Những vụ việc được dư luận quan tâm trong tuần qua (18/4-24/4)

Ngày 24/04/2016 18:01 PM (GMT+7)

Mẹ ép 2 con uống thuốc sâu rồi tự sát ở Hải Dương, cá chết hàng loạt ở miền Trung do độc tố môi trường, rò rỉ khí từ hầm Biogas làm 9 người bị ngộ độc nặng... là những vụ việc được dư luận quan tâm trong tuần qua.

Mẹ ép 2 con uống thuốc sâu rồi tự sát ở Hải Dương

Những ngày qua, vụ thảm án gia đình ở Hải Dương đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. 

Khoảng 17 giờ ngày 19/4, tại nhà anh Nguyễn Mạnh Thế (SN 1983, trú tại thôn Lễ Độ, xã Kim Anh, Kim Thành, Hải Dương), do mâu thuẫn chuyện gia đình, chị Trần Thị Huế (SN 1982) đã pha thuốc trừ cỏ vào ca rồi ép 2 con là Nguyễn Mạnh Huy (SN 2008) và Nguyễn Mạnh Hoàng (SN 2011) cùng uống.

Do cháu Hoàng không chịu uống, Huế đã lấy dao nhọn đâm cháu Hoàng rồi dùng chính hung khí này tự sát. Đối với cháu Huy bị mẹ ép uống thuốc đã ngậm thuốc trừ cỏ trong miệng rồi nhả ra gọi bà nội kêu cứu.

Những vụ việc được dư luận quan tâm trong tuần qua (18/4-24/4) - 1

Người thân đau đớn trước cái chết của các nạn nhân. (Ảnh: Gia đình & Xã hội)

Cháu Hoàng tử vong trên đường đi cấp cứu, còn Huế được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu nhưng đến hôm sau thì tử vong.

Bé trai Nguyễn Mạnh Huy, SN 2008, đã qua cơn nguy kịch, hồi tỉnh sau 2 ngày cấp cứu và điều trị tích cực tại BV Nhi TW.

Được biết, chị Huế là gái út trong gia đình. Trước khi lấy anh Thế, người phụ nữ này đã lập gia đình với một người đàn ông ở thôn Đông Tân (xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Do chồng không có con lại hay ghen tuông, đánh đập vợ nên chị Huế đã quyết định ly hôn để tự giải thoát mình. Sau đó, chị Huế ra Quảng Ninh làm công nhân rồi quen biết với anh Thế. Sau một thời gian tìm hiểu, hai người quyết định đi đến kết hôn.

Ông Hà Mạnh Lượng, Trưởng thôn An Cư, xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang cho biết: “Chị Huế rất ngoan ngoãn, lễ phép. Còn nguyên nhân vì sao xảy ra vụ việc có lẽ phải chờ cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng”.

Cá chết hàng loạt ở miền Trung do độc tố môi trường

Đến hôm nay, đúng 20 ngày kể từ khi xảy ra vụ việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Huế, có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống và sinh kế của người dân. 

Từ lúc xuất hiện cá chết hàng loạt thì công việc đánh bắt gần bờ của nhiều ngư dân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại xã Lộc Vĩnh có trên 50% số hộ làm nghề đánh bắt gần bờ đều phải nghỉ ở nhà vì không có lượng cá để đánh bắt. Phần nữa cũng chẳng ai dám thu mua vì tâm lý hoang mang lo sợ cá biển có thể bị nhiễm các độc tố.

Những vụ việc được dư luận quan tâm trong tuần qua (18/4-24/4) - 2

Cá chết bất thường trôi dạt vào bờ biển xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Người lao động)

Ngày 23/04, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn họp báo tại Hà Tĩnh với sự tham dự của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cùng lãnh đạo 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế để thảo luận, đánh giá tình hình cá chết hàng loạt ở các địa phương này thời gian qua.

Qua kết quả lấy mẫu phân tích, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, khẳng định: “Chắc chắn cá chết không phải do dịch bệnh hay môi trường nước mà do độc tố, đó có thể là độc tố sinh học, hóa học hay một loại độc tố khác”.

Ông Vũ Văn Tám cũng thừa nhận Bộ NN-PTNT có sự lúng túng trong việc điều tra, xác minh chất độc cụ thể đó là gì.

