Những bệnh mùa hè phụ huynh nên đề phòng cho con

Ngày 13/05/2016 14:49 PM (GMT+7)

Tại TP. HCM từ đầu tháng 4 đến nay nắng nóng gay gắt, nhiệt độ và độ ẩm cao khiến rất nhiều trẻ em nhập viện điều trị. Những bệnh trẻ em thường gặp phải như: tiêu chảy, nhiễm siêu vi, tay chân miệng…phụ huynh nên biết để phòng ngừa cho con.

Tại bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, mỗi ngày tiếp nhận từ 5.000 đến 6.000 trẻ, đỉnh điểm đến 7.000 trẻ đến khám và điều trị bệnh. Theo Khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi đồng 1, những bệnh trẻ thường mắc trong thời tiết nắng nóng có thể phòng ngừa được nếu phụ huynh hiểu rõ về tác nhân gây bệnh, chăm sóc cho con tốt.

Bệnh tiêu chảy

Mùa nóng là mùa bùng phát và dễ mắc bệnh tiêu chảy, nhất là tiêu chảy cấp là do thức ăn dễ bị hư hỏng, ôi thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy, trẻ khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh...

Nhiễm siêu vi

Mùa nắng nóng cũng là thời điểm mà trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khiến trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn. Một số siêu vi nguy hiểm có thể gây hại cho trẻ như: siêu vi cúm, siêu vi cởi, siêu vi gây bệnh thủy đậu, bệnh quai bị, bệnh sốt phát ban Rubella…

Những bệnh mùa hè phụ huynh nên đề phòng cho con - 1

Nắng nóng nhiều trẻ được đưa đến bệnh viện Nhi đồng 1 để khám và điều trị

Viêm màng não ở trẻ em

Một số vi trùng và siêu vi trùng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não trong mùa nắng nóng. Bệnh có thể gây tử vong hay để lại những di chứng như điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân hoặc chậm phát triển tâm thần vận động…

Ngộ độc thức ăn

Thời tiết nắng nóng, nếu thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là tại môi trường học đường.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. HCM, từ đầu năm đến nay, tại địa bàn thành phố xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng khiến 98 học sinh nhập viện điều trị. Nguyên nhân được xác định là do suất thức ăn cung cấp không đảm bảo vệ sinh.

Bệnh tay chân miệng

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao gây nhiều lo lắng cho gia đình có trẻ nhỏ, bệnh liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường.

Những bệnh mùa hè phụ huynh nên đề phòng cho con - 2

Đưa trẻ vào bệnh viện ngay nếu trẻ có những dấu hiệu như: sốt cao dọa co giật, khò khè, khó thở, li bì, nôn ói tất cả kể cả nước, trẻ tiêu chảy nhiều không cầm

Sốt xuất huyết

Tăng cao trong thời tiết nắng nóng như hiện nay tại TP. HCM, đặc biệt là ở trẻ em. Theo báo cáo của Sở Y tế TP. HCM, trong tuần qua (ngày 2 đến ngày 8/5) toàn thành phố có 122 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện. Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM ghi nhận 1 trường hợp sốt xuất huyết tử vong sinh sống tại phường 10, quận Gò Vấp. Số ca tử vong từ đầu năm đến nay là 2 ca.

Ngoài các bệnh thường gặp ở trên, nhiệt độ môi trường tăng cao làm trẻ em thường bị chứng rôm sảy gây ngứa ngáy rất khó chịu, hoặc trẻ có thể bị say nắng nếu chơi ở ngoài nắng nóng quá lâu.

Để phòng ngừa các bệnh trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, bệnh viện Nhi đồng 2, đưa ra lời khuyên: Phụ huynh cần thường xuyên dạy cho con rửa tay đúng cách. Mặc thoáng mát, đội mũ khi ra ngoài. Cho trẻ uống nước nhiều, giúp da và đường hô hấp luôn ẩm. Tránh uống hay ăn đồ quá lạnh.

Đối với trẻ nhỏ, lưu ý tránh đi chỗ nắng nóng nhiều và chỗ đông người, và áp dụng các biện pháp phòng tránh bệnh thông thường mà hiệu quả:

- Bú sữa mẹ nhiều vì trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể;

- Ngoài sữa, nên cho bé ăn dặm đúng thời điểm từ 6 tháng nhằm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất và vitamin cần thiết cho sự phát triển của trẻ, thúc đẩy hệ miễn dịch của cơ thể;

- Cho trẻ chích ngừa đầy đủ.

Những bệnh mùa hè phụ huynh nên đề phòng cho con - 3

Trẻ được nhân viên điều dưỡng lau mặt cho mát trước khi được bác sĩ khám bệnh

Khi da bé ẩm ướt nên mặc đồ thông thoáng, chất liệu bằng cotton, khi da hơi khô nên bôi những loại kem giữ ẩm cho bé vào buổi tối. Tắm rửa cho trẻ mỗi ngày. Nhưng không tắm khi trẻ đang đổ mồ hôi nhiều. Không sử dụng quạt hay máy lạnh quá mạnh, cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Khi bé hắt hơi sổ mũi nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, mát xa lưng và tay chân trẻ bằng ít dầu khuynh diệp để kích thích máu huyết lưu thông, tăng cường miễn dịch.

Khi trẻ bệnh, phụ huynh nên đưa đi khám, không nên tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh.

Để ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết, cần phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, phụ huynh tạo thói quen ngủ màn, diệt loăng quăng…

Trẻ bị bệnh phụ huynh nên lưu ý trong việc chăm sóc như sau:

-  Khi trẻ sốt cao, phải mặc đồ thoáng mát, lau mát cho trẻ, gọi là lau mát nhưng thật sự lau bằng nước  ấm, vì nếu lau bằng nước lạnh, các mạch máu ngoại vi sẽ co mạch lại, không thoát nhiệt được, trẻ càng run và nhiệt độ càng tăng.

- Cho trẻ uống nước nhiều, không nên lo lắng khi trẻ từ chối ăn hoặc ăn ít đi. Vì khi trẻ sốt, các cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động kém đi, ăn nhiều hoặc ép trẻ ăn sẽ làm cho trẻ dễ mệt hơn.

- Không cắt lễ, không dùng thuốc Aspirine để hạ sốt.

- Khi trẻ bị bệnh, sau vài ngày sốt cao, trẻ có thể phát ban, không nên ủ kín thân thể trẻ, vẫn có thể tắm rửa bình thường và giữ cho da trẻ thông thoáng sạch sẽ vì nếu không, trẻ ngứa ngáy, có thể gãi làm trầy sướt và dễ nhiễm trùng da.

 - Lập tức đưa trẻ vào bệnh viện ngay nếu trẻ có những dấu hiệu sau: sốt cao dọa co giật; khò khè, khó thở; li bì ; nôn ói tất cả kể cả nước, trẻ tiêu chảy nhiều không cầm.

Văn Luận
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp