Cụ bà 88 tuổi chia sẻ bí quyết nói ngoại ngữ dù chưa từng đi học

Ngày 29/04/2016 19:07 PM (GMT+7)

Mặc dù năm nay đã 88 tuổi nhưng cụ Nguyễn Thị Định (quê Tây Ninh), hiện ở đường Tôn Thất Thuyết, phường 3, quận 4, TP.HCM, ngày nào cũng bán nước ven đường Phạm Ngũ Lão đối diện công viên 23/9.

Cụ khiến nhiều người ngạc nhiên khi có thể nói được 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Campuchia. Điều đặc biệt là tuy nói được nhiều ngoại ngữ nhưng cụ Định không hề qua bất cứ trường lớp nào.

Nói ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ

Vừa thấy chúng tôi, cụ nhanh nhảu hỏi thăm: “Tụi con uống nước gì không, ngồi vào bàn bà lấy cho”. Khi chúng tôi hỏi chuyện cụ biết nhiều ngoại ngữ, cụ nhoẻn miệng cười rồi nói: “Chuyện đó bình thường mà. Lâu nay người ta vẫn thường hỏi tôi về bí quyết như thế nào để học ngoại ngữ và nói để người nước ngoài hiểu ngay mà không cần qua trường lớp. Tôi chỉ chia sẻ thật về câu chuyện của mình.

Đó là từ trước giải phóng, tôi có làm phụ việc cho mấy bà đầm người Tây. Họ nói tiếng Anh và tiếng Pháp. Lúc đầu, tôi cũng chẳng hiểu gì cả nhưng vì tính chất công việc, tôi phải chủ động hỏi họ. Chẳng hạn như, ăn cơm gọi là gì, các từ sinh hoạt đơn giản hằng ngày như cơm nước, đi chơi, đi chợ..., tôi đều hỏi. Sau đó, tôi chủ động hỏi những vấn đề khác bằng tiếng Anh rồi tôi bắt chước họ. Riết rồi, tôi cũng nói ngon lành”.

Theo kinh nghiệm của cụ Định, việc nói ngoại ngữ dễ hay khó tùy thuộc vào mức độ tiếp thu của từng người. Có người học mãi không nói được chuẩn nhưng có người vừa nghe xong liền bắt chước được ngay. Cụ chia sẻ: “Không chỉ tiếng Anh, tiếng Pháp mà bất cứ ngoại ngữ nào nếu để ý là chúng ta có thể học được ngay. Tôi chủ động hỏi nhiều, nghe nhiều và bắt chước nhiều. Nhưng có lẽ do tôi may mắn được tiếp xúc với người bản xứ của ngôn ngữ đó nên có thể nói chuẩn. Vì thế mà bao năm qua, tôi bán nước ven đường nhưng cứ có khách nước ngoài vào mua, hỏi gì, nói gì tôi biết ngay. Nhiều lúc có một số thanh niên đi chơi công viên rồi thấy tôi đối đáp bằng ngoại ngữ với người nước ngoài nên đứng lại hỏi thăm, tôi cũng chỉ cho họ cách học ngoại ngữ nhanh là chỉ có tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài”.

Mỗi khi có người đi qua, bất kể già trẻ, gái trai, cụ đều chào hỏi vui vẻ và mời mua nước. Cụ cho biết, sự hòa đồng, cởi mở với mọi người cũng chính là cách giúp mình xích lại gần hơn với người nước ngoài. Từ đó, cơ hội nói chuyện với họ nhiều hơn. “Để nói chuyện được với người nước ngoài, mình cần chủ động làm quen trước. Tôi từng gặp nhiều người đến uống nước chỗ quán tôi, họ uống xong trả tiền đi ngay. Nhưng có người cũng vui tính, họ nán lại hỏi thăm về gia đình và sức khỏe của tôi. Tôi đều giải thích với họ bằng tiếng Anh. Hồi nhỏ tôi không được đi học nên chẳng biết chữ và cho đến bây giờ tôi chẳng xài được điện thoại. Sáng dậy đi làm có thằng con trai út chở đồ qua cho bán, mua sẵn đồ ăn sáng, còn chiều thì có thằng con trai lớn chở đồ về và mua đồ ăn...”.

Đang kể chuyện cho chúng tôi nghe, thấy hai vị khách du lịch người Anh, cụ vội đứng lên cười tươi và chào hàng: “Did you buy? You want water or C2? (Bạn mua gì, bạn muốn mua nước suối hay C2?). Vị khách đáp là muốn mua nước suối. Khi trả tiền thừa cho khách, cụ cũng nói bằng tiếng Anh. Trước khi hai vị khách rời đi, cụ còn cười trìu mến. Cụ Định kể, cụ làm nghề bán nước tại khu vực này được 38 năm nên gặp nhiều người nước ngoài. Cụ có sở thích nói ngoại ngữ. Tiếng Pháp, Trung Quốc, Campuchia, cụ đều nói như người bản địa. Cụ tự hào rằng mình tuổi đã cao nhưng chưa khi nào phải nằm viện điều trị bệnh của người già.

Có mặt tại quán nước của cụ, chúng tôi gặp bạn Lê Thị Lan, sinh viên năm cuối một trường cao đẳng trên địa bàn TP.HCM. Lan đang rất háo hức nghe cụ kể chuyện học ngoại ngữ. Lan nhớ lại: “Con từng nghe nói cụ giỏi nhiều ngoại ngữ, nhưng hôm nay tận mắt chứng kiến cụ nói với người nước ngoài, con cảm thấy phục cụ. Sinh viên như tụi con chưa nói được thứ tiếng nào dù chỉ ở mức giao tiếp, thế mà cụ nói được 4 thứ tiếng, thật đáng phục.

Trên các diễn đàn mạng thường đưa tin kể về cụ nhiều khi tụi con nghĩ là họ nói không đúng nhưng hôm nay quả thật con đã được tận mắt chứng kiến”.

Gia đình hạnh phúc

Chia sẻ với chúng tôi, cụ Định kể thêm, trước đây gian hàng nước đơn sơ này, hai vợ chồng cụ cùng bán. Nhưng 6 năm về trước, chồng cụ Định “ra đi”.

Dù tuổi cao, cụ vẫn một mình gắn bó với công việc này. Cũng chính nhờ sự chăm chỉ làm việc mà cụ đã nuôi các con ăn học thành người, ai cũng học đại học và có việc làm ngay sau khi ra trường. Không chỉ thế, con cụ đều là những người con hiếu thảo với mẹ. Điều cụ vui nhất chính là cuộc sống hạnh phúc gia đình mình. Nhớ lại những thời gian chung sống với người chồng quá cố, cụ Định tự hào, trong suốt hơn 60 năm cuộc sống vợ chồng, hai cụ chưa bao giờ to tiếng cãi vã.

Cụ Định kể: “Đã là vợ chồng, sống chung với nhau dưới một mái nhà chắc chắn sẽ có chuyện này nọ, mâu thuẫn rồi thì bất đồng quan điểm sống với nhau. Đó là chuyện bình thường. Thế nhưng, vợ chồng chúng tôi xác định sống với nhau không chỉ vì tình yêu mà còn cả cái nghĩa vợ chồng. Do đó khi giận hờn, chúng tôi thường bỏ đi nơi khác không ai nói gì. Chờ khi người này hết giận, người kia mới bắt đầu nói”.

Điều cụ Định nhớ nhất về chồng là cụ ông rất hiền, tốt bụng. Cụ bộc bạch: “Trước khi lấy tôi, nhiều người thấy chồng tôi rất hay chửi thề. Khi mới lấy nhau, tôi ra điều kiện cho chồng tôi là không được chửi thề, không chửi mắng và đánh đập vợ con, phải cùng với vợ xây dựng gia đình hạnh phúc chăm lo cho con học giỏi để có tương lai tươi đẹp hơn. Gia đình tôi tuy không giàu nhưng rất hạnh phúc”. Điều mà nhiều người bất ngờ về cụ Định là suốt 38 năm qua, mặc dù đã già cả nhưng chưa có ngày nào cụ nghỉ ngơi. Trong một năm, cụ chỉ ở nhà đúng ngày mùng 1 tết âm lịch. Còn những ngày khác, cụ làm việc từ 5h sáng đến 5h chiều.

“Có lẽ do trời thương nên tôi chưa lần nào phải đi viện khám bệnh. Cho đến bây giờ nhiều người tuổi như tôi cũng phải ngạc nhiên khi thấy tôi có thể gánh hai xô nước. Sài Gòn những ngày mùa mưa rất vất vả với những người bán hàng rong như tôi. Có lúc mưa xối ào ào, tôi chỉ mặc có một bộ đồ, thế là ướt sũng người nhưng khi tạnh mưa thì áo quần bắt đầu khô. Nhiều người khuyên tôi về nghỉ thay đồ, nhưng tôi quen rồi, đâu có sợ bệnh gì. Với lại tôi có khi nào bệnh đâu. Nếu tôi không làm việc một ngày chắc chắn bệnh sẽ đến. Con tôi đứa nào cũng có việc ổn định và thu nhập khá, chúng khuyên tôi nghỉ làm nhưng tôi không nghỉ được. Với tôi, mỗi ngày đi bán nước là một niềm vui mặc dù lời lãi chả bao nhiêu, ngày chỉ được tầm 70 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng”, cụ Định nói.

Chia sẻ với PV, ông Trịnh Trấn Đạt, bảo vệ khu phố Tây, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 bày tỏ: “Cụ Định được người dân khu vực biết tới với những cái tên như bà Ba, dì Ba, là người bán nước lâu năm nhất tại khu vực này. Cụ được nhiều người biết đến vì giỏi nhiều ngoại ngữ. Mặc dù đã cao tuổi, nhưng không ngày nào cụ dừng bán nước phục vụ người dân, du khách. Cán bộ phường cũng như khu phố luôn tạo điều kiện giúp đỡ cụ”.

Theo LÀNH NGUYỄN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự