“Món nợ” vắc xin sắp đến hồi kết thúc

Ngày 05/05/2016 00:09 AM (GMT+7)

Với một nghiên cứu mới đang được triển khai, và hàng loạt các câu hỏi liên quan đến vấn đề vắc xin sẽ được giải đáp, hy vọng những lo âu của các ông bố, bà mẹ sẽ được tháo gỡ.

Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc hội thảo Khởi động nghiên cứu: Nâng cao hiệu quả quản trị hệ thống tiêm chủng cho trẻ em từ 0- 23 tháng tuổi tại Việt Nam. Mục tiêu của Nghiên cứu này nhằm làm rõ những trở ngại và thách thức thực tế đặt ra với hệ thống tiêm chủng hiện nay cho trẻ em 0 – 23 tháng tuổi, làm cơ sở cho việc phân tích hình thành những khuyến nghị chính sách cải thiện và nâng cao hiệu quả của hệ thống.

Chia sẻ với phóng viên về các vấn đề liên quan đến vắc xin xung quanh nghiên cứu này, TS.BS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cho biết: “Trong thời gian qua, hoạt động tiêm chủng của chúng ta đã đạt được những thành tựu, nhưng chúng ta vẫn thấy những tồn tại ở đó, đó là vấn đề người dân hết sức lo lắng. Chúng ta đang nợ các bậc cha mẹ và các em bé câu hỏi: Tại sao trong điều kiện hiện nay, có tiền mà nhiều ông bố, bà mẹ vẫn không thể tiếp cận được với các loại hình vắc xin an toàn theo như nguyện vọng của họ.

Chúng ta cũng đang nợ các ông bố, bà mẹ nói chung khi thời gian qua vẫn có xảy ra những vụ dịch sởi và câu hỏi đặt ra rằng: Tại sao có những trẻ được tiêm chủng mà vẫn bị tử vong? Tại sao có những trường hợp khỏe mạnh sau khi tiêm chủng lại tử vong? Tất cả những câu hỏi trên sẽ được nghiên cứu này làm sáng tỏ”.

“Món nợ” vắc xin sắp đến hồi kết thúc - 1

TS.BS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD).

Theo TS Tuấn, vắc xin là một sản phẩm sinh học, dù sản xuất trong các môi trường đã được cấp phép của tổ chức y tế thế giới, đảm bảo yêu cầu xuất xưởng, nhưng ra đến cộng đồng do ảnh hưởng của nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin. Những yếu tố đó có thể là vận chuyển, bảo quản và thậm chí là cả yếu tố con người.

Riêng vấn đề vắc xin dịch vụ và tai biến khi xảy ra khi tiêm vắc xin, TS Trần Tuấn cho biết: “Như chúng ta đã biết ở Việt Nam trong thời gian vừa qua không chỉ có dịch vụ tiêm chủng miễn phí do nhà nước cung cấp, mà đã hình thành dịch vụ tiêm chủng thu phí.

Câu hỏi đặt ra trong quá trình tương tác giữa dịch vụ thu phí và dịch vụ miễn phí khi sử dụng chung cho các đối tượng trẻ em là: Làm thế nào để tránh sự nghi ngại về chất lượng của vắc xin miễn phí? Và làm thế nào để giảm thiếu chi phí đối với vắc xin dịch vụ? Đó là những vấn đề chúng tôi đặt ra”.

Ngoài ra, câu hỏi nhiều người quan tâm nhất đó chính là trong trường hợp tai biến xảy ra thì vấn đề xử lý thế nào để cho thỏa đáng.

Theo TS Tuấn, đây là vấn đề mà Bộ Y tế đang xem xét và cũng là vấn đề đang được đặt ra trong nghiên cứu này, đó là: Có hay không mối liên hệ giữa việc xảy ra tai biến và vắc xin, đồng thời trách nhiệm của nhà sản xuất vắc xin đến đâu trong tiến trình xảy ra tai biến như trong thời gian vừa qua?

Tất cả những câu hỏi trên sẽ được giải đáp qua Nghiên cứu: Nâng cao hiệu quả quản trị hệ thống tiêm chủng cho trẻ em từ 0- 23 tháng tuổi tại Việt Nam. Được biết, nghiên cứu này đã qua giai đoạn 1 và tới đây sẽ được tiến hành nghiên cứu tại Hà Nam với sự chung tay, góp sức của nhiều cơ quan nhà nước, của các tổ chức y tế có uy tín trên thế giới, đặc biệt là WHO.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vắc xin an toàn