Chuyện buồn ở xã có 150 phụ nữ phải đội tang chồng

Ngày 25/06/2016 08:22 AM (GMT+7)

Vượt lên những đau thương mất mát, những năm tháng khó khăn, gian khổ, những người phụ nữ ấy vẫn tỏ ra mạnh mẽ kiên cường, để thay chồng nuôi dạy con cái...

Chuyện buồn ở xã có 150 phụ nữ phải đội tang chồng - 1

Chị Đồng Thị Bảo cùng hai con nhỏ ngồi trong căn nhà tình nghĩa được nhà nước xây tặng năm 2011. Ảnh: Đình Việt

Một đêm, 51 đàn ông ra đi không về

Tìm về xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào một ngày đầu tháng 6 nắng gắt. Nơi có những góa phụ đã phải chịu đựng nỗi đau mất chồng, mất con sau những chuyến đi biển. Ngư Lộc là một xã vùng biển của huyện Hậu Lộc, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 30km. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả. Ở đây khi nào cũng nhộn nhịp tiếng cười nói của ngư dân đi biển về, tiếng xì xào của cánh lái buôn cá, tiếng gọi nhau í ới vui mừng của người vợ, người con ra đón người thân từ biển khơi trở về. Chốc chốc, từng tốp phụ nữ lại tất tưởi lao xuống những con tàu vừa cập bến, nhưng đằng sau sự nhộn nhịp ấy, ánh mắt của họ thoáng buồn rười rượi.

Họ buồn vì thương nhớ cho những người đã từng bị biển khơi cướp đi sinh mạng, buồn cho những người phụ nữ mất chồng, con mất cha, vẫn ngày đêm bám biển kiếm sống. Và len lỏi trong những chuyến tàu cá nặng đầy đó cũng có người thân của mình đã mãi mãi ra đi. Một vị cán bộ xã này cho biết, người dân Ngư Lộc sống dọc theo con đê biển dài chừng 4km. Năm 1931, làng biển này có tới 344 trai tráng đi biển không về chỉ sau một cơn bão. Nhân dân địa phương đã lập ngôi miếu thờ 344 người con của Ngư Lộc. cứ đến Tháng 8 âm lịch hàng năm, dân làng không đi làm mà chuẩn bị vàng hương, hoa quả ra biển cúng. Nhiều gia đình còn làm cả bè mảng bằng giấy, cúng xong hóa xuống biển để tưởng nhớ người thân của mình.

Và gần nhất là vào tháng 10/1996, khi xã Ngư Lộc chỉ trong một đêm đã mất đi 51 người đàn ông cũng sau một trận bão. Nhớ về những ngày tang tóc của xã năm đó, người cán bộ này kể: “Những ngày đấy, khắp xã đi tới đâu cũng nghe tiếng khóc, khói hương thắp cho người chết mù mịt khắp nơi. Những ngày đó người dân ở đây gặp nhau chỉ biết lau nước mắt chứ chẳng ai cười nổi lấy một tiếng”.

“Tuy tang tóc là vậy, nhưng chưa bao giờ người dân ở đây quay lưng lại với biển. Bởi vì biển đã nuôi sống người dân trong xã này. Ở đây không có đất để trồng trọt, mọi cuộc mưu sinh chỉ có thể trông chờ vào biển”, vị cán bộ này cho biết thêm.

Nước mắt lặn dần vào trong

Gạt đi nỗi đau, những người phụ nữ góa chồng Ngư Lộc hàng ngày vẫn gồng gánh mưu sinh với nhiều nghề để kiếm tiền nuôi mình, nuôi con. Trên con đê dài, chúng tôi gặp một tốp phụ nữ đang ngồi nói chuyện rôm rả. Lại hỏi chuyện mới biết họ đều là những người phụ nữ góa chồng và tất cả họ đều làm nghề vác đá lạnh thuê cho các tàu cá để kiếm sống. Hôm nay con nước xuống các tàu không ra khơi, tranh thủ ngày nghỉ họ ra đê ngồi nói chuyện, tâm sự với nhau. Trong số đó có bà Bùi Thị Vượng (60 tuổi, ở xóm Thắng Lộc, xã Ngư Lộc) bà là một trong những người lớn tuổi nhất làm nghề vác đá lạnh tại đây.

Chồng của góa phụ này mất cách đây 28 năm do chìm tàu trên biển. Hơn 30 năm qua, ngoài cào ngao, mò tôm cá ở bãi ngang, bà còn sống bằng nghề phu vác đá. Theo bà Vượng, nghề bốc vác đá thuê có cách đây hơn 40 năm. Công việc nặng nhọc là thế nhưng thu nhập của những người làm nghề vác đá thuê không cao, mỗi chuyến vác trên vai mỗi viên đá nặng 35 kg, nhưng họ chỉ kiếm được 3.000 đồng/khối nước đá. Mỗi ngày trung bình họ thu nhập được 40.000 đến 50.000 đồng. “Dù thu nhập không cao nhưng ổn định. Bằng số tiền này, tôi tích góp nuôi 4 đứa con nên người”, bà Vượng tâm sự.

Chúng tôi tìm đến nhà chị Đồng Thị Bảo (sinh năm 1983), ở thôn Thắng Tây, đúng lúc chị vừa đi làm về, thấy khách đến nhà chị Bảo không kịp thay bộ quần áo còn nguyên mùi mắm ra niềm nở rót nước mời khách. Đang trò chuyện bổng nhiên mắt chị nhòe đi khi chúng tôi nhắc đến người chồng đã quá cố của chị, chúng tôi thấy được nổi đau vẫn chưa nguôi ngoai trong ánh mắt người đàn bà 33 tuổi này.

Rưng rưng nước mắt chị Bảo kể, chồng chị mất cách đây 6 năm. Chị và chồng kết hôn năm 24 tuổi và trước khi chồng mất họ đã có với nhau hai đứa con, một trai, một gái. Đến bây giờ, người phụ nữ này vẫn chưa tin được sự ra đi của chồng mình. “Trước khi nghe người ta thông báo chồng tôi gặp nạn, tôi như chết đứng lại, không còn biết gì nữa. Sau khi được bà con đưa đi sơ cứu tôi mới tỉnh dậy để kêu được tiếng chồng”, chị Bảo nhớ lại cái ngày định mệnh ấy.

Sau khi chồng mất, chị Bảo mất một thời gian dài để ổn định tâm lí. Nhiều lúc đã nghĩ đến cái chết nhưng vì hai đứa con thơ, chị lại gượng dậy để tiếp tục sống. “Chồng tôi mất lúc 28 tuổi, hai vợ chồng mới ở với nhau được bốn năm. Khi anh đi để lại cho tôi hai đứa con thơ và một ngôi nhà lụp xụp. Khi đó tôi bế tắc lắm, không nghĩ ra mình phải làm gì để nuôi con nhưng được sự động viên của bà con lối xóm tôi gượng dậy vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống”, chị Bảo tâm sự.

Gượng dậy nuôi con, chị Bảo làm nghề bóc tôm nhưng thu nhập không cao cộng với vất vả nên chị tìm ra Hà Nội làm thuê. Nhưng cũng được một thời gian rồi chị lại về quê vì nhớ con. Về quê chị lại tiếp tục xin đi làm mắm để kiếm sống, công việc vất vả mà thu nhập cũng chỉ được 2 đến 3 triệu một tháng, nhưng chị vẫn cố gắng làm để nuôi hai đứa con nhỏ. “Tôi phải cố gắng nuôi hai đứa con nên người, cho chúng ăn học tử tế để không phải theo nghề biển nữa”, chị Bảo nói.

Được sự chỉ dẫn của một người dân thôn Thắng Tây, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà bà Đồng Thị Quyên (sinh năm 1963). Bà Quyên cũng có chồng mất cùng một ngày với chồng chị Bảo. Bà kể, chồng bà vốn là ngư dân dày dạn sương gió, kinh nghiệm nhưng vẫn không thể tránh khỏi sự khắc nghiệt của biển cả. Bà Quyên cũng có hai đứa con, đứa con trai lớn đã lập gia đình nhưng đi ở rể xa cách nhà bà khoảng 100km, còn đứa con gái út 15 tuổi đang ở với bà. Cũng giống như những góa phụ khác ở đây, bà cũng phải vượt qua nổi đau để sống. Bà kể, từ lúc chồng mất bà đi bán bỏng ngô để mưu sinh nhưng hai năm nay mắt bà tự nhiên mờ đi không còn nhìn rõ đường nên bà nghỉ ở nhà. Mắt kém nhưng vì không có tiền nên bà cũng chưa thể đi khám và mua thuốc uống. Cuộc sống của bà bây giờ phụ thuộc vào số tiền phụ cấp ít ỏi của con trai và sự đùm bọc của xóm làng.

“Mấy năm nay, mắt tôi kém nên không đi làm được gì, bây giờ chỉ sống dựa vào số tiền phụ cấp ít ỏi của con trai. Nó đi lấy vợ xa, kinh tế cũng khó khăn nên cũng không cho tôi được nhiều, nó cũng ít về thăm tôi lắm, chỉ về ngày tết hoặc ngày giỗ bố tôi gọi thì nó mới về. Từ đầu năm đến nay nó mới gửi cho tôi được 2 triệu đồng và mấy yến gạo. Số tiền đó tôi tiêu hết lâu rồi, bây giờ hai mẹ con tôi sống dựa vào xóm làng, hàng ngày người ta cho gì thì tôi ăn nấy, có nhiều hôm không có cái gì ăn tôi phải đi nhặt từng tí bún thừa người ta vứt để ăn, khổ lắm chú ơi”, bà Quyên tâm sự.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, theo thống kê, tính từ năm 1996, năm nào xã cũng có người chết vì đi biển, đa số họ chết không tìm thấy xác. Hiện nay toàn xã có khoảng 150 phụ nữ chịu tang chồng khi đi làm nghề biển. Riêng năm nay, tính từ đầu năm đã có 2 trường hợp tử nạn. Chính quyền địa phương cũng đã có những chính sách kịp thời như thăm hỏi, động viên, đưa các hộ vào danh sách hộ nghèo để được hưởng các chế độ, vận động xây nhà tình nghĩa…

Theo Đình Việt
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h