Việc Formosa xả thải như thế nào, ai kiểm soát chất lượng việc xả thải thì vẫn còn bỏ ngỏ. Ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, xác nhận trạm quan trắc tự động của Công ty Formosa chưa kết nối và truyền số liệu về Sở TN-MT tỉnh này.

Úc xác nhận mảnh vỡ ở Mozambique là của MH370

Hôm 20/4, Ủy ban an toàn giao thông vận tải Australia (ATSB) đã công bố báo cáo kiểm tra kỹ thuật, khẳng định chắc chắn rằng hai mảnh vỡ tìm thấy ở Mozambique là của máy bay số hiệuMH370 mất tích hồi tháng 3 năm 2014. 

Hai mảnh vỡ này được phát hiện ở 2 địa điểm khác nhau tại Mozambique, cách nhau 220 km. Mảnh vỡ đầu tiên được tìm thấy hồi tháng 12/2015 được xác định là một phần của cánh phải máy bay.

Mảnh vỡ thứ 2 được phát hiện hồi tháng 2/2016, thuộc phần cánh ổn định ngang nằm ở đuôi máy bay. Mảnh vỡ này hình cong, dài khoảng 1 mét và rộng 0,5 mét. Trên mảnh vỡ có hàng chữ số 676EB.

Những vụ việc được dư luận quan tâm trong tuần qua (18/4-24/4) - 3

Mã số 676EB trên mảnh vỡ đầu tiên phù hợp với mẫu của hãng hàng không Malaysia Airlines

Bộ trưởng Giao thông Australia Darren Chester cho biết các chữ cái và con số trên mảnh vỡ hoàn toàn phù hợp với phông chữ của Malaysia Airlines. Tuy nhiên, không giống với mẫu tương tự được sử dụng ở nhà máy sản xuất máy bay Boeing khi chuyển giao máy bay, nhưng lại theo kiểu mà Hãng hàng không Malaysia đã sử dụng khi sơn lại mã số này.

Ông Darren Chester cho biết thêm, mảnh vỡ thứ hai chủ yếu được xác định dựa trên vật liệu, cấu trúc và chữ “NO STEP”. Cái chốt khóa trên mảnh vỡ cũng khớp với chốt khóa trong dây chuyền lắp ráp máy bay của Boeing.

Với kết quả này, các chuyên gia hy vọng rằng bí ẩn lớn nhất của hàng không thế giới sẽ được giải đáp.

Rò rỉ khí từ hầm Biogas làm 9 người bị ngộ độc nặng

Khoảng 6 giờ 15 phút ngày 23-4, ông Nguyễn Văn Tặng (51 tuổi, ngụ ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) phát hiện đường ống dẫn khí từ hầm biogas ngoài vườn vào nhà bị rò rỉ nên ra hầm sửa. Đợi mãi không thấy chồng vào, vợ ông Tặng là bà Phạm Thị Giếng (51 tuổi) ra kiểm tra thì phát hiện ông Tặng nằm bất động trong hầm nên lao vào cứu và cũng bị ngạt theo.

Những vụ việc được dư luận quan tâm trong tuần qua (18/4-24/4) - 4

Nơi phát hiện các nạn nhân bị ngất do hít phải khí gas (Ảnh: Người lao động)

Nhiều người hàng xóm của vợ chồng ông Tặng phát hiện vụ việc chạy sang ứng cứu cũng lâm nạn. 

Những người dân chứng kiến sự việc cho biết, khi bước đến gần hầm biogas, nhiều người hít một luồng khí rất khó chịu, gây cảm giác chóng mặt, nhức đầu… Sau khi đưa được các nạn nhân ra ngoài, rất nhiều người đã phải đến bệnh viện điều trị các chứng nôn ói và khó thở, một số người còn bị ngất.

Cùng ngày, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã trực tiếp đến hiện trường thăm hỏi gia đình các nạn nhân, yêu cầu chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ các gia đình nạn nhân lo hậu sự. Đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng nhanh chóng xử lý luồng khí độc đang tồn đọng trong môi trường ở khu vực xảy ra tai nạn…

Hà Anh (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan