Những điều khó quên về cụ Rùa Hồ Gươm

Ngày 20/01/2016 09:02 AM (GMT+7)

Cụ Rùa Hồ Gươm qua đời là thông tin bất ngờ và gây khá nhiều tiếc nuối cho người dân Hà Nội. Cùng nhìn lại một chặng đường dài mà “cụ” đã gắn bó với hồ Hoàn Kiếm và người Thủ đô…

Trước khi lưu truyền Sự tích Hồ Gươm, không có một tài liệu nào nhắc đến hay khẳng định có rùa trong hồ Tả Vọng. Vậy nên đối với người Việt Nam, Cụ Rùa bước ra từ sự tích trao trả thanh gươm báu và trở thành một biểu tượng của tinh thần yêu nước quật cường.

Tuổi thọ của Cụ Rùa?

Đã từng có nhiều luồng thông tin không nhất quán về tuổi của Rùa Hồ Gươm. Chiếm ưu thế nhất là ý kiến cho rằng Cụ Rùa 700 tuổi, nặng chừng hai tạ. Tuy nhiên đến tháng 4/2011, hội đồng chữa trị cho Cụ Rùa Hồ Gươm đã tiến hành phân tích ADN cho cụ Rùa và khẳng định, Rùa Hồ Gươm là rùa cái và tuổi thọ có thể hơn 100 năm.

Những điều khó quên về cụ Rùa Hồ Gươm - 1

Cụ Rùa Hồ Gươm - một biểu tượng gắn với sự tích về tinh thần yêu nước quật cường. Ảnh: VietNamNet

Vậy, từ thế kỷ XV đến nay, đã có bao nhiêu cá thể rùa?

Điều này khó có thể đưa ra con số thống nhất và chính xác.

Nguyễn Dậu – một nhà văn vô gia cư từng hơn 10 năm kiếm sống bên Hồ Gươm từng viết trong tập truyện ký “Rùa Hồ Gươm” (xuất bản năm 1991) rằng trong hồ có tới 17 con rùa to. Ông cũng nói rõ: con to nhất sau này bị biến mất, hai con khác bị đánh trọng thương và chết.

GS. Hà Đình Đức – người dày công nghiên cứu về rùa Hồ Gươm luôn khẳng định là từng có 4 và đây chính là Cụ Rùa cuối cùng. 3 cụ còn lại trước đó thì hai cụ bị chết, tiêu bản một cụ trưng bày ở Đền Ngọc Sơn, còn bộ xương cụ kia hiện vẫn lưu giữ trong kho của Bảo tàng Hà Nội; một cụ khác bị mất năm 1967.

Những dấu mốc đáng nhớ của Cụ Rùa cuối cùng

Cụ Rùa đã rất nhiều lần xuất hiện trước những thời điểm gắn với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và Thủ đô. Có lẽ, khó có thể khẳng định đó chỉ là sự ngẫu nhiên đơn thuần.

Từng trả lời phỏng vấn trên báo chí, GS. Hà Đình Đức cho biết: “Từ tháng 10/1991 đến tháng 6/2005, có 35 lần rùa nổi trùng hợp với một sự kiện gì đó đặc biệt”.

Quay trở lại những lần gần đây nhất, hẳn chúng ta khó có thể quên:

2010: Cụ Rùa nổi tới 124 lần. Trong đó có hai lần đúng dịp Quốc Khánh và khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Những điều khó quên về cụ Rùa Hồ Gươm - 2

Năm 2011, Hà Nội tiến hành lai dắt Cụ Rùa để chữa bệnh. Ảnh: VietNamNet

2011: Cụ Rùa bất thường nổi lên nhiều lần với nhiều vết thương. Lúc đó, cụ có cân nặng 169 kg, chiều dài của mai là 1,3m . Vào thời điểm đó, nhiều ban ngành cùng chung tay và đã hoàn thành chữa trị bệnh cho "Cụ" sau 3 tháng. Đó cũng là lần đầu tiên Việt Nam tiến hành việc lai dắt rùa và đã thành công.

2012: Châu Âu muốn làm phim Cụ Rùa.

2013: “Cụ” nổi đúng ngày tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Quảng Bình (13/10).

2014: Cụ Rùa khỏe mạnh, mai nhẵn bóng.

Những điều khó quên về cụ Rùa Hồ Gươm - 3

Cụ Rùa lúc còn khỏe mạnh vào năm 2014. Ảnh: Zing.vn

Trong khoa học, một số chuyên gia quốc tế cho rằng Rùa Hồ Gươm thuộc họ Rùa mai mềm Thượng Hải. Mai rùa mềm chứ không cứng như những loài khác. Đầu rùa tương đối nhỏ, rộng; mõm ngắn, tròn. Lưng màu vàng lục và có đốm vàng, yếm bụng màu trắng nhạt. Đây là loại rùa lớn mai mềm nước ngọt đặc hữu của Việt Nam.

Theo nhiều nhà nghiên cứu sau này mà tiêu biểu là GS. Hà Đình Đức, cụ Rùa có thể có nguồn gốc từ Lam Kinh (Thanh Hóa) và do chính tay Vua Lê Lợi thả xuống hồ. Đồng thời, một nghiên cứu so sánh AND (năm 2011) thì Rùa Hồ Gươm giống với loài rùa ở Quảng Phú (Thanh Hóa), Suối Hai, Hương Ký (Hà Nội) chứ không phải giống với loài rùa Thượng Hải và Đồng mô.

Theo N.Thuyết
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cụ Rùa hồ Gươm