Có nên để điều dưỡng đem trẻ đi tắm?

Ngày 18/07/2013 15:50 PM (GMT+7)

Nhiều ý kiến cho rằng nếu thực hiện việc tắm cho trẻ tại giường hoặc người nhà tự bế bé đến phòng tắm sẽ không xảy ra sự việc đau lòng điều dưỡng trượt chân làm rơi 5 trẻ sơ sinh.

Trẻ có thể không ngã nếu người nhà tự bế đi?

Có nhiều quy trình tắm cho trẻ sơ sinh tại các bệnh viện phụ sản ở Việt Nam. Tại BV Phụ sản Hà Nội, mỗi ngày điều dưỡng sẽ đẩy xe đến từng phòng bệnh đón trẻ sơ sinh đưa trẻ đưa trẻ đi tắm. Sau khi tắm xong, trẻ lại được điều dưỡng đẩy trên xe đưa trả lại người thân. Mỗi một lần đón trẻ xe to có thể chở 10-15 trẻ, xe nhỏ chở 4-5 trẻ. Tại BV Từ Dũ sẽ có 2 quy trình tắm cho trẻ, với đối tượng sản phụ đẻ gói dịch vụ cao cấp, điều dưỡng sẽ đến tận phòng tắm cho các bé trên xe chuyên dụng. Mỗi một bé sẽ dùng một chậu nước sạch và một khăn tắm sạch, sau khi tắm xong nước đổ đi và thay nước mới tắm cho bé khác. Nước và khăn tắm được nhân viên mang đi luôn trên xe. Còn với dịch vụ đẻ thông thường, bệnh viện sẽ chia lịch tắm cho các phòng, sau khi thông báo người nhà sẽ tự bế bé đến trao cho điều dưỡng và ngồi đợi tại khu vực tắm, trẻ tắm xong sẽ được người nhà đón và đưa trở lại phòng.

Như vậy, trong trường hợp tại BV Phụ sản Hà Nội nếu quy trình tắm cho các bé áp dụng theo BV Từ Dũ thì có lẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc 5 bé bị rơi từ trên xe đẩy xuống đất khi người điều dưỡng trượt chân.

Có nên để điều dưỡng đem trẻ đi tắm? - 1

Nơi điều dưỡng trượt chân làm ngã 5 trẻ sơ sinh

 Đến bao giờ trẻ sơ sinh mới được tắm tại giường

Theo GS.TS Nguyễn Đức Vy, Nguyên giám đốc Bv Phụ sản trung ương lại đánh giá việc nhân viên y tế đến tận từng phòng bệnh tắm cho trẻ sơ sinh là phương án hay nhất, tuy nhiên để thực hiện được đòi hỏi bệnh viện phải đầu tư trang thiết bị với số tiền không nhỏ, trong khi hiện nay nhiều bệnh viện còn đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Phương pháp này cũng đòi hỏi nhân viên y tế phải mất nhiều thời gian hơn, trong thực tế với tình trạng quá tải như hiện này, nếu áp dụng đồng loạt thì là điều không thể trong tình hình hiện nay, sẽ không có đủ nhân lực để làm. Việc  đầu tự để cho người nhà đưa trẻ đến tận phòng tắm của bệnh viện cũng tốt nhưng cũng nhiều hạn chế, bởi với bệnh viện quá đông bệnh nhân, nếu cứ một bé sơ sinh lại kèm thêm một người nhà đứng chờ tại phòng tắm sẽ gây quá tải và lộn xộn trong bệnh viện.

“Trước đây khi còn làm Giám đốc của Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh (nay là BV Phụ sản Trung ương) chúng tôi đã áp dụng cách để cho người nhà bế trẻ sơ sinh đến phòng tắm trao cho điều dưỡng và đợi tại trước khi vực tắm đó đón trẻ về khi trẻ tắm xong. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng chúng tôi đã phải thay đổi bởi nói thật là người nhà bệnh nhân gây mất trật tự, nói chuyện nhiều”, GS Vy cho biết.

Do vậy theo GS Vy mỗi một quy trình đều có mặt được và mặt hạn chế, tuy nhiên GS trong thực tế hiện nay khi Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện đồng bộ quy trình của dịch vụ cao cấp (tắm tại giường) thì quy trình nhân viên y tế đón trẻ đi tắm vẫn là quy trình tốt, việc điều dưỡng và đưa trẻ đi tắm thể hiện sự tần tình của nhân viên y tế, một việc làm đẹp mang ý nghĩa nhân văn đối với người bệnh.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Phòng khám lao động Thái Hà, người có mấy chục năm công tác tại BV Phụ sản Hà Nội cho rằng: “Việc thực hiện quy trình tắm cho trẻ tại giường bệnh hay để người nhà tự đưa và đón bé tại phòng tắm hay để nhân viên y tế đến đón và đưa các cháu đi tắm sau đó mới trả lại theo tôi không thể ngồi 1 chỗ để phát xét cách nào đúng cách nào sai bởi mỗi một cách phù hợp với một điều kiện khác nhau. Tuy nhiên, nếu thực hiện được việc tắm cho trẻ ngay tại giường bệnh, có sự chứng kiến của người nhà bệnh nhân thì quá tốt. Bởi điều đầu tiên chúng ta hướng tới là tắm cho bé an toàn nhất. Ngoài ra phương pháp này cũng có ưu điểm nổi bật là người nhà của bé sẽ quan sát được cách tắm của nhân viên y tế, từ đó có thể học tập và làm theo để tắm cho bé cho đúng.

Bác sĩ Dung cũng đánh giá an toàn cho trẻ là yếu tố cần được đặt lên hàng đầu. Do đó, các nhà lãnh đạo và cơ quan nhà nước phải thiết kế bệnh viện sao cho đường đi lại phải chuẩn xác, ở các nước tiên tiến ngay từ đầu xây dựng bệnh viện người ta đã phải tính toán chi lỳ, không cho phép xảy ra bất kỳ một sai sót nào.

Tuy nhiên ở Việt Nam do điều kiện cơ sở vật chất còn rất yếu nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc trên. "Ngay đến giường bệnh sản phụ và trẻ sơ sinh vẫn còn phải nằm ghép thì rất khó thực hiện tất cả trẻ sơ sinh đều được tắm tại giường. Do đó, nhân viên y tế cần phải nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn và tính cẩn trọng, tận tâm trong công việc", BS Dung nói.

Khánh Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan