Cục Khám chữa bệnh nói gì về tình trạng lạm dụng kháng sinh?

Ngày 10/10/2015 00:09 AM (GMT+7)

Ông Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã thẳng thắn cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng là do nhận thức của người dân và cộng đồng về vấn đề sử dụng kháng sinh còn rất hạn chế.

Tình trạng tự ý mua kháng sinh về dùng, lạm dụng kháng sinh để điều trị bệnh cho chính mình và con cái của các bậc phụ huynh đã gây ra không ít tác hại khôn lường. Tuy nhiên, vẫn có không ít trẻ suýt mất mạng sống vì dùng kháng sinh vô tội vạ. Đề giúp độc giả hiểu rõ hơn về việc này và nhằm giảm thiểu những sự việc đáng tiếc liên quan đến sử dụng kháng sinh, chúng tôi xin giới thiệu chùm bài viết với nhiều ý kiến tư vấn của chuyên gia, bác sĩ tại các bệnh viện đầu ngành ở Hà Nội

Kỳ 1: Suýt mất mạng vì tự ý mua kháng sinh điều trị

Kỳ 2: Tự ý dùng kháng sinh còn nguy hiểm hơn cả HIV

Kỳ 3: Khi nào phụ huynh nên cho trẻ dùng kháng sinh?

Kỳ 4: Cục Khám chữa bệnh nói gì về tình trạng lạm dụng kháng sinh?

Phó Cục trưởng Thái cho rằng, tình trạng sử dụng kháng sinh “vô tội vạ” của người dân cũng như việc các quầy thuốc bán kháng sinh một cách tự tiện không cần đơn của bác sĩ, dẫn đến việc người bệnh bị kháng thuốc ngày càng gia tăng.

Theo ông Thái, việc ra đời của kháng sinh là một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của y học, bởi kháng sinh đã cứu hàng triệu người trên thế giới. Tuy nhiên, kháng sinh cũng đã gây ra sự kháng thuốc và đó là quy luật tự nhiên của vi khuẩn để chống lại kháng sinh.

“Bên cạnh đó việc lạm dụng và sử dụng không đúng kháng sinh của cán bộ y tế và người dân cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng hơn. Nguy cơ đó sẽ khiến chúng ta không có những thuốc kháng sinh để điều trị cho người bệnh và hệ lụy của nó chính là tỷ lệ tử vong sẽ tiếp tục tăng cao, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến cả vấn đề kinh tế của người bệnh nói riêng và vấn đề kinh tế quốc gia nói chung”, ông Thái thông tin.

Cục Khám chữa bệnh nói gì về tình trạng lạm dụng kháng sinh? - 1

Tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi rất đáng báo động, nhất là vùng nông thôn.

Trả lời câu hỏi "Nhiều bệnh viện, khi bệnh nhân đến khám, bác sĩ chỉ hỏi những triệu chứng, biểu hiện của bệnh rồi cho sử dụng kháng sinh?", Phó Cục trưởng cho biết, bác sĩ có thể khám lâm sàng và dựa trên kết quả xét nghiệm để xác định xem bệnh nhân có bị nhiễm trùng hay không, từ đó sẽ đưa ra quyết định sử dụng kháng sinh.

“Trong trường hợp đó thì tôi nghĩ là không có vấn đề gì, bởi có nhiều loại nhiễm trùng có thể bằng thăm khám, nghe tiền sử bệnh lý của người bệnh cũng như là một số xét nghiệm cơ bản là có thể xác định được”, ông Thái nói.

Đồng thời, ông Thái cho biết thêm, có những trường hợp cần phải làm xét nghiệm rất kỹ để định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ. “Điều này chúng tôi cũng đã lưu ý tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân ngoại trú phải hết sức lưu ý, nếu đủ các dấu hiệu để khẳng định là nhiễm khuẩn thì cho sử dụng kháng sinh, còn nếu chưa đủ bằng chứng thì cần phải lưu bệnh nhân lại bệnh viện để theo dõi và làm các xét nghiệm cần thiết”, Phó Cục trưởng lý giải.

Theo ông Thái, để bác sĩ có quyết định sử dụng kháng sinh chính xác nhất thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố. “Từ vấn đề cơ sở vật chất cho đến những Labo, đặc biệt là Labo vi sinh thì chúng ta mới có đủ điều kiện để định danh được vi khuẩn gây bệnh, từ việc định danh được vi khuẩn thì mới có thể làm được kháng sinh đồ, từ đó mới xác định vấn đề kháng thuốc của vi khuẩn và dựa trên cơ sở đó bác sĩ chỉ định kháng sinh cho phù hợp”, ông Thái phân tích.

Tuy nhiên, ông Thái cũng thẳng thắn cho biết: “Hiện nay vì điều kiện vật chất của các bệnh viện rất hạn chế để đầu tư cho các khoa xét nghiệm đặc biệt là khoa vi sinh. Một số bệnh viện trung ương với quy mô lớn thì mới có điều kiện thành lập khoa vi sinh, còn lại hầu hết các bệnh viện hiện nay chỉ có khoa xét nghiệm trong đó có Labo vi sinh”.

“Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đang triển khai phối hợp nhằm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, để thành lập khoa vi sinh, xây dựng danh mục kháng sinh sử dụng đối với từng bệnh viện một, từng khu vực như: Đa khoa, chuyên khoa và đối với tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện sao cho phù hợp nhất”, ông Thái cho hay.

Tuy nhiên, để giải quyết thực trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi hiện nay, thì trước hết cần tập trung đẩy mạnh phòng chống kháng thuốc. Đó là  nâng cao nhận thức cho người dân, để người dân thấy được việc sử dụng kháng sinh bừa bãi như hiện nay là nguy cơ dẫn đến những hậu quả cho chính bản thân người bệnh và chính người bệnh phải gánh chịu hậu quả đó.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự