Người tiêu dùng lo lắng phạt đội mũ bảo hiểm giả

Ngày 01/03/2013 15:17 PM (GMT+7)

Quy định xử phạt đội mũ bảo hiểm "thời trang" không đạt tiêu chuẩn làm cho người tiêu dùng hoang mang khi mũ giả đang bày bán tràn lan trên thị trường.

Tại buổi làm việc với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chiều 27/2, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, bắt đầu từ ngày 15/4, người điều khiển ô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm thời trang, mũ nhái không đạt tiêu chuẩn để "chống đối" sẽ bị phạt tương đương mức không đội mũ bảo hiểm.

Quy định này đang được các chị em bàn tán xôn xao trên các diễn đàn. Phần đông đều ủng hộ việc "dẹp loạn" bằng cách phạt thật nặng cơ sở sản xuất để không còn nguồn cung mũ bảo hiểm kém chất lượng, nhưng việc phạt người tiêu dùng thì lại khiến nhiều chị em lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng: cơ quan chức năng đang trút gánh nặng sang phía người tiêu dùng.

Chị Lan Anh (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả là hoàn toàn không có tính khả khi trên thị trường đang bày bán hàng loạt các loại mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng khó để phân biệt thật giả.

"Không lẽ khi điều khiển xe máy lưu thông trên đường, ngoài mang theo giấy tờ tùy thân còn phải mang theo giấy chứng nhận mũ bảo hiểm thật 100% hay sao. Không phải người tiêu dùng nào cũng có thể phân biệt được. Muốn xử phạt trước tiên phải dẹp được nạn hàng giả, hàng nhái trước đã", chị Lan Anh bức xúc.

Người tiêu dùng lo lắng phạt đội mũ bảo hiểm giả - 1
Mũ bảo hiểm giả bày bán tràn lan và một số người thường sử dụng vì giá rẻ và thời trang (Ảnh minh họa)

Cùng quan điểm với chị Lan Anh, chị Huệ (nhân viên hành chính một công ty thiết bị điện ở Hà Nội) tỏ ra không mấy hài lòng với quy định mới này, khi mà hàng giả hàng nhái đang tràn lan, các cơ quan chức năng không thể xử lý triệt để thì lại đẩy sang người tiêu dùng, "phạt người đội mũ bảo hiểm rởm khác gì phạt bệnh nhân vì… có bệnh!"

Chị bày tỏ quan điểm: "Đội mũ bảo hiểm dỏm đúng là không tốt nhưng không có nghĩa là đè người dân ra để phạt. Cần phải phạt thật nặng những công ty, doanh nghiệp, người sản xuất mũ bảo hiểm rởm chứ sao lại bắt và phạt người dân tiêu dùng, thật vô lý! Có khi mai mốt đi chợ lỡ mua phải hàng giả, trái cây rởm, kém chất lượng cũng bị phạt".

Trên các diễn đàn mạng, quy định này cũng đang được mọi người đem ra bàn tán xôn xao. Một thành viên trên diễn đàn còn đùa tếu rằng: "Mũ bảo hiểm sắp tới có khi cũng bị quản lý như vàng, chỉ cho phép một công ty kinh doanh để “bảo vệ” người tiêu dùng. Vì thực tế, mình chả biết cái nào là của dỏm cái nào là của thật".

Một thành viên khác bày tỏ: “Đồng ý là đội mũ bảo hiểm chất lượng thì an toàn cho người đi xe mô tô, xe máy nhưng thật là vô lý khi chúng ta đã có Cục quản lý thị trường, công an sao không đi bắt những người làm mũ giả mũ nhái mà lại đi phạt người dân như thế”.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Vũ Thế Long - nguyên Trưởng ban nghiên cứu con người và môi trường (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng: “Nếu chỉ lo phạt thật nặng những người dân đội mũ bảo hiểm kém chất lượng mà không xử phạt những cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm là hết sức vô lý. Nó chẳng khác gì người đi xe mua phải xăng dởm khiến xe bị cháy, thay vì phạt người bán xăng rởm lại phạt người mua phải xăng rởm và bị cháy xe”.

Người tiêu dùng lo lắng phạt đội mũ bảo hiểm giả - 2
Nhiều ý kiến bàn tán xung quanh quy định mới này (Ảnh chụp từ diễn đàn)

Bên cạnh rất nhiều những ý kiến tỏ ra không đồng tình với việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm thì cũng có những ý kiến cho rằng, đây là một quy định hoàn toàn đúng đắn, phải có sự tác động từ hai phía: cơ quan chức năng và người dân thì mới dẹp loạn được mũ bảo hiểm dỏm bán tràn lan trên thị trường.

Chị Minh Ánh (Thái Hà, Đống Đa) chia sẻ: "Phải xử phạt những người sản xuất mũ bảo hiểm giả là đúng rồi nhưng nếu không có những người thích mua mũ bảo hiểm thời trang giá rẻ thì họ bán cho ai. Và một quy định đặt ra là có cầu ắt phải có cung. Vì thế việc phạt những người đội mũ bảo hiểm thời trang rởm để những người bán mũ bảo hiểm không có đất dụng là quy định đúng đắn mà phải tiến hành một cách quyết liệt".

Nhiều chị em cho rằng không thể lấy việc không thể phân biệt mũ bảo hiểm giả thật để biện minh: "Mũ bảo hiểm kém chất lượng cầm vào là biết ngay, không thể đưa ra lý do không thể phân biệt giả thật để biện minh cho mình được, người mua cũng cần quán triệt tinh thần "tiền nào của ấy". Đưa ra luật phạt cả 2 chiều là đúng rồi, phạt người bán một thì phạt người mua 10 vì tiếp tay cho các hoạt động kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm giả khiến các loạt mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường".

Xem thêm: Từ 15/4: Đội mũ bảo hiểm giả sẽ bị phạt

70% người đi xe dùng mũ bảo hiểm giả

Sau hơn 3 năm, tại Thủ đô, số người đội mũ bảo hiểm (MBH) để đối phó vẫn “thắng áp đảo” số người đội mũ để phòng thân.

Thông tin được ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra tại buổi tổng kết công tác kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn Hà Nội chiều 27/2 khiến nhiều người phải giật mình: Sau 5 năm vận động toàn dân đội mũ bảo hiểm, tỷ lệ đội mũ đạt 90%, nhưng chỉ có 30% là đội mũ đạt chất lượng, còn lại 70% là mũ giả, kém chất lượng.

Thêm một thông tin khác cũng “gây sốc” không kém nhưng phản ánh đúng tình trạng thực tế: Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội - Cục Quản lý Thị trường tiến hành kiểm tra thí điểm 15 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm tại quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Hoàng Mai và phát hiện 100% cơ sở bị kiểm tra đều vi phạm.

Phải chăng những chế tài cụ thể còn nằm trên giấy mà chưa chuyển thành những hành động thực tế để tạo tính răn đe, giáo dục? Tại sao mũ bảo hiểm giả, không đảm bảo chất lượng vẫn được bày bán tràn lan và công khai?... Và chắc chắn sẽ còn nhiều câu hỏi tương tự được đặt ra xung quanh công tác kiểm tra hàng hóa nhập khẩu cũng như việc dán tem chống hàng giả trên thị trường.

Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, khi cầu vẫn còn thì nguồn cung cũng khó lòng bị dẹp bỏ. Cơ quan chức năng làm sao có thể dẹp triệt để các điểm bán mũ giả, kém chất lượng khi ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng chưa được nâng cao?.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan