Công nghệ diệu kỳ mang tên tế bào gốc

Ngày 21/02/2014 10:42 AM (GMT+7)

Những cuộc sống mới được hồi sinh, những nụ cười đã tươi trở lại nhờ thành tựu y học tiên tiến được áp dụng…

Trong tháng 2 này, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương sẽ kỷ niệm ca ghép tế bào gốc thứ 100. Đây là một dấu mốc quan trọng trong công nghệ điều trị các bệnh về máu bằng phương pháp này. 

Hiện nay nhiều số kỹ thuật y tế của Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới. Thực tế đã chứng minh điều đó khi nhiều người Việt ra nước ngoài chữa trị, nhưng vì nhiều lý do (đặc biệt là do chi phí) quay về Việt Nam điều trị và đã thành công. Đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam luôn không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để nâng cao trình độ- tất cả cho mục đích: Chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân tốt nhất, kịp thời nhất!

Công nghệ diệu kỳ mang tên tế bào gốc - 1

Hoàng Thị Diệu Thuần (phải) đã được ghép tế bào gốc thành công và bé Trần Ngọc Ánh (9 tuổi- trái) bị suy tủy đang chờ được ghép tế bào gốc lấy từ em gái. 

Gặp lại bệnh nhân  “như hoa hướng dương”Chúng tôi vào phòng bệnh của Khoa Tế bào gốc (Viện Huyết Học- Truyền máu Trung ương) và ngỡ ngàng khi bắt gặp cô gái có khuôn mặt xinh xắn, tươi tắn, cặp kính cận và ống truyền vẫn đang được nối trên cánh tay trắng trẻo. Cô gái đó chính là Hoàng Thị Diệu Thuần- bệnh nhân bạch cầu kinh dạng tủy nhiều năm trước. Cô nổi tiếng trong cộng đồng bởi tinh thần lạc quan chống chọi căn bệnh hiểm nghèo và viết tự truyện “Như hoa hướng dương” gây xúc động lòng người.

Hơn 1 năm nay, Thuần đã được ghép tủy thành công từ người anh trai. Đến nay, bệnh tình đã  ổn định, chỉ số máu của Thuần rất tốt. Song hiện nay cô gái vẫn phải quay lại Viện để điều trị nốt căn bệnh viêm gan C mắc phải trước khi được ghép tế bào gốc.

Thuần khoe: “Em đã tăng cân nhiều rồi, từ 34kg sau khi ghép xong nay em đã lên được 40kg. Hiện nay sức khỏe em đang tốt lên. Hồi đó em mà không được ghép tế bào gốc thì chắc chẳng được ngồi nói chuyện với các chị ngày hôm nay. Hiện nay em đang ở nhà dưỡng bệnh, học viết kịch bản...”.

Thuần vốn là cựu học sinh Trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), sau đó học Khoa Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). 6-7 năm liền Thuần phải chống chọi với căn bệnh về máu. Nếu không được ghép tế bào gốc đồng loại từ nguồn cho của anh trai, chắc chắn Thuần sẽ không sống được đến ngày hôm nay.

Mặc dù còn phải nằm viện điều trị bệnh nhưng trông Thuần thật tươi tắn. Nằm trong buồng bệnh với những người cùng cảnh, cô đã động viên, trò chuyện, thắp thêm niềm hy vọng cho những bệnh nhân. Hoàn cảnh, tuổi tác dẫu khác nhau song họ đều giống nhau ở nỗi đau đáu mong được ghép tế bào gốc thành công để trở về cuộc sống bình thường.

Phải ở lại bệnh viện trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi nhưng bệnh nhân Dương Thanh Huy (35 tuổi, ở Hà Nội) vẫn cười rất tươi khi chúng tôi hỏi chuyện. Anh cho biết, bị ung thư bạch cầu hạt 6 năm rồi. 5 năm qua phải uống thuốc hằng ngày nhưng trước Tết anh đã được ghép tế bào gốc từ người thân cho. Sau khi ghép, bệnh tình đã giảm bớt nhiều nên anh rất vui. Khuôn mặt gày, vẫn còn xanh xao nhưng nụ cười anh luôn rạng rỡ xóa tan ám ảnh bệnh tật.

GS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Hiện nay đã có gần 100 ca ghép tế bào gốc được thực hiện tại Viện. Phương pháp này đang không ngừng phát triển, được nâng cao, hoàn thiện chất lượng và đã trở thành một hướng điều trị mũi nhọn của Viện!”.

Rẻ, không đau, dễ thực hiện

BS Võ Thị Thanh Bình - Trưởng khoa Ghép tế bào gốc cho biết: “Với nhiều bệnh nhân, ghép tế bào gốc được xem là phương pháp điều trị cuối cùng bởi có một số trường hợp kháng thuốc nên rất khó trong việc chữa trị. Bệnh nhân Dương Thanh Huy là một ví dụ. Trước đây, anh Huy điều trị mỗi năm hết 500 triệu đồng tiền thuốc, tính ra 5 năm điều trị hết  2,5 tỉ đồng. Tất nhiên số tiền đó là đã được bảo hiểm chi trả gần hết, còn nếu bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi thì chắc không... chịu  nổi.  Bây giờ khi được ghép tế bào gốc, gia đình anh chỉ phải trả 500-600 triệu đồng, trong đó có cả bảo hiểm y tế “gánh” đỡ. Tính ra chỉ bằng 1 năm dùng thuốc”.

Anh Lê Xuân Thịnh- Kỹ thuật viên trưởng ở Trung tâm Tế bào gốc (Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương) cho biết: “Trước đây Viện thường “ghép tươi” cho bệnh nhân (ghép luôn sau 48h tế bào gốc được tách- PV). Đến nay, tế bào gốc đã được lưu giữ lâu hơn, chờ thời điểm thuận lợi nhất để ghép. Riêng tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn có thể lưu được 18 năm. Tế bào gốc được lưu giữ -196oC, khi lấy ra phải thao tác rất nhanh vì các tế bào chết theo từng giây, rồi đưa đến bể ấm ngâm rã đông khoảng 3- 4 phút. Thời gian truyền tế bào gốc chỉ 8-10 phút là hoàn thành. Sau đó bệnh nhân được theo dõi trong môi trường đặc biệt”.

Theo các chuyên gia của Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, ghép tế bào gốc tạo máu hiện nay được coi là phương pháp điều trị tốt nhất, có thể mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về huyết học và một số bệnh khác.

Tế bào gốc có thể lấy được từ nhiều nguồn, như từ máu cuống rốn, từ tủy xương hoặc từ máu ngoại vi. Hiện tại,Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đang thực hiện ghép tế bào gốc bằng phương pháp lấy tế bào gốc từ máu ngoại vi. Đây là một phương pháp hiện đại, với nhiều ưu điểm như không đau, tiết kiệm thời gian, dễ thực hiện, chủ động trong việc thu thập một lượng tế bào gốc. Tế bào gốc tinh sạch hơn, không lẫn những thành phần khác như hạt mỡ, cặn xương…

Ghép tế bào gốc đồng loại là phương pháp lấy tế bào gốc từ những người ruột thịt để ghép cho bệnh nhân. Phương pháp này có thể áp dụng để điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh máu ác tính hoặc không ác tính, đau tủy xương, suy tủy xương, thalassemia... và một số bệnh lý về huyết sắc tố khác.

Ở nước ngoài, mỗi ca ghép tế bào gốc tự thân (lấy ngay trên cơ thể người bệnh), bệnh nhân phải chi trả từ 50.000 - 100.000 USD (tùy từng nước) chưa tính kinh phí di chuyển và người nhà theo chăm sóc. Nhưng tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, chi phí cho một ca như thế chỉ khoảng 120- 150 triệu đồng Việt Nam, trong đó bảo hiểm y tế đã chi trả khoảng 50%. Còn chi phí cho một ca ghép tế bào gốc đồng loại (lấy từ người thân  trong gia đình) từ 500- 600 triệu đồng Việt Nam, trong đó bảo hiểm y tế chi trả trên 60%. Cứu sống bệnh nhân ung thư máu

Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương là cơ sở đầu tiên trên cả nước ghép thành công tế bào gốc đồng loại cho bệnh nhi bị ung thư máu. Bệnh nhân Nguyễn Đình Nam Trường bị ung thư máu từ năm 2011. Sau khi được làm các xét nghiệm, bệnh nhân Nam Trường may mắn có anh ruột là Nguyễn Đình Nam (23 tuổi) có các chỉ số hoàn toàn phù hợp nên Viện đã quyết định tiến hành ca ghép tế bào gốc đồng loại cho bệnh nhân Nam Trường vào cuối năm 2013. Hiện bệnh nhân đã được ra viện, sức khỏe tiến triển tốt.

Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đang triển khai Ngân hàng máu cuống rốn trong cộng đồng để cung cấp nguồn tế bào gốc cho bệnh nhân có nhu cầu.

Theo Hoài Nam (giadinh.net)
Nguồn:

Tin liên quan