Hành trình xuyên Việt mang tim, gan cứu sống người bệnh

Ngày 07/09/2015 15:15 PM (GMT+7)

Bệnh viện Việt Đức vừa thực hiện thành công ca ghép tim, gan “đặc biệt” nhất từ trước đến nay, khi nguồn tạng được vận chuyển xuyên Việt gần 2000 km trước khi được ghép.

Ca ghép tạng đặc biệt nhất

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên GĐ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người trực tiếp tham gia và chỉ đạo ca ghép tạng được mang từ TP HCM ra Hà Nội rạng sáng ngày 5/9.

Theo PGS Quyết, người vừa được ghép tim thành công là bệnh nhân 37 tuổi (Hà Nội) bị suy tim giai đoạn cuối do giãn cơ tim. Trước khi được ghép tim bệnh nhân phải sống nhờ máy hỗ trợ và cuộc sống chỉ có thể tính bằng tuần. Còn trường hợp thứ hai là một bệnh nhân bị ung thư gan, xơ gan giai đoạn cuối và có chỉ định phải ghép gan.

Rất may mắn cho hai bệnh nhân trên, khi ngày 3/9, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) có bệnh nhân chết não và được gia đình đồng ý hiến tạng. Tuy nhiên, tại bệnh viện này chỉ sử dụng thận để ghép cho bệnh nhân, còn lại nguồn tim và gan không dùng đến.

Hành trình xuyên Việt mang tim, gan cứu sống người bệnh - 1

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết (bên trái), người trực tiếp ghép gan cho bệnh nhân nhận định: "Đây là ca ghép tạng đặc biệt nhất"

Ngay lập tức, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người về trường hợp trên. Từ những thông tin về nguồn tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã rà soát chỉ số của các bệnh nhân đang chờ để ghép tim gan. Khi có bệnh nhân phù hợp với nguồn tạng, ngay lập tức kíp bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã lên đường vào TP HCM để lấy nguồn tạng.

“14 giờ 30 phút, kíp chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức gồm GS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và Lồng ngực và GS Trịnh Hồng Sơn – Phó giám đốc Bệnh viện đã trực tiếp vào BV Chợ Rẫy để lấy tạng.

Đến 17 giờ 30 phút các chuyên gia BV Việt Đức và bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành lấy tạng và bảo quản theo đúng quy trình. 21 giờ 30 phút nguồn tạng được đưa lên máy bay và 11 giờ 30 phút thì về đến bệnh viện Việt Đức.

Ngay lập tức khi có nguồn tạng về, kíp ghép tim và gan cho bệnh nhân (đã có sự liên lạc và chuẩn bị từ trước) tiến hành ghép, đến 4 giờ sáng hôm sau thì ca ghép tim xong, 5 giờ sáng cùng ngày ca ghép gan cũng hoàn thành”, PGS Quyết kể lại.

Hành trình xuyên Việt mang tim, gan cứu sống người bệnh - 2

Bệnh nhân ghép tim đã có thể cười và ăn uống bình thường, có thể xuất viện trong vòng 7 đến 10 ngày tới.

Nói về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân được ghép tim và ghép gan, PGS Quyết cho biết, hiện tại các bệnh nhân đã ổn định, có thể ăn uống bình thường. Theo quan sát của phóng viên, sức khỏe của các bệnh nhân này đang tiến triển rất tốt, các bệnh nhân đã có thể cười, nói chuyện với phóng viên bình thường.

Chuyên gia “gặm” bánh mỳ vì nguồn tạng

Đó là những lời tâm sự rất cởi mở và thẳng thắn của GS Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực khi kể lại cho phóng viên nghe về chuyến đi “đặc biệt” mang nguồn tạng là tim và gan từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hà Nội để ghép và cứu sống hai bệnh nhân.

“Khi chúng tôi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ tại đây đã làm một số thủ thuật trước, và chúng tôi chỉ việc tách tim, gan ra khỏi cơ thể bệnh nhân, sau đó bảo quản đúng quy trình và đưa ra sân bay để về Hà Nội.

Khi ấy, với chúng tôi nguồn tạng là quan trọng nhất, thậm chí khi ra khỏi Bệnh viện Chợ Rẫy chúng tôi vẫn mặc nguyên quần áo như trong bệnh viện và lên ô tô. Khi đến sân bay, trong thời gian chờ chuyến bay, chúng tôi mới có thời gian thay quần áo và “gặm” bánh mỳ”, PGS Ước kể lại.

Hành trình xuyên Việt mang tim, gan cứu sống người bệnh - 3

Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ghép tim và gan đã ổn định. Trong ảnh: Bệnh nhân ghép gan hôm 5/9.

Chia sẻ về những lo lắng khi chuyên chở nguồn tạng từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra Hà Nội, GS Trịnh Hồng Sơn – PGĐ Bệnh viện cho biết, thông thường ở nước ngoài khi chở nguồn tạng với khoảng cách xa đều có máy bay chuyên dụng riêng, nhưng ở Việt Nam thì không có, nên phải khắc phục khó khăn bằng các đi máy bay dân dụng.

“Cũng rất may mắn cho chúng tôi vì đã được Bộ Công an, Bộ GTVT phối hợp, tạo điều kiện vẫn chuyển nguồn tạng một cách nhanh chóng nhất. Bởi, nếu để lâu bên ngoài tôi rất lo ngại sẽ không ghép được vì bị hoại tử tế bào”, GS Sơn nói.

Nói về những áp lực khi vừa tiến hành di chuyển và làm thủ thuật trong một thời gian dài (từ 14 giờ phút ngày 4/9 đến 05 giờ ngày 5/9), GS Ước chia sẻ: “Nói ra chắc chẳng ai tin, nhưng đối với chúng tôi áp lực đó đã quá quen rồi”.

Theo GS Ước, để thực hiện thành công ca ghép tim gan “đặc biệt” này, công lớn không thuộc về cá nhân ai, mà đó là sự đoàn kết cả các bác sĩ giữa các đơn vị (BV Chợ Rẫy – Bệnh viện Việt Đức – Trung tâm điều phối tạng QG).

GS Ước cho biết, tính từ lúc lấy tạng ra khỏi bệnh nhân chết não tại BV Chợ Rẫy đến khi mang về BV Việt Đức ghép cho bệnh nhân thì thời gian ghép tim là 6,5 giờ và gan là 7,5 giờ.

Khoảng thời gian này cho thấy cường độ làm việc của các y, bác sĩ là vô cùng khẩn trương, nhịp nhàng để đảm bảo tối đa việc phần tạng ghép cho bệnh được mang về và thực hiện các ca ghép trong thời gian ngắn nhất.

Được biết, đây là ca ghép gan thứ 25 và ca ghép tim thứ 11 của BV Việt Đức nên các y bác sĩ đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật. Vì thế, cả 2 ca ghép đều diễn ra tương đối thuận lợi.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những ca bệnh đặc biệt