Nên đưa nguyên bài thơ 'Thương ông' để tôn trọng tác giả

Ngày 05/11/2014 17:01 PM (GMT+7)

"Học sinh không chỉ cần học có nội dung bài thơ, cách thức gieo vần... mà còn tự mình cảm nhận cái hay của bài thơ"...

Bài thơ "Thương ông" trong sách Tiếng Việt lớp 2 bị cắt bỏ nhiều đoạn đang là chủ đề gây nhiều bức xúc đối với các phụ huynh trong 2 ngày qua. Theo các bậc cha mẹ, đây là bài thơ hay, tình cảm, xúc động bao thế hệ về ông cháu mà họ đã thuộc nằm lòng. Thế nhưng, trong sách giáo khoa hiện hành, bài thơ đã bị "bóp méo" đi nhiều so với bản cũ.

Theo tìm hiểu, bài thơ "Thương ông" trong sách cũ và mới đều chỉ là đoạn trích trong cùng một tác phẩm là bài thơ “Thương ông” của nhà thơ Tú Mỡ. Tuy nhiên, sự khác nhau bất ngờ và khó chấp nhận này nhận được nhiều ý kiến phản đối của phụ huynh.

Nên đưa nguyên bài thơ Thương ông để tôn trọng tác giả - 1

Bài thơ "Thương ông" trong sách giáo khoa hiện hành. (Ảnh Thanh Hùng)

Trao đổi với phóng viên về "phiên bản mới" của bài thơ "Thương ông", TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ: "Bài thơ này đúng là nên đưa nguyên bản. Điều đó có thể nói là tôn trọng tác phẩm, tác giả. Cũng như đưa hình ảnh một bức tranh, cũng cần phải chụp cho chuẩn xác.

Học sinh không chỉ cần học có nội dung bài thơ, cách thức gieo vần... mà còn tự mình cảm nhận cái hay của bài thơ, được quyền tự trình bày ý kiến của mình về bài thơ: thích/không thích, cảm thấy hay/không hay.

Vì thế, việc đưa nguyên vẹn bài thơ là điều nên làm, hay đúng hơn là bắt buộc.

Nếu trong trường hợp cần rút ngắn cho phù hợp với trình độ đọc hiểu của học sinh lớp 2, các tác giả sách nên trích nguyên 1 đoạn, bỏ hẳn 1 đoạn. Như vậy trẻ sẽ cảm nhận 1 phần bài thơ (nhưng là 1 phần nguyên vẹn) chứ không phải làm cho bài thơ bị biến đổi quá nhiều như thế này".

Về việc tại sao lại có sự thay đổi đến chóng mặt này, TS Thu Hương cho biết: "Cái này có thể do yêu cầu của đối tượng học. Học sinh lớp 2 thì khả năng đọc hiểu còn kém, đọc hiểu 1 đoạn thơ dài, lại phải học thuộc lòng là không dễ mà tác giả lại muốn đưa nguyên vẹn ý bài thơ vào cho học sinh hiểu. Do vậy mới có chuyện cắt gọt đoạn thơ như trên".

Cũng theo vị này, cải cách chương trình giáo dục là điều cần làm vì cần cập nhật cho phù hợp với thời đại. Nhưng việc cải cách cần cẩn trọng hơn cho hợp lý với mọi yêu cầu từ trích dẫn tài liệu.

Bản đầy đủ bài thơ "Thương ông" của nhà thơ Tú Mỡ:

Thương ông

Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Khập khiễng khập khà
Bước lên thềm nhà
Nhấc chân quá khó

Thấy ông nhăn nhó
Việt chơi ngoài sân
Lon ton lại gần
Âu yếm nhanh nhảu
Ông vịn vai cháu
Cháu đỡ ông lên

Ông bước lên thềm
Trong lòng vui sướng
Quẳng gậy cúi xuống
Quên cả đớn đau
Ôm cháu xoa đầu
Hoan hô thằng bé
Bé thế mà khỏe
Vì nó thương ông

Đôi mắt sáng trong
Việt ta thủ thỉ:
- Khi nào ông đau
Ông nói mấy câu
"Không đau! Không đau!"
Dù đau đến đâu
Khỏi ngay lập tức.
Ông phải phì cười:
- Ừ, ông theo lời
Thử xem có nghiệm:
"Không đau! Không đau!"
Và ông gật đầu:
- Khỏi rồi! Tài nhỉ"
Việt ta thích chí:
- Cháu đã bảo mà...!
Và móc túi ra
- Biếu ông cái kẹo!./.

(Theo: thivien.net - Tuyển tập Tú Mỡ)

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan