Cô giáo có ý định bỏ thai vì mắc hội chứng “nghiện” toilet hơn 20 năm

Ngày 20/04/2017 01:22 AM (GMT+7)

Bị rối loạn tiểu tiện, nữ giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí khi mang thai chị còn có ý định từ bỏ vì sợ ảnh hưởng đến con khi sinh ra.

Đó là trường hợp chị Huỳnh Thị Mơ (hơn 40 tuổi) hiện đang làm giáo viên một trường THCS trên địa bàn Thành phố Cần Thơ. Chia sẻ với chúng tôi, Ths.BS Nguyễn Đình Liên – Khoa Ngoại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Mơ, cho biết: “Khi gặp người bệnh, nghe người bệnh chia sẻ, chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi khổ mà họ phải chịu đựng suốt hơn 20 năm qua”.

Theo đó, hơn 20 năm trời, chị Mơ mắc phải Hội chứng “nghiện” (phụ thuộc) toilet. Mỗi ngày chị Mơ phải đi vệ sinh hàng chục lần, có những lúc không kịp còn phải đối mặt với những tình huống dở khóc, dở cười.

Thậm chí, khi mang thai đứa con thứ 2, với những cơn đau phải chịu hàng ngày và những bất tiện trong cuộc sống do một ngày phải đi vệ sinh vài chục lần, chị Mơ đã có ý định bỏ thai. Chị nghĩ khi sinh ra đứa con sẽ bị ảnh hưởng và có tương lai ảm đảm.

Nghĩ là vậy, nhưng chị không đành lòng bỏ đi “giọt máu” của mình và may mắn đã mỉm cười với chị, khi đứa con ra đời hoàn toàn khỏe mạnh.

Sau khi sinh con, căn bệnh tiểu nhiều của chị ngày càng nặng thêm, dù chị đã bỏ hàng trăm triệu để đi chữa trị cả đông và tây y. Trong lúc gần như tuyệt vọng nhất, chị được một người bạn giới thiệu ra Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để khám và điều trị.

Cô giáo có ý định bỏ thai vì mắc hội chứng “nghiện” toilet hơn 20 năm - 1

Mắc bệnh rối loạn tiểu tiện sẽ gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. (ảnh minh họa)

Với phương châm “có bệnh thì vái tứ phương”, chị thu xếp công việc, khăn gói ra Hà Nội chữa bệnh. Tại đây chị được BS Nguyễn Đình Liên thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị cụ thể.

“Qua thăm khám, chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng rối loạn tiểu tiện, hay còn gọi là Hội chứng phụ thuộc toilet”, BS Liên thông tin.

Theo BS Liên, khi mắc hội chứng này người bệnh phải đi tiểu rất nhiều lần và mất nhiều thời gian trong nhà vệ sinh. Tuy hội chứng này không gây tử vong với người bệnh, nhưng họ sẽ gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống, sinh hoạt…

“Sau khi xác định được bệnh, chúng tôi đã điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp nong niệu đạo, tập cơ thắt, tập nhịn tiểu và bơm rửa bàng quang… Đến nay, tình trạng bệnh cải thiện đáng kể, bệnh nhân gần như đã kiểm soát được việc đi tiểu của mình”, Th.BS Liên cho hay.

Theo BS Liên, những người mắc rối loạn tiểu tiện nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, bệnh nhân thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, khó chịu nhất là tiểu đêm không ngủ được gây mất ngủ trầm trọng kéo dài, công việc bị gián đoạn, mất tự tin trong cuộc sống...

Đặc biệt, nếu để lâu rối loạn tiểu tiện có thể tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn ngược dòng, viêm thận dẫn tới bị suy thận…

Để phát hiện và điều trị kịp thời, BS Liên khuyên người dân khi thấy các biểu hiện tiểu nhiều lần/ngày, tiểu buốt, tiểu rắt thì nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Thận – Tiết niệu để thăm khám.

“Người dân tuyệt đối không nên giấu bệnh, hoặc tự ý dùng thuốc để cắt cơn buồn tiểu vì việc làm này dễ gây biến chứng, gây ứ nước thận, suy thận, kéo dài thời gian điều trị mà không mang lại kết quả tốt”, BS Liên cảnh báo.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những ca bệnh đặc biệt