Con bị rắn cắn, cha mẹ không biết để ở nhà khiến con suýt mất mạng

Ngày 12/09/2016 17:55 PM (GMT+7)

Bé trai 11 tuổi bị rắn hổ mang cắn nhưng cha mẹ lại không biết con gì cắn nên để ở nhà. Sau 22 tiếng đồng hồ thấy chân con có dấu hiệu hoại tử, người lơ mơ, buồn nôn cha mẹ mới đưa đi bệnh viện chữa trị khiến con suýt mất mạng.

Ngày 12/9, Khoa hồi sức tích cực và chống độc, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, đang điều trị tích cực cho bé N.H.H. ở huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) bị rắn hổ mang cắn.

Theo hồ sơ bệnh án, ngày 4/9, bé H. vào bếp chơi thì bị con gì đó cắn vào chân. Do bếp tối nên bé H. không biết bị con gì cắn, chỉ thấy đau nhói ngay vị trí bị cắn. Cha mẹ bé H. chủ quan cho rằng bé bị mèo cắn nên không đưa đi bệnh viện chữa trị.

Khoảng 22 tiếng đồng hồ sau, người bé H. có dấu hiệu buồn nôn, chóng mặt, người lơ mơ, chân tụ máu.

Lúc này, gia đình mới hốt hoảng đưa con đến bệnh viện Đa khoa Dầu Giây rồi chuyển tiếp lên bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu.

Con bị rắn cắn, cha mẹ không biết để ở nhà khiến con suýt mất mạng - 1

Hình ảnh vết cắn do rắn độc khiến chân sưng tụ máu bầm - Ảnh: SK

Ngay khi nhập viện, bé H được lấy máu đưa đi xét nghiệm, xác định có tình trạng rối loạn đông máu nặng. Qua kiểm tra vết cắn kĩ, các bác sĩ đưa đến kết luận, bé H. bị rắn hổ mang cắn nên điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn, kháng sinh…

Đến nay, sau 7 điều trị tại bệnh viện,  H.  vẫn còn mệt, tinh thần chưa tỉnh táo, chân bị cắn vẫn còn sưng to. 

Theo bác sĩ Khoa hồi sức tích cực và chống độc, bé H. chỉ cần đưa đến viện muộn chút nữa có thể tử vong. Quá trình điều trị của bé sẽ khó khăn và kéo dài hơn.  

Trước đó, tại TP. HCM, bệnh viện Nhi đồng 2 TP. HCM cũng tiếp nhận một bệnh nhi 7 tuổi bị rắn cắn trong tình trạng trẻ buồn nôn, lơ mơ, vết cắn sưng tụ máu lớn. Trường hợp này, gia đình cũng không biết con mình bị rắn cắn nên 4 tiếng sau, khi trẻ có dấu hiệu trở nặng mới được đưa đến viện.  

Rất may qua làm xét nghiệm máu và chẩn đoán vết cắn, các bác sĩ Khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Nhi đồng 2 xác định bé bị rắn lục đuôi đỏ cắn nên cho điều trị tích cực, không nguy hiểm tính mạng.

Qua hai trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, trẻ bị con vật cắn gây đau nhức, dù chưa rõ con gì cắn cha mẹ cũng không nên chủ quan giữ lại nhà mà hãy cho bé nhập viện ngay lập tức để bác sĩ xác định và chữa trị kịp thời.

Với trường hợp rắn cắn, trẻ sẽ có những dấu hiệu như sưng nề lan rộng nhanh, đau nhức dọc chi bị cắn; chảy máu không cầm; buồn nôn, đau đầu, nặng mi mắt, sụp mi, khó nuốt, khó thở, lơ mơ, nước tiểu đen…

Lúc này, phụ huynh phải giữ bình tĩnh, dùng cây hay gậy lấy rắn ra. Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước, sát trùng bằng dung dịch Betadine hay Povidine nếu có.

Nẹp cố định chi bị rắn cắn như nẹp gãy xương và băng ép từ trên vết thương xuống. Lưu ý băng ép được khuyến cáo với nhóm rắn hổ, không nên áp dụng cho nhóm rắn lục vì có thể làm tăng nguy cơ hoại tử tại chỗ. Hạn chế hấp thu nọc độc theo đường bạch huyết, ví dụ như bị rắn cắn ở mắt cá thì băng ép từ cẳng chân xuống.

Nên để chi thấp hơn tim và chi bị rắn cắn phải tránh cử động tuyệt đối để không làm tăng hấp thu nọc độc.

Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, nên đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu vì huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu có thể, mang theo con rắn đã bị đập chết đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.

Đặc biệt lưu ý khi bị rắn cắn là không cột ga-rô sẽ gây thiếu máu nuôi phía chi bên dưới hay cắt lể, nặn máu hay hút nọc độc sẽ gây nhiễm trùng, chảy máu tại chổ và tăng hấp thu nọc độc. Tuyệt đối không đắp lá hay rễ cây vì dễ gây nhiễm trùng vết thương.

Văn Luận
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h