Đi chữa đau mắt, cháu bé 2 tuổi phải mổ cấp cứu vì giun đục thủng ruột thừa

Ngày 03/10/2016 15:01 PM (GMT+7)

Các bác sĩ tại Bệnh viện Xanh – Pôn vừa phẫu thuật một trường hợp bệnh nhi khá hy hữu khi bị giun đục thủng ruột thừa khi trẻ mới 2 tuổi.

Xác nhận thông tin trên Ths.BS Nguyễn Đình Hưng – GĐ Bệnh viện Đa khoa Xanh – Pôn cho biết, đó là trường hợp bệnh nhi Cứ A Chông Thương, 26 tháng tuổi ở Sơn La, được mổ cấp cứu do đau bụng vào tối 29/9.

Gia đình bệnh nhi Thương cho biết, ban đầu cháu phải nhập viện để điều trị bệnh đau mắt. Tuy nhiên, bệnh viện tỉnh chuyển cháu xuống bệnh viện Mắt Trung ương với chẩn đoán bị viêm kết giác mạc.

Tại bệnh viện Mắt Trung ương, do cháu Thương lên cơ đau bụng dữ dội nên đã được các bác sĩ chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Gia đình cháu Thương cũng cho hay, thời gian ở nhà cháu cũng thường xuyên bị đau bụng, nhưng chưa lần nào đau dữ dội như lần này.

Đi chữa đau mắt, cháu bé 2 tuổi phải mổ cấp cứu vì giun đục thủng ruột thừa - 1

Bệnh nhi Thương sau khi được các bác sĩ phẫu thuật hồi phục tốt.

Sau khi chuyển Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các bác sĩ tiến hành thăm khám, chụp chiếu hình ảnh và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả cho thấy, ổ bụng của cháu Thương có dịch và có biểu hiện bị nhiễm độc. Ngay lập tức các bác sĩ đã cho hội chẩn kết luận cháu bé bị viêm phúc mạc ruột thừa phải mổ cấp cứu.

BS Hưng cho biết, khi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật mở ổ bụng thì phát hiện ruột thừa của bé đã bị giun đục thủng, làm tràn dịch ra ổ bụng gây tình trạng nhiễm độc.

Ngay lập tức bệnh nhi Thương được các bác sĩ cắt bỏ ruột thừa, làm vệ sinh ổ bụng.

Nhận định về ca bệnh này, GĐ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, đây là hiện tượng khá hiếm gặp tại Bệnh viện Xanh Pôn nói riêng và các bệnh viện trên cả nước nói chung. Được biết, sau khi mổ bệnh nhi hồi phục tốt.

Liên quan đến tình trạng nhiễm giun ở trẻ em hiện nay, trao đổi với phóng viên TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng,  Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, hiện nay tuy tỷ lệ nhiễm giun ở Việt Nam đã giảm so với cách đây 10 năm về trước, tuy nhiên vẫn có những địa phương còn có tỷ lệ nhiễm khá cao.

“Tỷ lệ nhiễm giun cao chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía bắc Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên… Cụ thể ở Hà Giang năm 2013, qua làm các xét nghiệm chúng tôi thấy có đến 80% học sinh tiểu học còn nhiễm giun”, TS Dũng cho hay.

Theo TS Dũng, để phòng bệnh và giảm tỷ lệ nhiễm giun ở trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung, ngoài việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, người dân cần thực hiện tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần. Riêng trẻ em từ 1-2 tuổi, khi tẩy giun cần phải tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp