Gần Tết, măng miến tăng giá vù vù

Ngày 22/01/2013 09:15 AM (GMT+7)

Măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương đã tăng giá thêm trung bình 30.000 đồng mỗi kg, các chị em nên mua sớm để được giá rẻ.

 Mất thêm trung bình 30.000 đồng mỗi kg

Chỉ còn hai mươi ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán, các chị em đang náo nức khảo giá, trao đổi kinh nghiệm mua bán các loại măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương.

Theo chân chị Minh Nga (quận Đống Đa, Hà Nội) ra chợ Kim Liên sắm Tết sớm, các quầy hàng các thứ đồ khô đã bày rất nhiều măng khô, miến, mộc nhĩ, nấm hương đủ các loại từ cao cấp đến bình dân. Hàng hóa nhiều hơn hẳn ngày thường nhưng giá cả cũng đắt hơn nhiều.

Măng bướm loại ngon đang bán với giá 300.000 đồng/kg, măng lá loại I 230.000 đồng/kg. Măng loại II 190.000 đồng/kg. Chị Nga cho hay, giá măng đã tăng từ 25.000 – 65.000 đồng/kg so với trước đó. Đầu tháng trước, măng bướm chỉ 235.000 đồng/kg.

Gần Tết, măng miến tăng giá vù vù - 1

Măng đã tăng giá từ 25.000 - 65.000 đồng mỗi kg

Ngày Tết, cùng với bánh chưng, giò chả, bát canh măng, canh miến, mộc nhĩ, nấm hương khô không thể thiếu trong mâm cơm. Cũng vì thế nên năm đến hẹn lại lên, sát Tết năm nào các mặt hàng này cũng tăng giá rất nhanh.

Cầm túi nấm hương mới mua trên tay, chị Nga nói, một kg nấm hương loại I đã tăng giá thêm 30.000 đồng, lên 380.000 đồng/kg. Mộc nhĩ cũng tăng thêm 20.000 đồng/kg, loại bình thường 180.000 đồng/kg – 190.000 đồng mỗi kg, loại đặc biệt cánh dày và đều 210.000 đồng/kg. Miến dong loại không tẩy cũng đang được bán với giá từ 60.000 – 65.000 đồng/kg.

Càng mua sớm càng rẻ

Như thành quy luật, Tết năm nào các mặt hàng trên cũng tăng giá rất nhanh. Chị Lan, chủ một cửa hàng chuyên bán đồ đô ở chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, thông thường, đến gần Tết, các mặt hàng đồ khô thiết yếu trong ngày Tết  sẽ tăng ít nhất khoảng 20%. Nếu mặt hàng nào khan, sẽ tăng giá tới 25 – 30% là chuyện bình thường.

Làm dâu trưởng đã gần chục năm nay, với kinh nghiệm nhiều năm đi chợ sắm đồ Tết, chị Hòa, (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, các chị em nên mua những hàng này từ trước Tết khoảng 1 tháng trở lên. Vì các hàng này có thể tự bảo quản trong tủ lạnh hoặc để nơi khô ráo thoáng mát trong vài tháng mà không sợ bị hỏng, mốc nên các chị em nên mua từ khoảng đầu tháng 11 âm trở về rồi bọc, gói cất trong ngăn tủ, hoặc tủ lạnh cẩn thận.

“Các chủ hàng còn tích hàng đến cả nửa năm rồi tung ra bán giá cao kiếm lời. Nhà mình đông anh em, Tết năm nào cũng 5 mâm cỗ, ăn hai bữa, mình chỉ cần mua sớm, mỗi kg bớt được vài ba chục ngàn tiền đội giá là đã tiết kiệm cả triệu đồng riêng khoản sắm thực phẩm khô”, chị Hòa nói.

Theo chị Hòa, bây giờ đi chợ sắm đồ khô cũng đã là hơi muộn, cách đây nửa tháng, chị đã mua được đầy đủ măng, miến dong không tẩy, nấm hương khô, mộc nhĩ, tôm khô, hành, tỏi khô… “Ngày trời có nắng, để ý dự báo thời tiết xem độ ẩm không khí thấp, mình mang lên sân phơi để phơi hoặc hong. Chỉ cần phơi một lần trong khoảng 2 tháng là yên tâm”, chị Hòa chia sẻ.

Từ khoảng tháng 11 âm trở đi, các chủ cửa hàng, chủ buôn lớn bắt đầu tích hàng vào và đến gần Tết sẽ đẩy giá lên. Những chủ hàng dài vốn còn ôm hàng tới cả nửa năm để được lời nhiều, các mặt hàng vì thế mà ngày càng bị tẩm, ướp, nhiều loại hóa chất bảo quản độc hại, vừa để hấp dẫn chị em vừa dễ bảo quản trữ hàng.

Trong bài tiếp theo, Eva sẽ tiếp tục thông tin đến chị em những chất hóa học độc hại mà người sản xuất và buôn bán dùng trong quá trình sản xuất và bảo quản miến, măng khô.

Tin tức đang được đọc nhiều nhất:

Lật tẩy ông già bán me bên đường SG

Rùng mình mứt trộn ruồi chết

Đại gia Việt đua nhau mua biệt thự triệu đô

Đám cưới 'sặc mùi xác thịt' giữa Sài thành

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan