Cô gái ám ảnh cảnh người chết không có chỗ chôn ở vùng lũ quét Sơn La

Ngày 08/08/2017 10:09 AM (GMT+7)

Người chết thì không có chỗ chôn vì làng bản bao phủ đất đá. Người sống thì cả 2 ngày không có miếng ăn và phải đi đào bới tìm người xấu số rồi nghẹn ngào lo chuyện mai táng cho họ.

Clip đường vào bản ngổn ngang đất đá.

Vừa trở về từ vùng lũ quét ở Sơn La, bạn H.Ngân (ở Hà Nội) mới có thời gian ngồi nhớ lại hành trình đầy gian khổ trong mấy ngày vừa qua. Bùn đá, xác người, khung cảnh đổ nát, hoang tàn, tang thương... mà tận mắt chứng kiến mới thấy được thực tế còn kinh hoàng hơn trăm nghìn lần trong ảnh báo chí đưa tin.

Ngân kể: "Có một số bản gần như bị xoá sổ hoàn toàn, không còn nóc nhà nào. Bộ đội, công an và các đoàn tình nguyện đã tiếp cận, phát cơm và đồ cứu trợ. Tuy nhiên, 1 số bản chỉ có bộ đội mới tiếp cận được vì đường đi bị sạt lở, đất đá vùi lấp và nước lũ vẫn chảy xiết. Người dân phải mót củ sắn để ăn và có người chỉ còn đúng 1 chiếc quần đùi đang mặc là tài sản.

Cô gái ám ảnh cảnh người chết không có chỗ chôn ở vùng lũ quét Sơn La - 1

Cây cầu bị sập được làm tạm cái cầu thang sắt 2 bên đầu cầu để đi lên đi xuống.

Cô gái ám ảnh cảnh người chết không có chỗ chôn ở vùng lũ quét Sơn La - 2

Thực tế còn kinh hoàng hơn những bức ảnh như thế này.

Hiện tại đường vào thị trấn đang bị ngập nên phải đi phà hoặc đi đường vòng cách mấy cây số. Và đoạn cây cầu bị sập mọi người làm tạm cái cầu thang sắt 2 bên đầu cầu để đi lên đi xuống. Mình sợ độ cao nên trèo lên mà chân tay run lẩy bẩy! Bản gần nhất cách trung tâm 8km, xa nhất thì hơn 20km". 

Tối 5/8, phần vì mệt, phần vì tối và mưa to sợ lũ kéo về gây nguy hiểm nên đoàn tình nguyện của Ngân chỉ vào được đến bản Huổi Liệng. Bản này có 36 hộ dân nhưng 16 hộ bị trôi nhà cửa hoàn toàn, số còn lại cũng bị thiệt hại nặng nề. 

"Đây cũng là bản có 3 mẹ con bị mất. Đúng là người chết cũng không có chỗ chôn vì đâu đâu cũng là đất đá. Chị vợ sau khi tìm thấy xác được bà con cuốn chiếc chăn rách trong đống đất đá rồi chôn tạm. Hôm sau người nhà ở huyện Thuận Châu (giáp ranh với Mường La) để chôn cất cho tử tế.

Cô gái ám ảnh cảnh người chết không có chỗ chôn ở vùng lũ quét Sơn La - 3

Bản làng xinh đẹp nay đã bị quét sạch.

Nhóm mình đi bộ gần chục cây số mang cơm vào bản phát thì gặp một nhóm người đang khiêng quan tài. Một chú trong đoàn dừng lại xin bọn mình mấy xuất cơm. Chú bảo từ hôm qua đến giờ chưa ăn được gì. Hỏi ra mới biết là người nhà của người mất và gia đình đang đem đi chôn cất. Người chết cũng đã chết rồi nên cố cho con được chôn cất tử tế. Nghe đến đây cả đoàn mình không ai cầm được nước mắt.

Rồi bọn mình lại đi tiếp. Đi được một đoạn gặp một người phụ nữ đứng trên mỏm đá. Bà nhìn xa xăm, nước mắt ròng rã. Gặp bọn mình, bà chỉ trước kia là bản, là nhà, bây giờ thì... Đau lòng lắm.

Những ai mê xê dịch thì không ai không biết đến Nặm Păm, nơi có những bản làng xinh đẹp của đồng bào Thái, nơi có những ruộng bậc thang xanh ngắt nên thơ, nơi dẫn đến suối nước nóng Ngọc Chiến và sang Mù Cang Chải. Thế mà chỉ sau 1 đêm chỉ còn lại đống đất đá ngổn ngang như sa mạc. 

Cô gái ám ảnh cảnh người chết không có chỗ chôn ở vùng lũ quét Sơn La - 4

Cô gái ám ảnh cảnh người chết không có chỗ chôn ở vùng lũ quét Sơn La - 5

Rất khó khăn cho các đoàn cứu trợ tiếp cận được vào bản.

Cô gái ám ảnh cảnh người chết không có chỗ chôn ở vùng lũ quét Sơn La - 6

Đi đến bản, chúng mình chỉ biết cầm tay người dân thật chặt và động viên họ cố gắng. Đúng là trong khó khăn, hoạn nạn mới biết tình người trân quý biết bao. Những người không thân thích, không họ hàng nhưng trái tim đau cùng nhau. 

Suốt quãng đường đi, bọn mình gặp rất nhiều đoàn, tổ, khu cóm, thôn bản cùng nhau kêu gọi tiếp tế. Những cô bán cá, bán rau, thịt, cả những chú xe ôm cũng bỏ hết công việc để chia sẻ với bà con. Cứ gặp nhau là các đoạn hò nhau cố lên. Còn cả những chiến sĩ trẻ măng, áo ướt đẫm, người thấm mệt nhưng không ai nản chí. Ai cũng tâm niệm, bà con đang đói, đang chờ đồ cứu trợ. 

Hiện tại cầu bị sập nên ô tô không thể vào. Tất cả phải đi bộ và vận chuyển đồ tiếp tế cho bà con bằng sức người. Không biết 20, 30 hay 50 năm nữa mới có thể được như trước, sức sống mới trở lại. 

Mình chia sẻ những điều này để cho những bạn đang kêu khổ, chán sống hãy nhìn lại mình. Mọi người còn sướng hơn gấp vạn lần hàng triệu người. Trong lúc các bạn chăn ấm, đệm êm, điều hòa mát rượi, wifi căng đét, ngồi lướt facebook thì ở đây bao nhiêu con người đang màn trời chiếu đất, mất nhà cửa, mất người thân, có người còn chưa tìm thấy xác. 

Và nếu như có ai đó cần được khen ngợi thì đó là cả mảnh đất Mường La. Chưa bao giờ thấy tình người ấm áp đến thế. Cả mảnh đất cùng sẻ chia, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Đoạn đường đi bộ thật dài nhưng lại có rất nhiều người cùng hành trình nên gặp nhau ai cũng rưng rưng xúc động". 

Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch UBND huyện Mường La (Sơn La) cho biết, từ ngày 2/8 trên địa bàn huyện liên tục có mưa lớn kéo dài. Đặc biệt, trận lũ quét kinh hoàng xảy ra đêm 2/8 đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

“Đây là trận lũ quét lịch sử mà phải đến 70 năm rồi mới xảy ra tại huyện Mường La. Hậu quả thật khủng khiếp”, ông Thành bày tỏ.

Cô gái ám ảnh cảnh người chết không có chỗ chôn ở vùng lũ quét Sơn La - 7

Theo thống kê ban đầu, lũ quét đã cuốn trôi 10 người và 44 ngôi nhà. Hiện lực lượng chức năng đã tìm kiếm được 5 người (3 chết, 2 bị thương nặng) và 5 người vẫn đang mất tích. Huyện và tỉnh Sơn La đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng người dân khắc phục hậu quả.

Tào Nga (Ảnh: FBNV)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Lũ quét ở Mù Cang Chải