“Hoàn toàn có thể lập khoa sản trong bệnh viện nhi”

Ngày 01/12/2015 00:07 AM (GMT+7)

Nếu thấy cần thiết thì có thể thành lập các khoa sản trong các bệnh viện nhi, thậm chí là khoa nhi trong các bệnh viện sản để chăm sóc cho trẻ được tốt nhất.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em đề xuất nâng tuổi trẻ em từ 16 lên 18 tuổi. Ngay sau khi Dự thảo Luật được đưa ra, rất nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội và người dân đã tham gia góp ý. Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao đông TB&XH) xung quanh Dự thảo Luật này.

- Thưa ông! Vừa qua, Quốc hội đã đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) trong đó có nội dung nâng tuổi trẻ em từ 16 lên 18 tuổi. Vậy, dựa vào cơ sở nào để nâng độ tuổi của trẻ từ 16 lên 18 tuổi?

- Việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 tuổi lên 18 tuổi là để hài hòa Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Bởi vì, theo Công ước quốc tế, trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp các nước quy định tuổi trẻ em thấp hơn.

Hơn nữa, ở Việt Nam hiện nay mọi văn bản quy phạm pháp luật đều quy định tuổi chưa thành niên là dưới 18 tuổi, nghĩa là luật pháp không áp dụng tuổi thành niên sớm hơn. Như vậy, việc áp dụng tuổi trẻ em dưới 16 tuổi là trái với Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em.

Ngoài ra, còn có khoảng trống về pháp luật, chính sách và dịch vụ đối với người trong độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi. Bởi, đây là lứa tuổi có rất nhiều thay đổi tâm lý, sinh lý cũng như chưa đủ năng lực để đưa ra các quyết định của bản thân mình…

“Hoàn toàn có thể lập khoa sản trong bệnh viện nhi” - 1

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao đông TB&XH)

Chính vì thế, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc và UB Trẻ em Liên hợp quốc nhiều lần kiến nghị Việt Nam nâng lứa tuổi trẻ em lên 18 tuổi để phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.

- Hiện Dự thảo Luật mới đưa ra để Quốc hội xem xét, nhưng có rất nhiều ý kiến cho rằng sẽ mâu thuẫn đến nhiều Luật khác nếu tăng tuổi trẻ em lên 18 tuổi, kể cả vấn đề ngân sách. Vậy ông đánh giá về tính khả thi của Dự thảo Luật này như thế nào?

- Trước hết nói về việc mâu thuẫn với các luật khác trong hệ thống pháp luật của Việt Nam thì tôi khẳng định rằng không có mâu thuẫn. Đặc biệt là những Bộ luật và Luật quan trọng như: Luật Dân sự, tố tụng dân sự; Luật hình sự, tố tụng hình sự; Luật hôn nhân gia đình; Luật nghĩa vụ quân sự…

Tất cả những bộ luật, luật này đều quy định người đủ 18 tuổi trở lên, thì mới được tham gia đầy đủ vào các hoạt động đời sống xã hội và chịu trách nhiệm đầy đủ trước pháp luật, còn nếu dưới 18 tuổi thì đều có giới hạn nhất định.

Ví dụ như luật hình sự, người từ 14 tuổi trở lên đều phải chịu tránh nhiệm hình sự, nhưng khi áp dụng khung hình phạt đều có những điều, khoản giảm nhẹ hơn so với người đã thành niên.

Hay như Luật Lao động, người đủ 15 tuổi trở lên có thể tham gia vào các hoạt động lao động, nhưng luật cũng quy định rất chặt trẽ về môi trường, thời gian làm việc đối với trẻ chưa thành niên…

Về mặt ngân sách nhà nước, tôi khẳng định ban soạn thảo đã nghiên cứu kỹ về những tác động của việc tăng độ tuổi trẻ lên 18 tuổi. Bởi vậy, tôi có thể trả lời rằng, việc tăng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi, không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.

Còn nếu có tăng một phần nào đó, thì cũng là tăng cho những dịch vụ tốt hơn cho trẻ em tử 16 đến 18 tuổi, như những biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, những biện pháp tái hòa nhập cộng đồng cho những đối tượng tuổi vị thanh niên đã vi phạm pháp luật hòa nhập cộng đồng tốt hơn…

- Ngay sau khi đưa ra Dự thảo Luật nâng tuổi trẻ em lên 18 tuổi, nhiều người cho rằng sẽ phải thành lập khoa sản trong bệnh viện Nhi, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Công ước về quyền trẻ em nêu rõ, luôn phải dành sự ưu tiên cho trẻ em và dành những thành quả phát triển kinh tế xã hội tốt nhất cho trẻ em. Từ khi Việt Nam còn là nước nghèo và hiện nay Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, có thể đáp ứng các chính sách xã hội cho các đối tượng tốt hơn, thì tôi nghĩ rằng, có thể giải quyết các vấn đề của trẻ em nói chúng và lứa tuổi từ 16 đến 18 tuổi nói riêng, trong đó có vấn đề liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Hiện nay, vấn đề sức khỏe sinh sản ở lứa tuổi từ 16 đến 18 tuổi đang có rất nhiều vấn đề, đó đều là vấn đề khách quan của lứa tuổi này, nhưng vấn đề hệ lụy của nạo phá thai ở tuổi này nói riêng và phụ nữ nói chung còn rất cao.

Nguyên nhân chính là chúng ta chưa có sự giáo dục về kỹ năng sống về sức khỏe sinh sản từ sớm và liên tục. Ngoài ra, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn chưa được đảm bảo, tiện ích và tiếp cận chưa thuận lợi. Bởi vậy, ở lứa tuổi này khi quan hệ tình dục, các em vẫn chưa biết phòng ngừa những hậu quả xảy ra như: mang thai ngoài ý muốn, các bệnh liên quan đến bệnh tình dục.

Có nhiều quan điểm cho rằng, việc giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên là “vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng chúng ta phải đi theo một quan điểm rõ ràng là: “Nếu không vẽ các em cũng chạy, thà rằng chúng ta vẽ để cho những con hươu này chạy đúng hướng, đúng đường để bảo vệ các em về sức khỏe sinh sản và tâm lý nói chung”.

Bởi vậy, nếu thấy cần thiết thì có thể thành lập các khoa sản trong các bệnh viện nhi, thậm chí là khoa nhi trong các bệnh viện sản. Như chúng tôi được biết, có nhiều bác sĩ nhi khoa với trình độ nghề nghiệp của họ thì có thể chữa được bệnh cho người lớn. Ngược lại, với những bác sĩ đang chưa bệnh cho người lớn thì không hẳn đã chữa được bệnh cho trẻ nhỏ.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự