chai nước suối, bịch bông gòn, cuộn băng keo và chai thuốc sát trùng nho nhỏ. Tất cả thao tác cầm máu, sát trùng vết thương, băng bó thông thường, Y đều đã được học để tự xử lý mỗi khi bị trầy xước, chảy máu.

Chuyện buồn của những đứa trẻ thiệt thòi ở Huế - 2

Cô Huỳnh Thị Kim Lan không kìm nén được sự xúc động khi kể về những hoàn cảnh trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mà TT của cô chăm sóc.

Cô Huỳnh Thị Kim Lan, người thuộc nhóm chăm sóc trẻ OVC của Trung tâm Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức cho biết: “Trung tâm tiếp nhận và quản lý 192 trẻ OVC trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó có 18 em mồ côi cha mẹ. Tiêu chí của trung tâm là để các em sống tại cộng đồng. Để làm tốt tiêu chí đó các em được chuẩn bị về kỹ năng, tâm lý. Trong lớp học đó, chúng tôi đặt ra những tình huống giả định và cách giải quyết để lường trước những khó khăn, trở ngại mà bé gặp phải khi hòa nhập”.

Kỹ năng đó, Y thuộc nằm lòng: “Con được các cô dạy là đi học phải thân thiện, không được gây gổ đánh nhau. Mỗi khi bị trầy xước, tụi con phải tự sát trùng, băng bó. Nếu bị chảy máu nhiều, tụi con phải chạy vào báo cho Ban giám hiệu”. Bí mật của Y và những bạn có hoàn cảnh tương tự thường chỉ cô chủ nhiệm và Hiệu trưởng trường học biết mà thôi.

Khác với những trẻ bình thường, trẻ OVC được đi học năm nay nhưng chưa chắc năm sau đã được tiếp tục đến trường vì nhiều lý do. Vì vậy, vào đầu mỗi năm học, Trung tâm lại phải làm công văn gửi đi khắp nơi: từ thành phố, quận, phường, Sở GD-ĐT, phòng giáo dục để xin cho các em nhập học. Mỗi lần như thế, cô Lan và các cô trong nhóm chăm sóc của Trung tâm Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức lại rất bận rộn. “Tùy theo hoàn cảnh của từng em mà chúng tôi hỗ trợ. Em nào thiếu gạo, chúng tôi mang gạo đến, em nào còn chưa được tạo điều kiện về sinh hoạt cộng đồng về điều kiện học tập chúng tôi lại đề đạt với chính quyền và các cơ quan chức năng. Tất cả chỉ mong các em bớt mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng”, cô Lan tâm sự.

Theo Hà Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot