Hàng ăn vỉa hè ra tay 'chặt chém' sau tết

Ngày 22/02/2014 10:24 AM (GMT+7)

Dù Tết đã qua nửa tháng, nhưng giá cả các dịch vụ ăn uống, vui chơi ở Sài Gòn vẫn còn áp mức giá khá cao, có nơi tăng đến 150% so với ngày thường.

Giá hàng hóa trên thị trường TP.HCM đã nhanh chóng trở lại bình thường, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm được giữ ở mức ổn định. Tại các siêu thị còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích sức mua. Trong khi đó, các dịch vụ ăn uống, vui chơi vẫn quen tay chặt chém khách.

Một nghịch lý phổ biến ở TP.HCM dịp sau Tết Giáp Ngọ là giá cả ăn uống ở các quán ăn vỉa hè đắt hơn ở các nhà hàng, quán ăn lớn. Khảo sát tại các tiệm ăn ở quận 1, quận 3, quận 4... giá vẫn giữ bằng mức trước Tết, chỉ một số nơi tăng nhẹ. Trong khi đó, các quán ăn tạm trên vỉa hè lại hét giá cao, với lý do “Tết nhất mà!”. Anh Phan Hữu Trung (quận 4) chia sẻ: “Ghé một quán lề đường ăn tô phở bò sau rằm tháng Giêng, tôi không khỏi choáng khi chủ quán hô giá 60.000 đồng, tăng gấp đôi trước Tết".

Hàng ăn vỉa hè ra tay chặt chém sau tết - 1

Khu phố Tây là nơi khách tập trung đông đúc khiến các dịch vụ ăn uống được dịp tăng giá vô tội vạ.

Đặc biệt, dịch vụ ăn uống, vui chơi tại khu phố Tây (đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện) tăng đột biến, do lượng khách du lịch trong những ngày này tăng cao. Giá bia, nước giải khát, cà phê, thức ăn tại phố Tây đồng loạt tăng từ 40% - 70%. Các dịch vụ giải trí như karaoke, Dart, cà phê xem phim cũng đang có mức giá cao hơn 100% - 150% so với ngày thường. Giá giữ xe máy từ 5.000 đồng/xe tăng lên 10.000 - 15.000 đồng/xe.

Anh Lê Quang Trung (thành phố Huế) đến TP.HCM du lịch vào thời điểm này không khỏi ngỡ ngàng với giá ăn uống bình dân tăng vọt. “Vào một quán bún bò trên đoạn đường Bùi Thị Xuân giao với Cống Quỳnh (quận 1), lúc thanh toán, tôi giật mình vì 3 tô bún bò cùng 3 ly trà đá được tính 182.000 đồng. Dù đã chọn quán ăn bình dân, nhưng vẫn không tránh khỏi bị "chém”, anh Trung bức xúc.

Giải thích nguyên nhân tăng giá, nhiều người kinh doanh dịch vụ đưa ra những lí do, như nguyên vật liệu được nhập với giá cao từ trước Tết, tiền lương phải trả cho nhân viên dịp Tết cao hơn ngày thường, một số loại thực phẩm khan hiếm...

Với tâm lý ngại đôi co đầu năm, hầu hết khách hàng đều “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi bị hét giá. Hơn nữa, nhiều khách hàng có thói quen ăn xài xả láng dịp Tết nên không có phản ứng trước tình trạng này. Được nước, nhiều người kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi thẳng tay chặt chém.

Không có bảng giá chuẩn nào cho các mặt hàng ăn uống, vui chơi, các cơ quan quản lí cũng chưa làm hết chức năng là nguyên nhân người kinh doanh lợi dụng đẩy giá cao sau Tết. 

Theo Minh Quân (Zing)
Nguồn:

Tin liên quan