Thay SGK: 'Thay mà không đổi thì chỉ phí tiền thôi'

Ngày 18/04/2014 09:43 AM (GMT+7)

“Một Đề án đưa ra mà còn nhiều ý kiến phản đối thì nên xem xét lại, bởi có thể nó chưa phù hợp với thực tế”, ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng QH nói.

Tại  phiên họp thứ 27 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII diễn ra ngày 14/4, khi đề cập đến việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, ông Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết để thực hiện Đề án cần khoảng 35.000 tỉ đồng đầu tư. Trước đó, Dự thảo “Đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015” đã được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ vào cuối tháng 2/2014. Đề án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014 - 2015) sẽ hoàn thành cơ sở khoa học cũng như chuẩn bị các nguồn lực xây dựng, biên soạn và thẩm định chương trình và SGK. Giai đoạn 2 (2016 – 2022), đề án đặt nhiệm vụ hoàn thành việc thử nghiệm và ban hành chương trình, SGK mới và tiếp tục biên soạn SGK thử nghiệm các môn học 9 lớp còn lại. Tuy nhiên, cho đến nay, dự thảo Đề án này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các đại biểu QH và trong dư luận cũng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về Đề án này.

“Quá tốn kém”

- Vừa qua Bộ GD&ĐT có trình trước QH Đề án về thay đổi nội dung SGK, ông nhận xét gì về Đề án này?

Ông Lê Như Tiến: Tôi cũng đã được nghe đại diện Bộ GD&ĐT trình bày qua Đề án này trong kì họp của Ủy ban Thường vụ QH vừa qua và cũng nghe được khá nhiều ý kiến đóng góp, phản hồi của nhiều đại biểu QH cũng như của các chuyên gia về giáo dục. Tôi thấy ý kiến chung đa phần là phản đối. Theo tôi thì một đề án đưa ra mà còn nhiều ý kiến phản đối thì nên xem xét lại, bởi nó chưa phù hợp với thực tế. Chúng ta phải xem xét nó có khả thi hay không, chứ không thể cứ theo ý muốn chủ quan áp đặt để làm ào ào được.

Thay SGK: Thay mà không đổi thì chỉ phí tiền thôi - 1

Ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm UB Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng QH.

- Theo như đại diện Bộ GD&ĐT trình bày trước QH thì Đề án “thay đổi nội dung SGK” lần này cần đầu tư kinh phí khoảng 34.725 tỉ đồng, chưa kể khoản đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Lê Như Tiến: Đó là một khoản kinh phí khá lớn, mà tôi nghĩ là nó cũng vượt quá khả năng chi của ngân sách nhà nước lúc này. Với một khoản đầu tư như thế, rất cần phải cân nhắc. Đâu phải chỉ có vấn đề thay đổi nội dung SGK, chúng ta còn bao nhiêu vấn đề nóng khác, liên quan đến dân sinh cần phải được đầu tư. Tôi nhớ không nhầm thì nội dung SGK cũng chỉ mới thay đổi cách đây chưa lâu, có khi chưa đến chục năm, sao cứ thay đi đổi lại mãi như vậy?

Mà thay đổi nội dung SGK thì có nghĩa là biên soạn lại, in lại, làm gì mà hết chừng ấy số tiền được. Tôi cho là quá tốn kém. Thay đổi nội dung SGK là việc nên làm, nhưng có lẽ chưa phải là lúc này vì chưa đúng thời điểm và khả năng chi đầu tư của ngân sách nhà nước là cũng khó.

“Có thay mà không có đổi”

- Cũng có một số ý kiến cho rằng nội dung SGK hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập, theo ông thì những bất cập này do đâu và hướng giải quyết thì như thế nào?

Ông Lê Như Tiến: Những bất cập trong nội dung chương trình SGK thì nhiều người đã nhận ra và nhận ra từ lâu chứ không phải bây giờ mới phát hiện. Cách đây độ gần chục năm, ngay khi nội dung SGK mới được biên soạn và in ra, một số chuyên gia đã phát hiện ra là nội dung có chỗ đã bị lỗi. Những bất cập đó như về phân bố nội dung kiến thức, nội dung chương trình học không đều, cái cần thiết thì lại bỏ đi, không đưa vào sách, trong khi nhiều nội dung thì lại đưa quá nhiều, rồi thì một số nội dung đưa vào chương trình SGK lại chưa tính đến tầm nhận thức của học sinh, rằng ở độ tuổi đó thì học sinh đã nhận thức được nội dung mà SGK đề cập hay chưa…

Tôi nghĩ để giải quyết được những hạn chế trên đòi hỏi cần phải có thời gian, tất nhiên sẽ buộc phải chỉnh sửa lại nội dung, thậm chí đổi mới, biên soạn mới lại hoàn toàn. Song vấn đề là thời điểm nào là hợp lý. Bây giờ chương trình SGK vừa đổi mới chưa được chục năm, lại bỏ đi, thay mới lại từ đầu thì tôi nghĩ là vô cùng lãng phí. Còn bất cập trong nội dung SGK chính là do công tác biên soạn đã làm chưa kĩ, chưa khoa học. Bởi vậy nếu có thay đổi lần sau thì nên chú ý công tác biên soạn sách.

- Cũng có nhiều người kì vọng với việc thực hiện Đề án “thay đổi nội dung chương trình SGK” lần này, Bộ GD&ĐT quyết tâm đổi mới giáo dục theo từng bước?

Ông Lê Như Tiến: Tôi không cho là như vậy. Đổi mới giáo dục phải hội tụ nhiều yếu tố, nó là cả một quá trình, mà trong đó nhân tố con người và nhận thức là vô cùng quan trọng. Thực tế thì mấy chục năm trở lại đây, người ta đã nghe Bộ GD&ĐT nói đến “đổi mới”, “cải cách”, thậm chí làm “cách mạng” trong giáo dục, nhưng rồi cũng vẫn “bình mới rượu cũ”, vấn đề cũng chẳng di đến đâu. Sợ nhất là tốn kém kinh phí nhà nước mà vẫn “có thay mà không có đổi”. “Thay” mà không “đổi” thì theo tôi chỉ phí tiền ngân sách nhà nước thôi.

Xin cảm ơn ông.

H.Sơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan