Dùng 7,5 mét chỉ khâu 200 mũi cho cháu bé bị chó nhà cắn

Ngày 28/10/2015 08:39 AM (GMT+7)

Sau khi bị chó nhà cắn, cháu bé 8 tuổi đã phải nhập viện với 15 vết thương sâu, bác sĩ đã dùng 7 sợi chỉ với tổng chiều dài 7,5 mét được khâu cho bé với trên 200 mũi khâu.

Chiều 27/10, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM), cho biết khoa này vừa tiếp nhận bệnh nhi Lưu Lệ Thanh (8 tuổi, Bình Phước) bị chó nhà cắn nát mặt rất thảm thương.

Theo người nhà của bé, trưa ngày 26/10, con chó lai nhà nuôi nặng khoảng 20kg ra đường và trở về với vết thương ở chân. Thấy con chó bị thương, bé Thanh chạy lại ôm chân chó. Con chó đau nên quay lại và cào cắn vào trúng mặt em.

Gia đình tức tốc đưa bé xuống Viện Pasteur TP.HCM tiêm ngừa, xong chuyển qua BV Nhi Đồng 1.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, người trực tiếp cấp cứu cho bé Thanh, cho biết bé Thanh nhập vào viện lúc 20 giờ ngày 26/10 trong tình trạng mặt mày bị rách nát, trông rất thương tâm.

Dùng 7,5 mét chỉ khâu 200 mũi cho cháu bé bị chó nhà cắn - 1

Hình ảnh cháu bé bị chó nhà cắn được bác sĩ lưu lại trên máy tính.

Tại đây, các bác sĩ xác định bé có khoảng 15 vết thương, trong đó có 5 vết thương sâu, trầm trọng. Một vết thương kéo dài từ khoé miệng phải đến trên mang tai dài 12cm, sâu thấy răng và xương. Một vết thương dưới mi phải may mắn không đi vào nhãn cầu, hai vết thương gần thái dương. Ngoài ra, còn nhiều vết cào cấu.

Trong một giờ, ba y bác sĩ liên tục rửa vết thương và tiến hành khâu vết thương lại cho bé. "Tổng cộng có 7 sợi chỉ với tổng chiều dài 7,5 mét được khâu cho bé với trên 200 mũi khâu. Sau đó bé được dán các mũi khâu bằng keo", bác sĩ Ngyễn Văn Đẩu cho biết.

Theo bác sĩ Đấu, việc đầu tiên phụ huynh cần làm khi con bị chó cắn là phải rửa vết thương bằng nước sạch để loại đi tối đa vết dơ, vi sinh còn bám trên bề mặt vết thương, sau đó, mang ngay trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời và tiêm ngừa bệnh dại cho trẻ,.

Đồng thời, BS Đấu khuyến cáo, các phụ huynh nhà có trẻ nhỏ thì tốt nhất không nên nuôi chó. Nếu vì một lý do nào đó không thể không nuôi chó thì cố gắng cách ly em bé với con vật ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó đang nuôi con, đang ăn, bị thương...

Khi thả chó ra khỏi nơi nhốt thì phải rọ mõm, tuân thủ tiêm ngừa nó định kỳ. Khi bị chó cắn nên mang bé đến bệnh viện ngay để cấp cứu kịp thời và tiêm ngừa cho bé.

Chó thường cắn vào vùng mặt nạn nhân, đa số vết rách do cắn dài, sâu, vết xướt mất nhiều da và cơ. Răng chó rất bẩn nên vết thương thường phức tạp, dễ nhiễm trùng. Ngoài tiêm ngừa chó dại cắn, bé cần tiêm thêm kháng huyết thanh ngừa uốn ván vì song song vết cắn thường là vết cào, trầy xước do móng chân chó rất bẩn, chứa vi khuẩn tetanus.

Hương Bùi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự