Dịch bệnh vào mùa, bệnh nhi nằm la liệt ở hành lang

Ngày 24/09/2015 10:23 AM (GMT+7)

Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát và lan rộng, số lượng trẻ em nhiễm bệnh tăng cao, nhiều ca nặng. Các bé phải nằm ghép, nằm tràn ra hành lang do lượng giường không đủ để đáp ứng.

Bệnh sốt xuất huyết tăng chóng mặt

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, tính đến ngày 20/9, TP.HCM có 9.357 ca sốt xuất huyết, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng trong tuần vừa qua, toàn thành phố có 592 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, số lượng bệnh nhi bị nhiễm bệnh rất đông, bệnh nhi phải nằm tràn ra hành lang do số lượng giường không đủ đáp ứng.

Lý giải vấn đề này, thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết cho biết, vào tháng 4 - 5, khoa chỉ có khoảng 30 ca, nhưng đến nay thành 90 ca. Trung bình mỗi ngày khoa sốt xuất huyết điều trị từ 80 - 90 em. Chỉ tiêu của khoa sốt xuất huyết chỉ có 90 giường nhưng còn phải điều trị thêm một số bệnh lý khác. Với số lượng bệnh nhi nhập viện liên tục như mấy ngày hôm nay thì quá tải là điểu không thể tránh khỏi.

Dịch bệnh vào mùa, bệnh nhi nằm la liệt ở hành lang - 1

Bệnh nhi nhiễm sốt xuất huyết nằm tràn ra hàng lang của bệnh viện.

Trong số các ca sốt xuất huyết đang điều trị thì có đến 70% bệnh nhi sống tại TP.HCM, đa số cư trú tại các quận, huyện như Hóc Môn, Củ Chi, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân và quận 8.

Qua điều tra dịch tễ, tại các ổ dịch đều phát hiện ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trong những vật chứa nước thông thường như lu, phuy chứa nước sinh hoạt, bình bông, chén nước cúng, vật phế thải, máng nước uống của vật nuôi… Bên cạnh đó, những điểm nguy cơ tập trung như cơ sở tái chế vỏ xe, vựa phế liệu, chậu cây cảnh, những bãi đất trống bị người dân xung quanh bỏ các vật phế thải…

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo phụ huynh cách nhận biết sốt xuất huyết sớm cũng như dấu hiệu trở nặng đưa trẻ đi bệnh viện kịp thời. Nếu phát hiện trẻ bị sốt cao (39 độ), mệt mỏi lừ đừ, có thể xuất hiện chấm đỏ trên da, chảy máu chân răng,… thì phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, đã có 3 trường hợp trẻ bị tử vong do sốt xuất huyết. Cả 3 bé này đều nhập viện quá trễ trong tình trạng xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.

Dịch bệnh vào mùa, bệnh nhi nằm la liệt ở hành lang - 2

Tại phòng khám Khoa sốt xuất huyết rất đông phụ huynh đưa con đến khám.

Bệnh tay chân miệng, thủy đậu vào mùa

Ngoài dịch sốt xuất huyết đang bùng phát nhanh thì tình hình dịch bệnh tay chân miệng và bệnh thủy đậu cũng đang bắt đầu vào mùa.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trong tuần vừa qua có 274 ca nhập viện, tăng 46% so với số ca bệnh trung bình của 4 tuần gần nhất. Trung bình mỗi ngày có gần 40 trường hợp tay chân miệng nhập viện. Tính đến hết tuần vừa qua, toàn thành phố có 5.091 trường hợp tay chân miệng nhập viện, thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2014.

Nhìn chung từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh tay chân miệng khá ổn định, số ca nhập viện hàng tuần luôn duy trì ở mức thấp hơn năm 2014, cũng như thấp hơn so với trung bình 4 năm trước đó. Tuy nhiên từ tuần 35 đến nay, số ca bệnh Tay chân miệng nhập viện hàng tuần bắt đầu gia tăng theo mùa và đã vượt qua mức cùng kỳ 2014.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, hiện khoa đang tiếp nhận điều trị cho hơn 80 trường hợp mắc tay chân miệng, nhiều trẻ nhập viện khi đã ở giai đoạn nặng, biến chứng.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ mắc tay chân miệng nhập viện trong tình trạng nặng là do tâm lý chủ quan của phụ huynh và cả bác sĩ. “Thường thì người dân chỉ cảnh giác với bệnh tay chân miệng vào thời điểm bùng phát (đỉnh dịch), còn vào đầu mùa như hiện nay cộng đồng thường lờ là, mất cảnh giác. Vì vậy, nhiều trẻ không được phát hiện và đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng nặng nề, nguy hiểm”, bác sĩ Khanh cho biết thêm.

Các bác sĩ khuyến cáo phải rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng cho bản thân và cho trẻ nhỏ, Đồng thời hàng tuần vệ sinh đồ chơi, vật dụng và khu vực sinh hoạt của trẻ bằng xà phòng và chất tẩy rửa thông thường.

Riêng bệnh bệnh thủy đậu, ngày 23/9 đã phát hiện 2 ổ tại trường THCS Lê Văn Tám (phường 12, quận Bình Thạnh) và trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (phường Hiệp Thành, quận 12).

Theo Trung tâm Y tế dự phòng quận 12, 19 trường hợp trẻ mắc bệnh ở Trường THCS Nguyễn Thái Bình rải rác ở 8 lớp, tập trung chủ yếu ở lớp 1 và lớp 2. Trong số này có đến 17 em học bán trú tại một cơ sở nuôi giữ trẻ ngoài giờ.

Cùng với ổ bệnh trên, Trung tâm Y tế Dự phòng quận Bình Thạnh cũng đã ghi nhận 4 học sinh tại trường THCS Lê Văn Tám mắc thủy đậu. Hiện các học sinh mắc bệnh đã được nghỉ học, ở nhà cách ly điều trị.

Trung tâm Y tế Dự phòng địa phương đã phối hợp với nhà trường tiến hành vệ sinh khử khuẩn, tập huấn cho giáo viên, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về kỹ năng phòng chống bệnh thủy đậu.

Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốt cao, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, phụ huynh cần cho con em nghỉ học ở nhà đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được kiểm tra, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng và lây nhiễm cho cộng đồng.

Thanh Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot