Đánh vợ là do chồng bất lực, yếu đuối

Ngày 27/06/2014 00:00 AM (GMT+7)

Không ít những ông chồng sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ bất cứ lúc nào, vì những lý do hết sức nhỏ nhặt. Tuy nhiên hành động sử dụng vũ lực đó không phải là biểu hiện mạnh mẽ mà nó càng thể hiện sự yếu đuối và bất lực của người chồng.

Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6), một lần nữa vấn đề bạo hành gia đình, bạo hành phụ nữ vẫn là chuyện gây sự chú ý quan tâm. Dù năm nay, ngày Gia đình Việt Nam được Bộ VH-TT&DL lấy chủ đề là "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" nhằm đề cao sự cố kết của các thành viên trong gia đình thông qua bữa cơm ấm cúng. Để có bữa cơm ấm cúng thực sự mỗi ngày đòi hỏi phải giảm được bạo hành trong gia đình. Vậy làm thế nào để hạn chế bạo hành gia đình? Đó là nội dung những bài viết sẽ được đăng tải trên mục Tin tức của Eva.vn.

Những ông chồng vũ phu

Cách đây không lâu, dư luận được phen bàng hoàng và xót xa cho số phận chị H (quê Mỹ Lộc, Nam Định) khi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị thương tích đầy mình. Kẻ gây ra thương tích cho người phụ nữ này không phải ai khác chính là T – người chồng của mình. Càng xót thương cho thân phận hẩm hiu của chị H bao nhiêu, dư luận càng tỏ ra bức xúc và căm phẫn trước hành động “phi nhân tính” của người chồng bấy nhiêu.

Có lẽ, trước khi kết hôn, chị H cũng không thể ngờ được rằng anh T chồng chị lại có thể có ngày đánh đập vợ như tra tấn một tù nhân với những hành động dã man nhất: thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đâm kin vào “vùng kín” của vợ, dọa bắt vợ phải ăn phân…

Câu chuyện của chị H chỉ là một trong số hàng ngàn “ca” tương tự đã và đang xảy ra hằng ngày. Nhiều vụ báo chí đã phải lên tiếng và các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc để giải quyết. Một điều dễ nhận thấy là trong vấn đề bạo lực gia đình, đa phần đều xuất phát từ người chồng (phái mạnh) và những nguyên nhân dẫn đến những hành động đánh đập, hành hạ vợ con của những ông chồng trên dường như đều có “mẫu số chung”: chồng cờ bạc, rượu chè, lười biếng, ghen tuông,…

Đánh vợ là do chồng bất lực, yếu đuối - 1

Bạo hành gia đình, bạo hành phụ nữ đã và đang là vấn nạn phổ biến trong xã hội hiện nay. Đây là hành vi xã hội cần phải lên án mạnh mẽ hơn nữa.

Theo kết quả thống kê mới đây của Hội Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam cho thấy, có đến 80% các vụ bạo lực gia đình đều có nguyên nhân bắt đầu từ người chồng. Cũng theo số liệu thống kê này thì phần lớn nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực gia đình trên dù đều có các nguyên nhân gần như giống nhau, thuộc các nhóm như: chồng cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, ghen tuông, kinh tế khó khăn, bệnh lý,… và đa phần nạn nhân của bạo hành gia đình đều rơi vào nhóm phụ nữ sống ở nông thôn – nơi nhận thức về quyền bình đẳng giới của người phụ nữ lẫn đàn ông còn hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn và bị ràng buộc vào các mối quan hệ gia đình, làng xóm nặng nề.

Cách đây không lâu, khi đưa một người bạn Mỹ (là phóng viên mới sang Việt Nam) đi ăn trưa ở phố Tống Duy Tân (Hà Nội), bản thân người viết cũng đã chứng kiến một cảnh bạo lực gia đình ngay giữa quán ăn, mà anh bạn Mỹ chỉ biết trợn tròn mắt lên nhìn và phải thốt lên: “Ồ ồ”. Sau khi đánh bài thua, người đàn ông trung niên ra yêu cầu vợ đưa tiền để tiếp tục "nướng" vào cuộc đỏ đen. Người vợ (chủ quán phở) đã từ chối. Không nói không rằng, người đàn ông nọ túm lấy tóc vợ dúi xuống và dùng tay tát tới tấp vào mặt vợ mình – ngay trước mặt hàng chục thực khách đang ngồi. Xong, gã mở ngăn bàn, lấy hết tiền và bỏ đi, mặc người vợ ôm mặt khóc vì đau và xấu hổ.

Chứng kiến cảnh tượng trên, anh bạn Mỹ chỉ còn biết lắc đầu quầy quậy. “Sao họ không ly hôn?”, anh bạn người Mỹ hỏi. Người viết bài này đã phải giải thích rằng ở Việt Nam văn hóa không giống như Mỹ, ly hôn là cả một vấn đề hết sức nặng nề và người phụ nữ thì bao giờ cũng nghĩ đến con cái. “Nhưng cứ cam chịu thế sao?”, người bạn hỏi lại. Quả thực, câu hỏi của người bạn Mỹ cũng là vấn đề mà chúng ta cần phải thẳng thắn suy nghĩ một cách nghiêm túc.

Đánh vợ để che đi yếu đuối của mình

Với hơn chục năm làm công tác tư vấn, đã trực tiếp “gỡ rối” hàng ngàn “ca” về vấn đề tình yêu, hôn nhân và gia đình, chuyên gia tâm lý – TS.Trịnh Trung Hòa (Trung tâm tư vấn Linh Tâm, Hà Nội) không mấy ngạc nhiên trước những vụ bạo hành gia đình bởi với ông, dường như đó là câu chuyện gặp “như cơm bữa”.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến bạo hành gia đình, Tiến sĩ Trịnh Trung Hòa cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến các hành vi bạo hành gia đình thì có nhiều, nhưng theo nghiên cứu thì được xếp vào 2 nhóm nguyên nhân chính: đó là nhóm nguyên nhân từ phía cá nhân và nhóm nguyên nhân xã hội.

Phía nhóm nguyên nhân cá nhân, phần lớn những vụ bạo hành gia đình đều có xuất phát từ cá nhân vợ hoặc chồng “có vấn đề”. Thường là do đam mê cờ bạc, hút chích, rượu chè, nợ nần, mại dâm, kinh tế khó khăn… dẫn đến sao nhãng việc gia đình, khiến mâu thuẫn gia đình nảy sinh và bùng phát. Kết quả là dẫn đến bạo hành.

Đánh vợ là do chồng bất lực, yếu đuối - 2

Chuyên gia tâm lý - TS.Trịnh Trung Hòa.

Ngoài ra, cũng cần phải nói đến nhóm nguyên nhân xã hội cũng dẫn đến nạn bạo hành gia đình. Đó là ý thức hệ phong kiến với những quan niệm cổ hủ lạc hậu còn sót lại, là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, coi người đàn ông là trung tâm, và đôi khi còn do nhận thức của cả người chồng và vợ về quyền bình đẳng giới chưa được đầy đủ… Cho nên tất cả những nguyên nhân trên là cơ sở để nạn bạo hành gia đình vẫn tồn tại”.

Về hành vi người chồng dùng vũ lực đối với vợ, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết: “Tôi đã tận mắt chứng kiến không ít những ông chồng sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ bất cứ lúc nào, vì những lý do hết sức nhỏ nhặt. Tuy nhiên hành động sử dụng vũ lực đó không phải là biểu hiện mạnh mẽ mà nó càng thể hiện sự yếu đuối và bất lực của người chồng.

Khi ở anh cảm thấy mình yếu đuối, bất lực trước xã hội và những người khác trong xã hội, có thể là về khả năng tài chính, trình độ, địa vị,… và anh ghen tức với họ thì tâm lý tất yếu là anh phải trút sự ghen tức đó lên một ai đó để thỏa mãn nhu cầu tâm lý nhất thời và cũng để che giấu đi sự yếu kém đó của mình. Cho nên, người chồng đánh vợ không thể và không bao giờ là người chồng mạnh mẽ cả”.

“Nhưng đôi khi, anh ta đánh vợ cũng là vì bản tính anh ta vốn dĩ đã vũ vu, côn đồ. Nhưng nói chung, dù là nguyên nhân nào thì đánh vợ vẫn là điều không thể chấp nhận được. Bạo hành gia đình là một vấn nạn mà chúng ta và cả xã hội cần phải lên án để từng bước hạn chế và xóa bỏ nó”, TS.Trịnh Trung Hòa khẳng định.

Điều 42 của Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình năm 2007 đã quy định rất rõ các mức xử lý về hành vi bạo lực gia đình như sau:

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

3. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

H.Sơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Bạo hành gia đình